• Về đầu trang
Mèo Thổ Cẩm
Mèo Thổ Cẩm

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang lo lắng quá mức trong vai trò làm cha mẹ

Hôn nhân gia đình

Những bậc phụ huynh hay lo lắng thường có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Họ lo lắng về mọi thứ - từ hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến con cái của họ như thế nào đến việc làm thế nào để nuôi dạy con tốt. Cùng điểm qua những dấu hiệu sau để xem bạn có thuộc tuýp người hay lo lắng không và làm thế nào để vượt qua những suy nghĩ lo âu của mình.

1. Bạn luôn dặn con phải đề phòng với môi trường xung quanh

Những bậc phụ huynh lo lắng thường hay đề phòng trong mọi trường hợp. Ví dụ, bạn xem những chú chó trong công viên là mối đe dọa với con và nói về chúng với giọng điệu kinh hoàng. Điều này sẽ hình thành chứng sợ hãi cho con bạn. Vô hình chung, bạn đã chuyển nỗi sợ của mình sang con. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được bảo vệ quá mức sẽ dễ lo lắng và bồn chồn khi lớn lên.

Thay vì thổi phồng mọi thứ và khiến trẻ lo lắng, hãy nhớ rằng bạn là người kiểm soát tình huống. Ví dụ: thay vì miêu tả những chú chó như một mối đe dọa, hãy dạy con phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp và kiểm soát cảm xúc của mình để cuộc nói chuyện không mang tính tiêu cực.

2. Bạn giám sát con 24/7

Cha mẹ lo lắng thường có xu hướng sở hữu. Bạn kiểm tra điểm của con mỗi ngày, xem thành tích của con tại các buổi tập thể thao để đảm bảo rằng mọi thứ được hoàn thành tốt nhất có thể. Hậu quả là con bạn sẽ trở thành người cầu toàn hay lo lắng. Kể cả khi trẻ phạm sai lầm dù là nhỏ nhất, bạn cũng nghĩ đến trường hợp xấu nhất và phóng đại chúng lên.

Hãy thừa nhận rằng bạn không thể kiểm soát mọi việc làm của trẻ. Thay vào đó, hãy tập trung vào những việc bạn có thể làm để khuyến khích con. Ví dụ: nếu bạn muốn con đọc nhiều hơn, hãy mua cho chúng những quyển sách mà chúng quan tâm hoặc thảo luận về cuốn sách mới nhất mà con đã đọc. Nếu trẻ không hứng thú với một lĩnh vực nào đó, hãy nhớ rằng đây không phải là lỗi của bạn và bạn sẽ không thể thay đổi được chúng - vì vậy hãy bỏ qua những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

3. Bạn đáp ứng mọi nhu cầu của con

Mỗi khi con nổi cơn tam bành, bạn sẽ ngay lập tức lao vào dỗ dành. Đối với những bậc cha mẹ hay lo lắng, cơn giận dữ của trẻ thường mang ý nghĩa là một nhu cầu mãnh liệt và nếu không đáp ứng được thì sự lo lắng sẽ len lỏi trong tâm trí cha mẹ. 

Thay vì cố gắng xoa dịu một đứa trẻ thất thường, đừng chú ý đến chúng. Không sớm thì muộn, cơn giận dữ sẽ tự qua đi. Nếu con bạn có những hành vi sai trái khi không được đáp ứng nhu cầu, hãy nói chuyện nghiêm túc với con.

4. Bạn không để con có bí mật riêng

Cha mẹ lo lắng không cho phép con cái giấu họ bất kỳ điều gì. Nếu chúng cố tình che giấu thì chắc chắn đó phải là một điều khủng khiếp. Việc thúc ép con nói với bạn mọi thứ khiến chúng không có sự riêng tư. Bởi lẽ, bí mật là điều cần thiết cho sự phát triển của một đứa trẻ vì chúng hình thành nhận thức nội tâm, sự tự chủ và trí tưởng tượng.

Có 2 loại bí mật là bí mật tốt (những điều bất ngờ) và bí mật xấu (những tình huống khiến con bạn buồn hoặc xấu hổ). Hãy phân biệt và chỉ can thiệp khi bạn cảm thấy tình hình đang vượt quá tầm kiểm soát hoặc có thể gây nguy hiểm cho con.

5. Không cho phép con làm bất cứ điều gì mà không có bạn

Các bậc phụ huynh lo lắng không chỉ không tin tưởng những người bạn mà con chơi cùng, mà còn hoài nghi về nơi bọn trẻ đi chơi. Họ không yên tâm khi để con ngoài tầm giám sát của mình. Điều này sẽ khiến trẻ luôn lo âu và bám theo bố mẹ vì chúng chưa xây dựng được sự tự chủ cần thiết.

Hãy bắt đầu bằng việc giao cho con một vài nhiệm vụ nho nhỏ để chúng tự làm. Đồng thời, hãy cố gắng giảm bớt sự kiểm soát của bạn, vì quá bảo bọc con sẽ ngăn cản trẻ trở nên độc lập. Nếu bạn vẫn lo lắng rằng con mình có thể làm sai gì đó, hãy hướng dẫn chi tiết và giải thích từng bước thực hiện cho con.

Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.