• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

5 phim quảng cáo về tình mẹ có thể khiến bạn bật khóc khi xem

Cuộc sống

Tình mẹ là một chủ đề dễ dàng tạo ra được những cảm xúc mạnh mẽ. Các doanh nghiệp và các hãng quảng cáo đã "bắt tay" nhau tạo ra những chiến dịch marketing lớn dựa trên chủ đề này.

Tạm bỏ qua những chỉ tiêu về bán hàng, truyền thông hay xây dựng thương hiệu, chúng ta hãy thử nhìn nhận những phim quảng cáo về tình mẹ như những phim ngắn độc lập. Chúng có kịch bản độc đáo, nút thắt chặt chẽ, cách kể chuyện mới mẻ, thông điệp ý nghĩa và những thước phim đẹp không hề thua kém phim điện ảnh.

Cùng Lost Bird điểm danh 5 phim quảng cáo cảm động về tình mẹ:

Công việc khó khăn nhất thế giới (World’s Toughest Job)

Phim quảng cáo của hãng American Greetings.

Hầu hết thời lượng phim quảng cáo World’s Toughest Job chỉ để mô tả công việc cho vị trí Giám đốc điều hành (Director of Operations).

Đây là vị trí đòi hỏi nhiều kĩ năng, trách nhiệm và yêu cầu khắt khe. Người đảm nhận vị trí này bắt buộc phải có khả năng chịu đựng tốt về thể chất lẫn tinh thần, chỉ được ăn trưa khi những người khác đã xong bữa, phải có kĩ năng về tài chính, y học và nấu ăn, thỉnh thoảng sẽ thức đêm cùng mọi người trong những tình huống xấu nhất. Ngoài ra, người đảm nhận sẽ phải tươi cười niềm nở hoàn thành tốt khối lượng công việc khổng lồ vào những dịp lễ tết và không có thời gian nghỉ ngơi.

Lương thưởng và quyền lợi cho vị trí này là Không.Có.Gì.Hết. Nút thắt nằm ở chỗ, có hàng tỉ người trên thế giới đang gánh vác vị trí quan trọng và khó khăn nhất này mà không đòi hỏi gì.

Dù người xem đã biết trước đây là một buổi tuyển dụng giả mạo, nhưng trước những lời mô tả rất thật của người phỏng vấn, họ không khỏi thắc mắc và nghi ngờ. Bên cạnh đó, chi tiết vai trò người mẹ được xem như một vị trí công việc thực sự khiến cả người ứng tuyển lẫn người xem không còn coi những việc mẹ làm là hiển nhiên. Họ đã tự đưa ra lời khẳng định: đây là một công việc bóc lột sức lao động và không công bằng.

Nội dung sáng tạo cùng cách kể chuyện bằng một buổi phỏng vấn online như thật là lí do vì sao World's Toughest Job rất được yêu thích.

Mẹ luôn là người mạnh mẽ

Quảng cáo Thái Lan đã bựa thì bựa không còn gì để nói, nhưng nếu làm nghiêm túc, cảm động cũng rất dễ lấy nước mắt người xem. Ví dụ như phim quảng cáo về người mẹ lái xe taxi dưới đây.

Phim quảng cáo của hãng Tesco Thái Lan.

Tài xế taxi là một công việc áp lực, vất vả và nguy hiểm. Nhưng vì đơn thân nuôi con ăn học, mẹ sẵn sàng chọn công việc này làm kế sinh nhai. Là một tài xế, mẹ lăn lộn bên ngoài hàng giờ giữa trời nắng nóng, bụi bặm, thậm chí còn phải đi làm đêm. Gặp phải trộm cắp, bị khách chèn ép, nhưng không một ai giơ tay cứu giúp chỉ vì mẹ là phái yếu. Buồn hơn cả, mẹ chấp nhận đánh đổi nhan sắc để giữ công việc.

Lựa chọn công việc lái taxi, người xem rất dễ nhận ra những hi sinh của người mẹ. Mẹ là một người phụ nữ rất nghị lực vì chọn công việc chỉ dành cho đàn ông, nơi người phụ nữ sẽ rất khó nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ và ủng hộ từ đồng nghiệp, khách hàng và những người xung quanh. Thế nên, không phải người phụ nữ nào cũng đủ can đảm chọn lựa và hoàn thành tốt như mẹ đã làm.

Chỉ chưa đầy hai phút, phim quảng cáo của hãng Tesco đã thành công khắc họa sự mạnh mẽ của người phụ nữ và tình mẫu tử cảm động.

Chia sẻ việc nhà (Share The Load)

Bất bình đằng giới, từ lâu, đã xuất hiện ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta, nhất là những nước Á Đông còn mang nặng định kiến trọng nam kinh nữ. Người chồng và người vợ đều đi làm, kiến tiền nhưng việc nhà chỉ một mình phụ nữ gánh vác. Liệu có ai đó trong gia đình chúng ta ý thức được vấn đề này và đưa ra cách giải quyết?

"Tại sao giặt giũ là công việc chỉ dành cho các bà mẹ?"

Trong phim quảng cáo Share The Load của bột giặt Ariel (P&G) tại Ấn Độ, thay vì nhắc nhở hoặc quở trách anh con rể không giúp đỡ vợ mình làm việc nhà, người cha đã tự trách bản thân trước tiên. Vì chính ông cũng giống hệt chàng rể: để mặc vợ cáng đáng hàng tỉ việc nhà, còn chồng chỉ ngồi đợi vợ bưng cơm rót nước tận nơi.

Có lẽ, đối với người vợ đầu gối tay ấp, người chồng vẫn còn bảo thủ, gia trưởng, tự cho mình quyền ngồi ở mâm trên. Còn đối với con gái rượu, ông thấy xót xa khi nhìn con một mình quán xuyến việc nhà và không vừa lòng trước cảnh chàng rể chỉ biết ngồi chơi xơi nước. Từ đó, ông bố thấy hối hận trước sự vô tâm và ích kỉ dành cho vợ mình. Ông cũng xấu hổ vì những người bố như ông đã trở thành tấm gương xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ sau này.

Không có gì là quá muộn. Các ông chồng có thể không nấu cơm ngon, không may vá giỏi, nhưng họ làm được những công việc nhà đơn giản, nhất là khi máy móc ngày một hiện đại. Chỉ cần những hành động nhỏ cũng giúp đỡ người vợ rất nhiều về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, khi các ông chồng bắt đầu làm những công việc nhà, họ đang đem bình đẳng giới vào trong ngôi nhà của mình và sẽ là mẫu đàn ông lí tưởng cho các con học tập.

Nội dung sâu sắc và cách kể chuyện từ góc độ của người cha khiến Share The Load dễ dàng chạm đến trái tim người xem.

Tôi Ghét Mẹ Tôi

Nếu câu này được post lên Facebook, chắc chắn nó sẽ nhận được vô số gạch đá. Nhưng phải có nguyên nhân đằng sau mới khiến một cô bé thốt lên câu nói này chứ?

“Mẹ luôn dành những yêu thương cho con theo cách rất riêng của Mẹ. Hãy trân trọng và dành tặng Mẹ những điều tuyệt vời nhất.”

Với quảng cáo Việt Nam, người xem vốn quen với hình ảnh các mẹ búi tóc gọn gàng, mặt hoa da phấn, diện váy áo thướt tha, đứng nấu cơm duyên dáng với con dâu. Bà mẹ trong Tôi Ghét Mẹ Tôi không hề như vậy. Đây là một bà mẹ hàng cá, nói năng gắt gỏng, ăn mặc luộm thuộm, người lúc nào cũng bốc mùi tanh, tính cách độc đoán và thô lỗ vô cùng. Nếu được lựa chọn, chắc hẳn chẳng có đứa con nào muốn chọn một bà mẹ như vậy. Bà mẹ hàng cá không chỉ là hình ảnh mới mẻ, dễ đẩy cao những mâu thuẫn giữa hai thế hệ trong gia đình, mà còn nêu ra một sự thật: cách thương yêu của chúng ta đôi khi lại gây tổn thương cho đối phương.

Ghét cũng chỉ là một trong muôn vàn cảm xúc rất cá nhân của con người. Mà đã là những thứ thuộc về cá nhân, người ngoài rất khó đánh giá nhân cách của người đó. Nhất là khi cô con gái trong Tôi Ghét Mẹ Tôi vẫn còn nhỏ nên việc cô bé ghét mẹ mình là chuyện dễ thông cảm. Sau tất cả, cô bé vẫn rất yêu rất thương người mẹ tần tảo, vất vả, và luôn muốn đỡ đần, mang niềm vui đến cho mẹ.

Tôi Ghét Mẹ Tôi là món quà gửi đến những người phụ nữ nhân dịp 8/3, nhưng với nội dung cảm động về tình mẫu tử, nó vẫn xứng đáng được chia sẻ vào những ngày đặc biệt khác như Ngày của Mẹ.

Cám Ơn Mẹ (Thank You, Mom)

“Con là người mạnh mẽ bởi đã có mẹ tiếp thêm sức mạnh cho con” (It takes someone strong to make someone strong).

Khi đối mặt với trận đấu quan trọng nhất, những vận động viên chuyên nghiệp vẫn luôn cảm thấy lo sợ. Nỗi sợ của họ đến từ những chấn thương và thất bại ê chề trong quá khứ. Nỗi sợ của họ cũng chẳng khác gì giây phút hồi nhỏ đối mặt với những cơn bão, những vụ tai nạn, bị bạn bè trêu chọc hay bị đám thanh niên hư hỏng chọc ghẹo. Trong tất cả những khoảnh khắc sợ hãi đó, mẹ luôn luôn ở bên cạnh bảo vệ và động viên. Sức mạnh mẹ tiếp cho con từng ngày, từng ngày một giống như góp gió thành bão, để vào những thời khắc mang tính quyết định, con sẽ có đủ mạnh mẽ để chứng tỏ bản thân một cách huy hoàng nhất.

Với nội dung sâu sắc, thông điệp đầy cảm động, cách kể chuyện ngắn gọn mà vẫn dễ dàng đi vào lòng người, Thank You, Mom - Strong của hãng P&G xứng đáng là một trong những phim quảng cáo đỉnh cao của sự tinh tế. Đó cũng là li do vì sao tạp chí quảng cáo danh tiếng Adweek bình chọn Thank You, Mom - Strong nằm trong tốp những quảng cáo xuất sắc nhất thế kỉ 21.

Nếu bạn thấy xúc động sau khi xem 5 phim quảng cáo trên, hãy bỏ điện thoại xuống hoặc tắt máy tính, rồi đến bên cạnh mẹ bạn ngay luôn nhé!

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.