• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Vì sao người Việt Nam cần hình thành 'văn hóa cổ vũ bóng đá' và ngưng sử dụng kèn vuvuzela?

Cuộc sống

Phần lớn người hâm mộ bóng đá Việt Nam chưa nhận thức được việc cổ vũ cũng cần có lớp lang, mảng miếng, họ thể hiện cảm xúc của mình đối với đội bóng một cách rất bản năng thông qua các động tác như vỗ tay, hò hét, phất cờ, thổi kèn.

Đó chỉ là những gì căn bản nhất chứng tỏ sự ủng hộ, dừng lại ở mức là một cổ động viên tự phát, rời rạc. Thực ra ''cổ động viên'' có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, xem bóng trên truyền hình để cổ động, xem ở quán cà phê cũng là cổ động, không nhất thiết phải ở trên khán đài mới trở thành cổ động viên. Đơn lẻ như vậy thì chưa thể hình thành được một văn hóa cổ vũ đậm bản sắc dân tộc.

co dong vien viet nam vuvuzela

Cổ động viên Việt Nam nhờ màu đỏ mà nổi bật, nhưng không có bài bản cổ vũ nào đáng kể.

Trên thực tế, với những gì đã thể hiện, cổ động viên Việt Nam chưa giúp ích nhiều về mặt tinh thần cho các cầu thủ đội nhà, hiệu quả cổ vũ không bằng đội bạn. Thậm chí có lúc còn gây khó chịu, phân tâm, tạo áp lực cho các cầu thủ với những hành vi vô ý thức như thổi kèn vuvuzela inh ỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu Việt Nam không may mắn có cờ đỏ sao vàng tạo điểm nhấn thì khí thế sẽ hoàn toàn trở nên yếu ớt trước các cổ động viên Malaysia hoặc Thái Lan. Rút kinh nghiệm sau trận chung kết AFF, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã khen ngợi văn hóa cổ vũ của Malaysia và kịch liệt lên án những người thổi kèn vuvuzela.

co dong vien viet nam vuvuzela 2

co dong vien viet nam

Nguồn: Fanpage Otofun.

Mặc dù thắng trận chung kết lượt về, Việt Nam vẫn phải khâm phục tác phong cổ vũ chuyên nghiệp, có tổ chức của Malaysia. Chỉ có 3000 khán giả trên sân Mỹ Đình nhưng người Malaysia không hề yếu thế. Xem các cổ động viên thuộc nhóm Ultras Malaya cống hiến màn cổ vũ đẳng cấp quốc tế cho đội nhà trong clip dưới đây, bạn đọc có nhận thấy sự khác biệt gì so với cổ động viên Việt Nam?

Như một bình luận đã nói ở trên, người Malaysia có đến hơn 20 bài cổ động chuyên nghiệp, dùng để cổ vũ đội nhà trong nhiều tình huống khác nhau. Bài cổ động của họ có ''intro, outro'' rõ ràng, được điều khiển bởi người quản trò, tương tự như nhạc trưởng trong một dàn hợp xướng. Ngoài ra họ sử dụng triệt để các loại trống, to nhỏ có đủ. Đặc biệt, không bao giờ họ dùng những loại kèn chói tai như vuvuzela.

Việc hàng ngàn cổ động viên Malaysia có thể đồng thanh đồng thủ cùng hát, nhảy, hô khẩu hiệu ngừng nghỉ đúng lúc theo ám hiệu của người quản trò chứng tỏ họ có thời gian luyện tập nghiêm túc, đoàn kết, gắn bó lẫn nhau như một đội nhóm lớn. Đó chính là cái mà Việt Nam đang thiếu, một nét ''văn hóa cổ vũ''.

''Cổ vũ'' là gì?

Cổ vũ - được ghép từ hai chữ Hán là 鼓 (cổ)舞 (vũ), ''cổ'' nghĩa là cái trống hoặc động tác đánh trống, ''vũ'' là nhảy múa. Hành động ''cổ vũ'' vốn không dành cho các sự kiện dân sự thông thường. Từ xưa đến nay, ở nhiều quốc gia đánh trống và nhảy múa được thực hiện trong những ngày lễ hội linh thiêng của dân tộc, hoặc dùng tạo sự hứng khởi, nâng cao sĩ khí của quân đội trong khi hành quân, tiến công đánh giặc...

trong tran

Trống trận Tây Sơn thúc giục đoàn quân, nâng cao tinh thần chiến đấu.

Trong dàn nhạc lễ của quân đội, trống là nhạc cụ chính, kèn là phụ dùng để hòa âm theo. Đó là lý do cụm từ ''tiếng trống trận'' luôn phổ biến hơn là ''tiếng kèn trận''. Như vậy chúng ta có thể xác định hai yếu tố quan trọng nhất trong cổ vũ để nâng cao tinh thần là đánh trốngnhảy múa.

Vì sao nên là ''trống'' chứ không phải ''kèn'' vuvuzela?

Trên phương diện âm nhạc, trống là nhạc cụ thuộc bộ gõ, có lịch sử lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Cần nhớ rằng trống là nhạc cụ quan trọng trong một ban nhạc, những ai có học về âm nhạc sẽ biết rằng người đánh trống chính là người giữ nhịp cho bài hát để các nhạc cụ khác nương theo mà hòa âm. Nhiều bài nhạc chỉ cần có người đánh trống là có thể tạo nên giai điệu.

van hoa co vu viet nam

Trống là thứ nhạc cụ quan trọng, cần được khai thác hiệu quả khi cổ vũ bóng đá.

Tiếng trống được miêu tả là ''trầm, hùng'' có thể mạnh mẽ vang xa mà không chói tai như âm cao của kèn. Để ý trong video clip của cổ động viên Malaysia, người quản trò chỉ cần phối hợp nhịp nhàng với đội trống là có thể điều khiển hàng chục ngàn cổ động viên theo ý mình thông qua nhịp điệu của trống, điều mà kèn vuvuzela không bao giờ làm được.

co dong vien vuvuzela

Kèn vuvuzela được bày bán tràn lan bên lề đường. Sử dụng thứ nhạc cụ này là ''lợi bất cập hại''.

Đấy là chưa kể, kèn vuvuzela tạo ra âm thanh có cường độ cao hơn 120 decibel vượt quá mức chịu đựng của tai người, ảnh hưởng đến tim và não. Vuvuzela chẳng những làm át mất tiếng còi của trọng tài mà còn khiến các cầu thủ bị giật mình hoảng hốt.

Nhiều cái kèn vuvuzela đồng loạt ''thét'' lên có thể khiến người xung quanh bị ù tai, điếc tai tạm thời. Sử dụng kèn vuvuzela chẳng những không có giá trị cổ vũ mà còn gây hại cho cầu thủ đội nhà!

thoi ken vuvuzela

Thổi kèn vuvuzela bị người hâm mộ bóng đá quốc tế xem là hành vi vô ý thức.

Không phải vô cớ mà Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đã cấm tiệt thứ kèn đáng ghét này khỏi những giải đấu quốc tế, người có hiểu biết sẽ không dùng loại nhạc cụ tai hại này để làm ảnh hưởng đến không khí của trận đấu. Ở các giải Euro (vô địch bóng đá Châu Âu), người mang vuvuzela vào sân có thể bị bắt giữ, phạt tiền.

dinh trong tap rieng c 1539437607185713746272 crop 15457206205511658794320

Đình Trọng cho biết kèn vuvuzela chỉ có hại cho cầu thủ chứ không mang ý nghĩa gì trong việc cổ động.

Tuyển thủ Trần Đình Trọng của Việt Nam từng tâm sự rằng anh và đồng đội đã khốn đốn vì vuvuzela trong trận chung kết với Malaysia:

Sức ép ở đầu trận khi trọng tài rút ra khá nhiều thẻ vàng cho Việt Nam. Anh em trong đội cũng cảm thấy áp lực. Thế nhưng, lúc đó, tiếng kèn trong sân quá lớn khiến anh em trong đội trao đổi thông tin cực kỳ khó khăn và khó động viên nhau hơn.

Cổ vũ cần có nội dung phong phú

Ngoài việc sử dụng trống và nhảy múa bài bản, nhóm Ultras Malaya còn sử dụng nhiều ca khúc để bài cổ vũ được sinh động hơn. Trong video clip 8 màn cổ vũ đặc sắc của Ultras Malaya dưới đây, bạn đọc có thể thấy họ hát cũng rất hay. Có lúc, họ đã hát bài... Happy Together của The Turtles, một bài hát nhẹ nhàng trữ tình nhưng vào tay Ultras Malaya lại trở nên sôi động.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn quen hô hào một cách đơn giản như "Việt Nam Vô Địch!'', mà chưa hề có một khẩu hiệu chính thức nào cho đội tuyển. Thiết nghĩ, nếu cổ động viên Việt Nam có thể đầu tư tập luyện những màn cổ vũ bài bản cùng các ca khúc ''rực lửa'' như Bác đang cùng chúng cháu hành quân với tiếng trống dồn dập thì chắc chắn Ultras Malaya cũng sẽ bị áp đảo trước khí thế của nước Việt anh hùng.

Chúng ta có nhiều nhạc phẩm hùng tráng được sáng tác xuyên suốt lịch sử chống ngoại xâm, nếu không khai thác được trong thể thao thì quả là điều đáng tiếc. Hy vọng với Asian Cup 2019 sắp tới, cổ động viên Việt Nam sẽ sớm thay đổi và hình thành một văn hóa cổ vũ văn minh lịch sự, xứng tầm châu lục cùng đội tuyển quốc gia.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.