• Về đầu trang
Phương Anh
Phương Anh

Bê tráp Bắc Trung Nam - Bao nhiêu lễ là đủ?

Hôn nhân gia đình

Trong lễ ăn hỏi truyền thống của người Việt Nam, thông thường sẽ diễn ra nghi lễ bê tráp (bưng lễ) giữa nhà trai và nhà gái.

Có rất nhiều tục lễ quy ước khác nhau về các món lễ trong tráp cưới ba miền. Và thậm chí từng miền lại có những tập tục riêng của mình. Hãy cùng thảo luận để mọi người cùng hiểu hơn về nghi thức này tại nơi bạn sống nhé!

Tráp là gì?

Thông thường đó là những tráp đỏ (ở một số vùng miền có thể sử dụng tráp vàng, hồng), bên trong có chứa những món quà mà nhà trai muốn gửi tới nhà gái với mong muốn xin phép đón dâu về nhà.

Nguồn ảnh: Internet

Ngoài ra đó còn là món quà thể hiện lòng kính trọng của bố mẹ chú rể đối với công sinh thành và dưỡng dục đối với bố mẹ cô dâu.

Những điều cần biết về tráp

Thông thường số lượng mâm quả cưới sẽ được thống nhất giữa hai nhà để có sự đồng thuận từ hai gia đình.

Tiếp nữa, các mâm quả thông thường sẽ do các cặp nam nữ độc thân cùng nhau đỡ tráp.

Theo truyền thống, đó chính là gián tiếp trao duyên cho cô dâu và chú rể chính vì vậy theo quan niệm xưa, các cô gái chưa chồng không nên bê tráp quá 3 lần, nếu không sẽ cạn duyên và khó lấy chồng!

Tráp cưới 3 miền

Miền Bắc
Số lượng tráp tuỳ thuộc vào kinh tế của từng cặp đôi, tuy nhiên ở miền Bắc, số lượng tráp sẽ là số lẻ, tuy nhiên vật phẩm trong từng tráp phải là số chẵn với lời chúc đủ đầy dành cho cô dâu và chú rể. Thông dụng nhất là 7 tráp.

3 tráp bao gồm: mâm trầu cau (là lễ vật bắt buộc phải có), mâm chè, mâm hạt sen.

Trầu cau là bắt buộc
Nguồn ảnh: Internet

5 tráp bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm hạt sen, mâm rượu và trà, mâm bánh cốm.

7 tráp (giá từ 2,5 đến 4,8 triệu) bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và trà, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê (bánh su sê), lẵng hoa quả kết rồng phụng.

9 tráp bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và trà, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê, mâm bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết rồng phụng, mâm lợn sữa quay.

11 tráp là trường hợp thực sự ít gặp, nếu có lễ 11 tráp thì thông thường sẽ y như lễ 9 tráp và bổ sung thêm mâm bánh nướng bánh dẻo, mâm xôi gấc trang trí đậu xanh…

Miền Trung
Người miền Trung không quá cầu kỳ về số lượng nhưng những lễ vật quan trọng nhất vẫn cần phải đầy đủ đó là trầu cau, bánh phu thê, chè rượu và nến tơ hồng. 

Nguồn ảnh: Internet

Ở một số vùng sẽ có những tục lễ khác nhau, như ở Đà Nẵng, số lễ phải ứng với số SINH hoặc LÃO (thông thường là số 5 và 6).

Ngoài bốn lễ vật chính kể trên thì có thể thêm tráp xôi gấc và gà luộc, trái cây, nem chả…

Miền Nam
Trái ngược với miền Bắc thì tráp cưới miền Nam và miền Tây thông thường là số chẵn và số 6 thường được chọn vì mang ý nghĩa “Lộc”, sự may mắn cho cô dâu và chú rể.

Thông dụng nhất là 6 tráp.

Ở miền Nam thông thường ngoài những tráp lễ này, mẹ chồng sẽ thể hiện sự săn sóc với nàng dâu bằng một tráp quần áo riêng cùng trang sức (hoa tai).

6 tráp (giá từ 2,3 đến 4,5 triệu): Mâm trầu cau, Trà, rượu và nến (loại nến khắc long phụng), Bánh phu thê (hay có thể thay thế bằng bánh âm dương), Xôi gấc hình trái tim, Hoa quả, Heo quay

8 tráp: như tráp 6 thêm bánh kem và tráp: Áo dài, vàng vòng, nhẫn cưới

Nội dung trong bài là những nghiên cứu mang tính cá nhân thông qua bạn bè và người thân hiện đang sinh sống tại các vùng miền. Vì vậy, rất cần sự góp ý của tất cả các bạn. Hãy cùng thảo luận nhé!

Theo: Maybe Original
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.