• Về đầu trang
Milu
Milu

Ảnh hưởng khó lường từ việc giặt quần áo đối với hệ sinh thái biển

Cuộc sống

Ở ngoài khơi ven biển Cullercoats thuộc vùng Đông Bắc nước Anh, các nhà nghiên cứu về môi trường Max Kelly và Priscilla Carrillo – Barragan đã đưa một hệ thống lưới thu mẫu sinh vật phù du xuống đáy biển Bắc. Lưới sinh vật phù du là một chiếc lưới có dạng thẳng đứng, thường được sử dụng để thu thập các mẫu sinh vật siêu nhỏ sống trong các vùng biển. Các sinh vật phù du được cho là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu sức khỏe tổng thể của đại dương nên chúng thường được thu thập để làm mẫu nghiên cứu.

Phòng thí nghiệm Dove Marine của Đại học Newcastle, Vương quốc Anh đã thực hiện việc thu thập vi sinh vật từ các vùng nước này trong hơn 50 năm qua, nhận thấy rõ những thay đổi đang ngày một xấu đi của môi trường, trong đó có nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu cũng cho thấy cuộc sống con người đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới đang ngày càng tăng mạnh: các vi sợi nhựa.

Vi sợi nhựa là các loại nhựa có kích thước vô cùng nhỏ, nhiều loại chỉ có đường kính chưa tới 5mm nhưng lại chiếm tới 1/5 tổng khối lượng trong số 8 triệu tấn nhựa được tìm thấy ở các đại dương mỗi năm. Phần lớn trong số chúng lại đến từ microfiber – loại vi sợi thường được sử dụng để sản xuất quần áo.

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung rất nhiều vào polyester và polyester là loại sợi tổng hợp được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành dệt may. Các nghiên cứu đều cho thấy rõ khi chúng ta giặt quần áo, những sợi polyester này ra ngoài thông qua các đường ống thoát nước sau đó theo dòng chảy tới các đại dương. Và ở nơi này, chúng trở thành nguồn thức ăn cho hàng loạt các sinh vật biển khác nhau.

Hàng triệu vi sợi thoát ra ngoài trong mỗi lần chúng ta giặt quần áo. Mặc dù các nhà máy xử lý nước thải có thể đảm bảo 99% khối lượng vi sợi không bị thải ra môi trường nhưng có một phần vẫn bị chảy vào sông, suối và cuối cùng là đại dương. Từ máy giặt ra môi trường tự nhiên chưa bao giờ là con đường dễ dàng đến thế.

Mối đe dọa vô hình

Điều đáng mừng là chúng ta đang dành nhiều sự quan tâm hơn về hậu quả của chất thải nhựa đối với môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyên rằng con người nên chú ý tới cả tác động của vi nhựa đối với đời sống của các sinh vật phù du, bởi chúng là mắt xích quan trọng cuối cùng trong chuỗi thức ăn.

Theo Carrillo Barragan - cộng tác viên tại phòng thí nghiệm biển Dove, các vi sợi có thể tác động ngay lập tức đến chính các vi sinh vật trên khía cạnh dinh dưỡng, sinh sản hoặc phát triển ấu trùng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái biển.

Các nghiên cứu đều cho thấy sinh vật phù du đang ăn nhựa bởi chúng lầm tưởng đó là thức ăn, cũng như tồn tại vấn đề thiếu hụt nguồn dinh dưỡng trong môi trường biển. Sinh vật phù du lại là thức ăn của các loài lớn hơn. Do đó, xét về tổng thể tác động trong một chuỗi thức ăn, vi sợi nhựa để lại hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Các nhà khoa học lo ngại rằng những hạt nhựa này cuối cùng sẽ quay trở lại trên bàn ăn tối của chúng ta.

Chúng tôi chỉ mới bắt đầu thực hiện các thí nghiệm về tác động có thể có của vi nhựa trong tất cả cấp độ của cuộc sống. Chúng tôi không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra cũng như hậu quả sẽ ra sao, nhưng có thể chắc chắn rằng sự xuất hiện của vi nhựa ngày càng nhiều trong đại dương sẽ dẫn tới hậu quả xấu.

Tác động của ngành thời trang nhanh

Nguyên nhân của vấn đề môi trường này đến từ ngành dệt may toàn cầu. Kelly cho biết ngành hàng này sản xuất hơn 40 triệu tấn vải tổng hợp mỗi năm, phần lớn trong số đó là quần áo polyester.

Polyester là vật liệu tuyệt vời để may trang phục. Nó rất thoáng khí và được sử dụng rất nhiều cho các hoạt động thể thao cũng như hoạt động ngoài trời. Chúng khô rất nhanh, bền, nhẹ và hơn hết, đây là vật liệu rẻ tiền. Chính những lý do trên khiến polyester là vật liệu lý tưởng, nhưng độ khó phân hủy của nó lại là vấn đề vô cùng lớn đối với môi trường.

Nhà nghiên cứu người Anh đã làm việc với tập đoàn Procter & Gamble (P&G) để điều tra về thói quen giặt giũ của mỗi cá nhân đối với số lượng microfiber bị phát tán sau mỗi lần giặt. Các nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng chu trình giặt Delicate có thể tạo ra hơn 800.000 vi nhựa so với các chu trình giặt thông thường. Bất ngờ là các nhà khoa học phát hiện ra rằng, yếu tố chính trong việc giải phóng hạt vi nhựa khỏi quần áo là do lượng nước chứ không phải mức độ quay trộn mạnh của quần áo trong máy.

Sử dụng càng nhiều nước, đồng nghĩa với việc nhiều vi sợi nhựa càng bị kéo ra khỏi vải. Do đó, chu trình giặt mềm mại Delicate sử dụng nhiều nước để bảo vệ quần áo khỏi bị hư hại làm mất nhiều sợi vải hơn. Việc dùng chất tẩy rửa hóa học, nước xả vải hay tẩy vết bẩn được thải ra qua quá trình giặt đều có thể có tác động tiêu cực đến môi trường.

Cắt giảm việc mua quần áo mới cũng là một cách hay để bảo vệ môi trường bởi nó không chỉ giúp giảm thiểu chất thải từ quá trình dệt may mà còn góp phần tác động đến quá trình ô nhiễm vi sợi ra tự nhiên. Bớt mua quần áo mới cũng giúp ích rất nhiều cho mọi người trong vấn đề tài chính nữa

Chúng tôi nhận thấy rằng quần áo mới sẽ rơi rụng nhiều vi sợi hơn so với quần áo cũ. Thử nghiệm qua 60 lần giặt đã xác nhận điều này.

Ông Kelly hy vọng rằng những nghiên cứu này sẽ tác động đến hành vi của con người đối với sự sống của môi trường trên toàn thế giới. Bên cạnh việc chú ý hơn đến quá trình giặt giũ, một nghiên cứu có từ năm ngoái cho thấy mọi người nên phơi quần áo thay vì dùng máy sấy. Quá trình hoạt động của máy sấy khiến lượng sợi được giải phóng khỏi quần áo lớn hơn rất nhiều lần so với việc phơi ngoài trời.

Theo: CNN, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.