• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

4 em nhỏ ngộ độc do ăn 'cóc nướng' theo clip trên YouTube: Vẫn còn quá nhiều nội dung gây hại cho trẻ em

Cuộc sống

Gần đây chúng ta có nghe qua một số vụ việc phản cảm như vlogger NTN - Thả 100 cái dao trên cao xuống hoặc kênh Đi rừng & Làm rẫy dàn dựng video sai sự thật để câu view. Tuy nhiên, các "phốt" này chỉ gây phẫn nộ trong chốc lát rồi sớm chìm theo thời gian và không được cộng đồng mạng chú ý nữa, thế nhưng nội dung độc hại thì vẫn còn đó.

Mới đây, tai nạn thương tâm xảy ra khi 4 em nhỏ ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi học theo video nướng và ăn cóc trên YouTube. Thông tin ban đầu cho biết vào chiều ngày 27 tháng 4, các em có độ tuổi từ 5 - 7 tuổi đã ăn thịt cóc, đến 6 giờ 30 tối cùng ngày thì phát hiện 2 em ngộ độc lâm sàng.

Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang cho biết một em có tình trạng rất nặng, nôn mửa nhiều, mơ màng, hạ nhịp tim, hô hấp kém, buộc phải cấp cứu rồi đưa lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị, hiện chưa rõ tiên lượng. Trường hợp thứ 2 bị nhẹ hơn, đã được súc rửa dạ dày.

2 em còn lại khai báo là có ăn phần đùi cóc, chưa có dấu hiệu ngộ độc.

(Ảnh minh họa)

Được biết, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết cóc có chứa độc tố màu trắng (dân gian gọi là nhựa cóc) trong một số bộ phận. Nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng có tên là hợp chất Bufotoxin tác động đến tim mạch, gây ảo giác, hạ huyết áp, ngưng hô hấp... Nếu xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính nguy hiểm đến tính mạng.

Tương tự như cá nóc, cóc là loài ăn được, tuy nhiên yêu cầu đầu bếp là người có năng lực chế biến thực phẩm qua chuyên môn đào tạo hoặc từng có kinh nghiệm thực tế mới có thể trở thành món ăn an toàn. Đặc biệt, nội tạng cóc gồm gan mật có nồng độ chất độc rất cao, kể cả người lớn nếu ăn phải cũng có thể tử vong.

Nhiều kênh video gợi ý hành vi ăn thịt cóc hoặc bộ phận nội tạng của cóc với người xem, đa số là trẻ em hoặc người bệnh đi tìm các bài thuốc dân gian chưa được qua kiểm nghiệm lâm sàng.

Mặc dù vụ việc xảy ra với các em nhỏ đã được đăng tải nhiều lần trên các mặt báo, tuy nhiên vẫn chưa xác định được các em đã xem và làm theo kênh YouTube nào mà dẫn đến tai nạn như vậy. Trước đây cộng đồng mạng Việt Nam từng chứng kiến nhiều trò giật gân do các YouTuber - chủ yếu là của người Việt bày ra cho trẻ nhỏ.

Nhẹ thì dạy trẻ em ăn xà bông, uống sữa tắm, nặng hơn thì khuyến khích dùng ma túy, chế thuốc nổ, tự làm bản thân bị thương, thậm chí vào tháng 11 năm 2019, có một vụ bé 7 tuổi hôn mê bất tỉnh sau khi xem clip dạy thắt cổ trên YouTube.

Chỉ riêng vụ việc dạy uống sữa tắm, ăn xương rồng của kênh Hành Tinh Đồ Chơi - Toy Planet đã bị rất nhiều báo chính thống trong nước chỉ trích, nhưng chủ kênh chỉ nhận lỗi qua loa rồi xóa clip, hiện tại kênh vẫn tiếp tục hoạt động bình thường với hàng triệu lượt theo dõi, không hề chịu bất kỳ chế tài nào từ pháp luật.

Video trên YouTube hướng dẫn trẻ em uống sữa tắm.
Thử thách 24h làm chó? Video này có gì bổ ích?

Bất kể có bật kiếm tiền hay không, những video có nội dung phản cảm theo kiểu "hút thuốc bằng mũi", "24 giờ làm chó"... đều có tựa đề và nội dung hướng tới giới trẻ, gây tò mò cho độ tuổi thanh thiếu niên, tuy nhiên nó không mang lại những phút giây giải trí thuần khiết mà gieo vào đầu người xem những suy nghĩ lệch lạc, bình thường hóa những điều quái đản, vô bổ trong nhận thức của giới trẻ.

Video hơn 2 triệu lượt xem này sẽ dạy thanh thiếu niên điều gì?
Bất ngờ là video nói trên đang được dùng để chạy quảng cáo.

Theo báo cáo của YouTube, họ xóa hàng triệu video độc hại mỗi tháng, đa số là tự xóa nhờ trí thông minh nhân tạo, tuy nhiên vẫn có rất rất nhiều trường hợp lọt lưới kiểm duyệt và nhởn nhơ kiếm tiền bất kể nội dung có phù hợp hay không.

Phụ huynh hoàn toàn chịu trách nhiệm khi trao quyền tiếp cận internet cho con em mình, bởi kèm theo đó là đầy rẫy rủi ro.

Thiết nghĩ nếu bản thân đội ngũ YouTube chưa thể hoàn toàn kiểm soát nội dung của họ, thì chính các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp để hạn chế con em mình tiếp cận các nội dung độc hại. Lấy ví dụ như Bill Gates - tượng đài của giới công nghệ xứ sở cờ hoa, bởi vì hoàn toàn hiểu rõ nguy hiểm từ internet, ông đã cấm con mình không được động đến smartphone cho đến khi đủ 14 tuổi. Trong khi đó, hàng triệu trẻ em Việt Nam ngay từ khi 5 - 6 tuổi đã tiếp cận những nội dung độc hại mỗi ngày mà không có sự kiểm soát.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.