• Về đầu trang
Mèo Thổ Cẩm
Mèo Thổ Cẩm

Thời đại nào rồi mà cha mẹ còn ép con ăn thế này ?

Cuộc sống

Ngày nay, các bậc phụ huynh thường phàn nàn khi con họ ăn quá ít và hay chừa lại thức ăn. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với hành vi ăn uống của trẻ, vì vậy cha mẹ không nên mắc những sai lầm gây ảnh hưởng tiêu cực đến các con.

1. Trẻ sẽ không phân biệt được cảm giác đói và no

Trẻ em cần có cơ hội phát triển khả năng ăn uống trực quan và có thể phân biệt được khi nào chúng đói hay no. Để thúc đẩy sự phát triển hành vi ăn uống bình thường, hãy để trẻ tự quyết định chúng muốn ăn bao nhiêu và ngừng ăn khi cơ thể và tinh thần đã được thỏa mãn hoàn toàn.

2. Trẻ sẽ nghĩ rằng phải ăn hết thức ăn thì mới ngoan

Ăn uống là hành động tự nhiên và thực tế thì chúng ta không cần phải khen ngợi trẻ về điều đó. Những lời tung hô về việc ăn uống thậm chí đôi khi còn gây bất an cho trẻ. 

Một sai lầm khác mà cha mẹ thường mắc phải là mắng con khi chúng chừa lại thức ăn, điều này cũng tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực cho thói quen ăn uống đang phát triển của trẻ. Thay vào đó, bạn có thể hỏi nhẹ nhàng như: “Ồ, mẹ thấy con chưa đụng đến bữa trưa của mình. Thức ăn có vấn đề gì không ?"

3. Trẻ sẽ mất quyền kiểm soát cơ thể mình

Sự thật là trẻ em cũng có quyền tự chủ về cơ thể như người lớn, điều này cho phép chúng kiểm soát những gì xảy ra với cơ thể mình. Cho nên thay vì ép con ăn thật nhiều, chúng ta có thể lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho trẻ và để chúng tự ăn theo khẩu phần của mình. Các chuyên gia cũng khuyến khích phụ huynh nên hỗ trợ phát triển quyền tự chủ của trẻ bằng cách để chúng tự điều chỉnh, lựa chọn và tạo ranh giới trong quá trình tương tác với thức ăn.

4. Làm giảm đi mối liên kết giữa cơ thể và não bộ

Khi ta ăn, não sẽ nhận được tín hiệu từ các hormon tiêu hóa, tạo nên cảm giác no khi đã ăn đủ. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu cha mẹ không để trẻ em lắng nghe não bộ của mình sẽ gây ra những hệ quả lâu dài. Ăn quá mức kiểm soát dẫn đến béo phì là một ví dụ về việc mối liên kết giữa não bộ và cơ thể giảm sút.

5. Trẻ sẽ có xu hướng chán ghét một số món ăn

Nếu có những trải nghiệm tiêu cực với thức ăn mà cha mẹ đưa cho, thì có khả năng trẻ sẽ né tránh loại thực phẩm này khi lớn lên và trở thành một người kén ăn. Do tâm lý sợ những thực phẩm lạ, nên ban đầu trẻ từ chối ăn một số món là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng khi việc từ chối này kèm theo áp lực buộc phải ăn, thì khả năng cao là trẻ sẽ hình thành mối liên hệ tiêu cực thậm chí là ác cảm đối với món ăn này. 

6. Hình thành cảm giác tội lỗi khi trẻ để lại đồ ăn thừa

Đề cập đến nạn đói trên thế giới khi con bạn chừa lại đồ ăn thừa sẽ không khiến chúng yêu thích món ăn hơn và cũng không tạo nên bất kỳ lợi ích nào ngoài cảm giác tội lỗi. Thay vào đó, bạn có thể cho trẻ ăn những khẩu phần nhỏ hơn hoặc hỏi xem chúng có đói hay không.

Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.