• Về đầu trang
Milu
Milu

Cha mẹ bất hòa ảnh hưởng đến con cái như thế nào?

Cuộc sống

Việc phát hiện một bức thư tuyệt mệnh nghi là của cháu bé 11 tuổi ở Hà Nội giãi bày những nỗi niềm về bất hòa trong gia đình thực sự gây nhói lòng cho rất nhiều người theo dõi. Lá thư dù vẫn chưa được xác nhận có phải là của bé gái để lại hay không nhưng nó vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc làm cha, làm mẹ nhìn nhận lại cách hành xử của mình trong gia đình, đặc biệt khi ở trước mặt con cái. Đây là điều thật sự rất quan trọng bởi bạn nên biết rằng, cha mẹ thường xuyên cãi vã sẽ có tác động cực kì tiêu cực đến con trẻ.

Những nghiên cứu khoa học từ trước đến nay đều chỉ ra rằng trẻ em cũng trải qua những căng thẳng y hệt người lớn. Khoảng 13% trẻ em lo lắng khi chúng ở trong môi trường không lành mạnh. Do đó, một mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa cha mẹ sẽ rất nguy hiểm cho cuộc sống hiện tại và cả tương lai của một đứa trẻ. Điều cần thiết là các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề để tìm ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo chuyên gia tâm lý, các cuộc xung đột giữa cha mẹ sẽ tác động xấu đến tâm lý của con trẻ vì những lý do sau đây:

1. Trẻ sẽ luôn cảm thấy bất an

Trẻ em luôn nhanh nhạy, và chúng sẽ luôn thấy được những điều bất thường trong mối quan hệ giữa cha mẹ chúng dù họ có nói ra hay không. Cha mẹ bất hòa sẽ khiến trẻ luôn có cảm giác thiếu an toàn ngày trong chính ngôi nhà của mình. Chúng phải luôn đối mặt với không khí căng thẳng luôn thường trực trong gia đình và sợ hãi với những suy nghĩ trong đầu như “Khi nào thì bố mẹ mới làm lành?”.

Một nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con bạn. Đồng thời, con cái sẽ đạt điểm kiểm tra cao hơn nếu chúng có cha mẹ có thể quản lý cảm xúc của họ.

Hai vợ chồng hãy luôn cố gắng kiểm soát cảm xúc của chính mình trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến và luôn nhớ tránh gây gổ nhau khi con bạn ở gần đó. Đến tham dự các lớp học về tâm lý hoặc đi tìm mua các loại sách đặc biệt để bạn có thể tìm ra giải pháp tốt nhất trong từng trường hợp riêng biệt. Ngoài ra, hãy thiết lập một thỏa thuận về việc sẽ không có ai trong hai người sử dụng con cái để thao túng đối phương.

2. Chúng sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ

Trẻ không có lỗi, hãy chấp nhận rằng bạn là một phần của một vấn đề quá khó giải quyết, nhưng làm ơn đừng lôi con trẻ vào chuyện này. Hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói hoặc làm. Nếu bạn cần thời gian để bình tĩnh hơn, hãy cứ sử dụng nó. Dù sao điều này vẫn tốt hơn là cứ để xảy ra những cuộc thảo luận một cách tiêu cực hoặc liên tục phàn nàn về đối phương trước mặt con bạn. Hãy dừng việc trút hết mọi giận dữ lên con cái, đừng biến chúng trở thành những nạn nhân và có những trải nghiệm về cảm xúc tồi tệ.

3. Trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi

Do cảm giác thân thuộc của gia đình mất mát, một số trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi vì chúng cảm thấy việc cha mẹ cãi nhau là do mình. Trẻ em có thể cố gắng đoàn kết cha mẹ theo cách riêng của chúng hoặc thậm chí có những phản ứng không thể đoán trước như la hét, khóc lóc hoặc từ chối làm điều gì đó.

Trong trường hợp này, bạn cần giải thích rõ với con rằng chuyện bố mẹ có vấn đề hoàn toàn không phải là lỗi của chúng. Vỗ về con trẻ sẽ giảm bớt gánh nặng cho con trẻ và xoa dịu tâm lý chúng.

4. Tâm sinh lý bị thay đổi

Theo các nhà tâm lý học, cảm xúc tiêu cực cũng là một loại cảm xúc quan trọng mà hầu hết những bậc làm cha mẹ thường bỏ qua. Ví dụ, con bạn có thể có những hành động trở nên hung hăng hơn hoặc đột nhiên trở nên quá nhạy cảm. Hãy chú ý, những điều này có thể xảy ra từ khi bạn bắt đầu “chiến đấu” với đối phương của mình.

Trong trường hợp này, cha mẹ cần khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình thông qua các câu chuyện, hình vẽ và trò chơi. Bạn có thể yêu cầu chúng vẽ một bức tranh về gia đình, đây là một cách hữu hiệu để bạn có thể hiểu thêm về những thay đổi nhỏ trong tâm sinh lý của chúng cũng như biết hơn về những điều làm phiền con bạn.

Một nghiên cứu cho biết trầm cảm ở các bà mẹ có liên quan đến việc ít ấm áp hơn trong việc nuôi dạy con cái và nó có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý cho con của họ trong tương lai. Trẻ em nên nhìn thấy cha mẹ của chúng mỉm cười. Bởi cha mẹ hạnh phúc sẽ khiến đứa trẻ hạnh phúc.

5. Chúng cảm thấy lo lắng vì không an toàn và khủng hoảng

Trẻ em rất nhạy cảm ngay cả khi chúng không hiểu được gốc rễ của vấn đề. Mỗi đứa trẻ khi ở trong gia đình bất hòa sẽ luôn cảm giác rằng bản thân mình đang gặp nguy hiểm. Điều này có thể trở thành nỗi ám ảnh sau này vì chúng luôn nhận thấy nỗi sợ hãi lớn hơn nhiều so với thực tế.

Là bậc làm cha mẹ, phụ huynh cần nhắc nhở con bạn rằng chúng luôn được an toàn. Không cần phải giải thích cặn kẽ lý do vì sao cha mẹ đang cãi nhau, chỉ cần cho con bạn cảm giác rằng chúng không gặp nguy hiểm.

Theo: brightside
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.