• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Nghiên cứu chứng minh cha mẹ hay nói dối con cái có thể làm chúng khó dạy dỗ hơn

Cuộc sống

Trẻ con là những sinh vật vô cùng khó chiều. Chúng không muốn ăn rau, trốn tránh việc đi ngủ hay học bài và câu nói "Nhưng cái đó tốt cho con" dường như không có tác dụng.

Do vậy, để có thể bắt con làm theo những gì mình muốn, một số cha mẹ đã dùng cái gọi là "lời nói dối vô hại". Ví dụ như khi đứa con không chịu ăn, họ sẽ nói: "Con mà không ăn là mẹ đuổi con ra ngoài đường đấy." và điều này thường có hiệu quả ngay tức thì. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng thực ra nó cũng không vô hại như họ nghĩ.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên một tạp chí về tâm lý trẻ em, những lời nói dối nhỏ bé này có thể gây ảnh hưởng lớn cho tâm lý của bọn trẻ, khiến chúng hay nói dối và khó dạy dỗ hơn khi trưởng thành.

Trong cuộc khảo sát, người ta đã hỏi 337 người tham gia liệu cha mẹ có thường xuyên lừa họ khi còn nhỏ và họ có thường xuyên nói dối cha mẹ không. Các câu nói dối của ba mẹ đa phần xoay quanh chủ đề ăn uống ("Nếu con nuốt hạt dưa hấu, quả dưa hấu sẽ mọc lên trong bụng con"), tiền bạc ("Hôm nay mẹ không có tiền. Ngày mai mẹ mua cho"), cách ứng xử của trẻ ("Con mà không ngoan là mẹ gọi cảnh sát đến nhốt con vào tù đấy"), và ở lại hoặc rời khỏi một địa điểm ("Nếu con không đi với mẹ, mẹ sẽ vứt con ở lại đây một mình đó"). Ở chiều ngược lại, những người con cũng hay nói dối bố mẹ về chuyện điểm số hay quan hệ bạn bè ở trường.

Qua đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người hay bị bố mẹ lừa dối có xu hướng nói dối nhiều hơn khi trưởng thành. Những người này cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với những khó khăn về tâm lý và xã hội. Họ cũng có xu hướng che giấu các vấn đề của mình (thông qua lo lắng và cô lập xã hội) hay bày tỏ một cách tiêu cực (gây rắc rối). Điều này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hình thành các mối quan hệ tích cực, lâu dài. Cực đoan hơn, việc thường xuyên bị lừa khi còn nhỏ có thể dấu hiệu cho các bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Setoh Peipei, người đứng sau cuộc khảo sát và nghiên cứu này cho biết: "Làm cha mẹ bằng cách nói dối có thể tiết kiệm khá nhiều thời gian, nhất là khi con cái họ làm cái gì đó mà không biết phải giải thích hay ngăn cấm thế nào. Nhưng khi họ nói với con rằng 'Phải sống trung thực' trong khi luôn lừa con mình, nó có thể gửi thông điệp mâu thuẫn đến con cái. Sự không trung thực của cha mẹ có thể làm xói mòn lòng tin và thúc đẩy sự không trung thực ở trẻ em."

Nhưng giống như bất cứ nghiên cứu nào, nhất là liên quan tới các câu hỏi, cuộc khảo sát này cũng tồn tại một số hạn chế khác nhau. Thứ nhất, nó chỉ dựa vào ký ức của những người tham gia. Thứ hai, nó cũng không phân biệt giữa các loại lời nói dối khác nhau vì chúng liên quan đến động lực của cha mẹ. Ví dụ như khi người mẹ nói với một đứa trẻ rằng cô ta sẽ gọi cảnh sát đến bắt con mình vì không chịu ăn như một cách để khảng định uy quyền thì có hại hơn là nói với chúng rằng mình không có tiền để mua món đồ chơi xa xỉ nào đó.

Peipei nói thêm: "Sự khẳng định uy quyền đối với trẻ em là một dạng xâm phạm tâm lý. Nó có thể gây hại đến sự tự chủ của trẻ em và làm suy yếu cảm xúc của chúng". Cuối cùng, Peipei đề nghị những cha mẹ hãy thừa nhận cảm xúc của trẻ em, cung cấp cho chúng thông tin để chúng biết những gì sẽ xảy ra và cùng nhau giải quyết vấn đề, tốt nhất là cung cấp cho chúng các lựa chọn để xử lý tình huống.

Theo: Curisioty
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.