• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Ứng dụng 'chuyển giới' FaceApp: Có thực sự nguy hiểm như lời đồn hay chỉ là chiêu trò dắt mũi dư luận của truyền thông?

Thế Giới

FaceApp đang một lần nữa trở nên phổ biến trên toàn cầu, nhiều người nổi tiếng, bao gồm các diễn viên, ngôi sao nhạc pop, vận động viên và hàng triệu người khác liên tục đăng những bức ảnh của họ được chỉnh sửa bằng ứng dụng này.

Tuy nhiên, bất chấp các tính năng thú vị như biến người trong ảnh trở nên già hơn, mọc thêm râu tóc, hoặc chuyển đổi giới tính của họ thì những rủi ro về an ninh từ FaceApp cũng được nhiều nguồn tin cảnh báo.

"FaceApp xâm phạm thông tin cá nhân? Rủi ro rò rỉ thông tin nhạy cảm?" Nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra và cũng rất nhiều chuyên gia và tờ báo đã viết hoặc trả lời chắc chắn về điều này. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến FaceApp bị kết tội là từ những quyền như "tự vận hành khi khởi động", "truy cập bộ nhớ", "nhận dữ liệu từ internet", "chạy nền"... và được kết luận là vượt quá quyền hạn của một ứng dụng chỉnh sửa ảnh.

Tuy nhiên, nếu có thể kết luận tính minh bạch của một ứng dụng, hoặc kết tội ứng dụng đó dựa trên mô tả về các quyền truy cập trên thiết bị, thì có rất nhiều ứng dụng mà chúng ta đang sử dụng hằng ngày như Facebook, TikTok, Twitter... cũng có thể bị xem là nguy hiểm theo cách tương tự.

Rất nhiều ứng dụng phổ biến liên quan đến chụp và chỉnh sửa ảnh cũng yêu cầu quyền tương tự như FaceApp, tuy nhiên không hiểu sao chúng lại chưa bao giờ bị "đấu tố" như vậy. Đơn cử là B612 - một ứng dụng camera kiêm chỉnh sửa ảnh của Mỹ, thậm chí nó còn đòi hỏi nhiều quyền hơn FaceApp, bao gồm cả quyền truy cập vị trí người dùng qua GPS, kiểm soát microphone và thu âm!

Nếu cho rằng quyền truy cập của ứng dụng là một yếu tố để quyết định mức độ nguy hiểm và nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân thì khi xem qua các quyền được yêu cầu của FaceApp và B612, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi là vì sao FaceApp lại bị công kích mà B612 thì không? Trên lập trường này, điều khác biệt duy nhất mà người viết cảm thấy đáng kể giữa hai ứng dụng nói trên đó là B612 do Mỹ làm ra, trong khi FaceApp là sản phẩm của Nga.

Như đã biết, hầu hết những bài viết công kích FaceApp bắt nguồn từ truyền thông Mỹ, cũng tương tự như cách báo chí xứ sở Cờ hoa hay chỉ trích các thiết bị và phần mềm Trung Quốc ẩn chứa nguy cơ về bảo mật thông tin. Với trường hợp của nước Nga, quốc gia này mang tiếng đã can thiệp vào bầu cử Mỹ, mặc dù cuối cùng không ai có thể kết luận được điều này một cách xác thực, kể cả các cơ quan tình báo Mỹ.

Theo Jeff Elder, biên tập viên làm việc cho hai hãng sản xuất phần mềm chống virus phổ biến là Avast à McAfee dẫn lời Nikolaos Chrysaidos - trưởng bộ phận kiểm soát mối đe dọa thông tin trên di động của Avast cho biết sau khi kiểm tra FaceApp:

Tôi không thấy có dấu hiệu ứng dụng này xâm phạm quyền riêng tư theo những cách bất chính, đúng là nó có thu thập thông và hình ảnh theo đúng như cách mà nó đã vận hành, nhưng nguy cơ này cũng có thể đến từ nhiều dứng dụng tương tự khác.

Mọi người thường lo ngại khi nghe về AI (trí thông minh nhân tạo), nguy cơ rò rỉ thông tin, rồi chuyện về nước Nga, v...v... tôi hoàn toàn có thể hiểu được điều đó. Nhưng thành thực mà nói, khi lùi một bước để nhìn vào thực tế, đây không phải là một vấn đề lớn về an ninh mạng.

Đây không phải là một ứng dụng độc hại, nhưng nó là một trong nhiều ứng dụng gây ra lo ngại về quyền riêng tư. Mặc dù là một vấn đề phổ biến, nhưng nó cũng không quá cấp bách. Các công ty sản xuất ứng dụng nên minh bạch hơn về việc sử dụng dữ liệu của họ và trách nhiệm cũng thuộc về chính người sử dụng nữa.

Đây chỉ là một lời nhắc nhở khác về việc thực hành an ninh mạng tốt hơn trên thiết bị di động của bạn mà thôi.

Đại diện từ Avast đã đưa ra một quan điểm rất thực tế về FaceApp cũng như tình hình chung của vấn đề bảo mật an ninh cá nhân trên mạng internet. Và khi nhắc đến thực tế, thì FaceApp chưa vướng phải bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến dữ liệu người dùng, trong khi Facebook thực sự đã gặp nhiều cáo buộc trong thời gian gần đây và ông chủ Mark Zuckerberg đã phải dự nhiều phiên điều trần.

Với tư cách là một ứng dụng di động, có thể nói nếu FaceApp mang lại nguy cơ thì Facebook bị là cực kỳ nguy hiểm cho người dùng. Tất nhiên, khi nhìn qua số quyền mà Facebook yêu cầu được can thiệp lên thiết bị di động, bạn sẽ thấy một danh sách dài và chi tiết hơn FaceApp rất nhiều.

Đọc thêm: Tâm sự cựu kiểm duyệt viên Facebook: 'Tôi đã thấy những điều ghê tởm nhất của loài người'

Theo: Tổng Hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.