• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Văn hóa ngủ gật trong lớp và 9 sự thật thú vị về trường công lập Nhật Bản có thể bạn chưa biết

Thế Giới

Nhật Bản là vùng đất của nhiều điều bất ngờ. Người nước ngoài khi đến Nhật Bản đã mô tả đất nước này "rất khác với những gì họ đã từng biết" và những nét văn hóa cũng như phong tục độc đáo khiến nó trở thành một đất nước hấp dẫn để ghé thăm.

Không chỉ là nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ tội phạm thấp nhất, Nhật Bản nổi tiếng bởi văn hóa thời trang và ngành công nghiệp giải trí, những phát minh sáng tạo đi trước nhân loại, những truyền thống cổ xưa đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, sự pha trộn giữa phong tục phương Tây và phương Đông, ẩm thực đẳng cấp quốc tế...

Bên cạnh đó, giáo dục ở Nhật Bản từ lâu đã được coi là đặc sắc. Vào cuối những năm 1800, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị đã thiết lập một hệ thống giáo dục công lập đáng kinh ngạc, từ đó đã tăng đáng kể tỷ lệ người biết chữ của đất nước. Ngay cả trong thời kỳ Edo trước đó, hơn 70% trẻ em Nhật Bản đã được đến trường. Ngày nay, 99% người dân ở Nhật Bản có thể đọc và viết, trường học vẫn được coi là bước đệm rất quan trọng trong giai đoạn đầu đời.

Bạn đã bao giờ tự hỏi chính xác cuộc sống học đường ở Nhật Bản là như thế nào chưa? Dưới đây là danh sách mười điều được cho là những khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất có thể gặp tại một trường công lập điển hình ở Nhật Bản. Bạn đọc có thể thấy rằng các trường học ở đây hoàn toàn khác với những gì bạn đã trải qua khi còn nhỏ.

1. Học sinh không bị đuổi ra khỏi lớp khi đang học

Bất kể trong nền văn hóa hay quốc gia nào, một lớp học sẽ luôn có hai hoặc ba (nếu không phải là toàn bộ) học sinh có xu hướng cư xử sai quấy! Đó là một trong nhiều thách thức mà giáo viên phải đối mặt trong công việc của họ, đôi khi một học sinh bị đuổi ra khỏi lớp là điều thường thấy vì lợi ích chung của cả lớp, tuy nhiên điều này không xảy ra tại trường công lập Nhật Bản.

Tất cả mọi người đều có quyền được giáo dục bình đẳng và không ai có quyền ép buộc người khác bỏ dở buổi học, triết lý giáo dục này có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, tuy nhiên ở Nhật nó thực sự được quy định trong Hiến Pháp, cụ thể là ở Điều 26. Nếu một giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp giữa giờ học, người giáo viên này sẽ gặp rắc rối to với pháp luật.

2. Mọi người ăn cùng một khẩu phần cho bữa trưa và phải tự phục vụ theo lịch trực

Một sự thật thú vị về các trường công của Nhật Bản là mọi người đều ăn cùng một khẩu phần. Không giống như ở nhiều quốc gia khác, học sinh có thể lựa chọn giữa việc mua bữa trưa tại quán ăn tự phục vụ hoặc mang theo hộp cơm trưa của riêng mình. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, học sinh được đào tạo để ăn cùng một loại bữa ăn (bất kể có thích hay không) và phải hoàn thành trong thời gian cho phép.

Hầu hết các trường công lập Nhật Bản không có nhà ăn, nơi lẽ ra họ có thể mua bữa ăn theo sở thích. Hộp cơm tự làm không bị cấm, nhưng chỉ được cho phép trong một số dịp nhất định, miễn là thành phần đó tuân thủ nội quy của trường. Nhà trường thường quy định rằng bữa trưa tự chuẩn bị, hay "bento" - không chứa đồ mặn hoặc đồ ngọt không lành mạnh. Bữa trưa tự làm thường chỉ bao gồm cơm, rau, một số loại cá được cho phép ăn, rong biển và đôi khi là thịt gà.

Học sinh sẽ luân phiên giữ vai trò người phục vụ cho bữa trưa, chúng sẽ mang phần ăn cho bạn bè, giáo viên, anh chị lớp trên (các senpai) hoặc em lớp dưới (kouhai). Sau khi ăn xong, lớp nào có nhiệm vụ trực nhật sẽ phải dọn dẹp mọi thứ.

3. Học sinh và giáo viên cùng ăn trong một phòng

Giáo viên và học sinh ăn trưa theo nhóm với bàn ghế được sắp xếp đối diện nhau, đặc biệt là ở các trường trung học cơ sở. Không như một số nước mà nhà trường cấm ăn trong lớp, Nhật Bản quy định lớp học không chỉ là nơi giảng dạy mà còn là nơi vui chơi cùng nhau qua bữa trưa với mục đích gia tăng mối liên kết thầy trò, bạn bè. Nói chung đa số trường công không có nhà ăn hoặc khu vực dành riêng cho học sinh dùng bữa, ngoại trừ một số trường tiểu học hoặc trung tâm giáo đục đặc biệt (ví dụ cho trẻ khuyết tật hoặc có vấn đề tâm lý).

4. Học sinh Nhật Bản không "ở lại lớp"

Đây có lẽ là đặc quyền vinh quang nhất mà một học sinh có thể có trong đời nếu sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, vì hầu như các nước khác đều có khái niệm "ở lại lớp", còn Nhật Bản thì không. Ở một số quốc gia như Hoa Kỳ và Philippines và tất nhiên là cả Việt Nam, những học sinh không đạt thành tích tốt ở trường sẽ bị giữ lại lớp để nâng cao hơn nữa kỹ năng của mình phù hợp với trình độ được quy định ở bậc học đó.

May mắn cho người Nhật là họ luôn lên lớp cao hơn bất kể điểm thi và thành tích của họ tệ như thế nào. Một học sinh có thể trượt mọi bài kiểm tra và bỏ học, nhưng vẫn có thể tham gia lễ tốt nghiệp vào cuối năm và được lên lớp. Điểm thi của các em chỉ quan trọng khi các em thi đầu vào để vào cấp 3 và đại học, ai có điểm cao hơn sẽ được vào những trường danh giá hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ em Nhật Bản không cần phải học chăm chỉ! Chúng phải "cày cuốc" học chữ Kanji trong tiếng Nhật để có thể đọc được số lượng chữ ở độ tuổi phù hợp, cũng như các môn học khác của chúng. Tiếng Nhật rất khó, kể cả với người Nhật, họ phải mất nhiều thời gian và công sức để học chính ngôn ngữ của dân tộc mình.

5. Trường công Nhật Bản không có tạp vụ hay lao công

Ở Nhật Bản, các trường học không phụ thuộc vào người vệ sinh để lau dọn mọi thứ. Thay vào đó, học sinh xắn tay áo lên và dọn dẹp từng khu vực trong khuôn viên trường, kể cả nhà vệ sinh. Đúng vậy, học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và cả những lãnh đạo cấp cao nhất của trường như phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, giám đốc đều sẽ cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, mỗi người được phân công khu vực riêng. Gần như Nhật Bản là đất nước duy nhất quy định điều này, không ai thoát lịch trực vệ sinh của mình cả.

Các trường học Nhật Bản dành thời gian cho việc dọn dẹp hàng ngày được gọi là “souji”. Một số sinh viên đội tenugui (loại khăn tương tự như khăn rằn của Việt Nam) trên đầu và trước khi bắt đầu việc dọn dẹp thực sự, họ ngồi im lặng trong vài phút để thiền định nhằm chuẩn bị tâm trí và cơ thể của họ, được gọi là nghi thức "mokuso". Thông qua thực tế độc đáo này, học sinh không chỉ được đào tạo để dọn dẹp và phục vụ bản thân mà còn trở thành những thành viên có trách nhiệm trong xã hội. Khái niệm thuê người dọn dẹp trường học đối với họ hoàn toàn xa lạ.

6. Học sinh và giáo viên vẫn làm việc ngay cả trong kỳ nghỉ

Nhật Bản là đất nước có tổng số ngày nghỉ dài so với các quốc gia khác (người Nhật được nghỉ nhiều hơn người Việt Nam), tuy nhiên họ vẫn phải xử lý công việc khác trong thời gian này. Với kỳ nghỉ hè ở Nhật Bản, giáo viên và học sinh thực sự không được nghỉ phép, ngoại trừ những ngày nghỉ lễ quốc gia, vì họ vẫn cần hoàn thành trách nhiệm của mình trong trường.

Ở trường trung học cơ sở hoặc phổ thông, mỗi học sinh luôn là thành viên của một hoặc nhiều câu lạc bộ tương ứng (ví dụ CLB kịch, võ thuật, cheerleading và nhiều môn khác). Thông thường, các câu lạc bộ này được giám sát bởi chính giáo viên nên một số hoạt động thi đấu nhất định cũng như tập luyện thể thao sẽ tiếp tục trong suốt kỳ nghỉ.

Như vậy, kỳ nghỉ Hè hoặc nghỉ Đông ở Nhật có nghĩa chính xác là "nghỉ học" và "nghỉ dạy", chứ không phải là học sinh và giáo viên được rảnh rỗi hoàn toàn.

7. Học sinh sử dụng cặp sách và giày dép giống nhau

Các trường học Nhật Bản yêu cầu học sinh đi giày dép riêng trong phòng và trong khuôn viên trường học để giữ sạch sẽ, ngăn bụi bẩn mang vào bên trong. Ngoài ra, Nhật Bản nổi tiếng là vùng đất của sự hài hòa, nơi mọi người đều thực hiện theo một tiêu chuẩn giống nhau mà không có ai nổi bật (trái ngược với niềm tin phương Tây rằng chủ nghĩa cá nhân quan trọng hơn).

Học sinh ăn mặc giống nhau bằng cách đi giày tương tự theo quy định, ví dụ như tất cả đều phải mang giày bata hoặc giày có quai hậu, một số trường ở Việt Nam cũng áp dụng triết lý này, mặc dù không có luật lệ nào áp đặt sự đồng nhất trên cả nước.

Không chỉ vậy, ở các trường trung học cơ sở, các em còn sử dụng đúng loại cặp sách do nhà trường cấp, có in logo của trường, có vạch phản quang an toàn để tránh tai nạn giao thông đường bộ vào ban đêm vì hầu hết học sinh đi xe đạp hoặc đi bộ về muộn. Tương tự như vậy, học sinh tiểu học cũng sử dụng ba lô tương ứng với đồng phục của riêng mình được gọi là “randoseru”, đây cũng là loại ba lô chống cong cột sống trứ danh của Nhật.

8. Hoạt động câu lạc bộ buổi sáng và sau giờ học

Học sinh là thành viên của câu lạc bộ thể thao có các hoạt động cả trước và sau giờ học hàng ngày. Một trong số này bao gồm việc bọn trẻ phải chạy vài km mỗi ngày, chơi bóng chày, bóng đá hoặc kiếm đạo, nếu là nữ thì có thể là bắn cung, cheerleading... Điều này thường dẫn đến việc các học sinh mệt mỏi, buồn ngủ và chưa kể đến việc đổ mồ hôi trong giờ học vì tất cả đều phải thức dậy rất sớm và trở về nhà muộn để hoàn thành các cam kết hoạt động câu lạc bộ của mình.

Nghe có vẻ như rất khó khăn, vì cần phải có sự kiên trì, cam kết và quyết tâm. Các câu lạc bộ cũng rất đa dạng và hầu hết học sinh đều tham gia vào việc này hay việc khác, không thể lẩn tránh trách nhiệm. Họ rất tự hào về câu lạc bộ và làm việc chăm chỉ để theo kịp những gì họ mong đợi.

Học sinh có thành tích tốt trong thể thao, nghệ thuật hoặc đạt được thành tựu nào đó xuất sắc cho câu lạc bộ trong thời học sinh trung học rất được xem trọng ngay cả khi đi xin việc sau này.

9. Trường học Nhật Bản không thực sự hiện đại và nhiều đồ công nghệ cao như bạn nghĩ

Nhật Bản có thể là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng bạn có thể suy nghĩ lại nếu có cơ hội nhìn thấy bên trong những ngôi trường của họ. Trong nhiều trường hợp, giấy bút vẫn được ưa chuộng hơn các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, công nghệ đã dần tìm đường vào hệ thống để giúp cải tiến tài liệu giảng dạy và cải thiện cơ sở vật chất tại các trường học Nhật Bản.

Nói như vậy, không phải trường học nào cũng có thiết bị công nghệ cao. Các trường cũ, đặc biệt là trường công danh tiếng xem trọng truyền thống và bảo thủ, lại càng không thích cập nhật công nghệ trong nhiều năm.

Tình trạng đầu đĩa CD, máy in, máy fax lạc hậu vẫn còn được sử dụng ở nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước được xem là bình thường. Thay vì máy lạnh, quạt điện là phương tiện thông gió được sử dụng phổ biến nhất trong các trường học để tiết kiệm điện. Vào mùa đông, hệ thống sưởi trung tâm rất hiếm gặp tại các trường học ở tỉnh và trong hầu hết các trường hợp, chỉ có máy sưởi dầu hỏa.

Hơn nữa, các lớp học vẫn thường được triển khai bằng cách sử dụng tài liệu giảng dạy truyền thống với sách giáo khoa là trọng tâm chính chứ không phải bảng trắng như bạn có thể thấy ở các nước khác. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đây, công nghệ đang dần xâm nhập vào hệ thống với internet và máy tính, máy chiếu dần được đưa vào hỗ trợ thuyết trình trong lớp ở một số trường học trọng điểm.

10. "Văn hóa ngủ gật" trong lớp học

Với bài tập về nhà và cả các bài tập làm thêm trong kỳ nghỉ, các câu lạc bộ và hoạt động của trường kể cả vào cuối tuần, thậm chí việc dọn dẹp toàn trường, học sinh Nhật Bản rất chăm chỉ và quyết tâm. Ngoài việc học sinh tham gia các hoạt động thể chất vào buổi sáng và sau giờ học, hầu hết các em còn đến trường để “juku” - tức là các trường luyện thi để các em có thể học một số môn khó hơn hoặc học nói các ngôn ngữ khác.

Mỗi ngày, học sinh cũng được giao cho một đống bài tập về nhà, khiến họ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi và ngủ. Kết quả là, những học sinh không còn chống chọi được với sự mệt mỏi và buồn ngủ sẽ có xu hướng ngủ gật trong giờ học. Bạn cũng có thể thấy ngạc nhiên khi giáo viên có xu hướng để mặc họ như vậy, để học sinh ngủ thoải mái trong giờ học. Bởi có đánh thức thì họ cũng không thể làm được gì nhiều! Việc học sinh bị khiển trách vì ngủ trong lớp là điều bất thường, gần như không xảy ra ở Nhật.

Đặc biệt là, đối với các "ngôi sao học đường" - những học sinh xuất sắc trong thể thao, nghệ thuật hoặc nghiên cứu học thuật, gần như họ được ngủ bao nhiêu tùy thích trong lớp học, bởi thành tựu của các em này còn quan trọng hơn kết quả học tập.

Tất nhiên những điểm chung được nhắc trong bài này không áp dụng cho tất cả các trường, nó chỉ thường gặp ở trường công, trong khi các trường tư có thể sẽ tồn tại quy tắc riêng khác nữa.

Đọc thêm: Băng đảng nữ sinh gangster chấn động Nhật Bản cách đây 50 năm, đến cánh mày râu cũng khiếp sợ

Theo: JPINFO
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.