• Về đầu trang
An Hy
An Hy

Chiếc app ngược đời có filter chuyên gỡ bỏ lớp makeup tạo ra nhiều tranh cãi, chỉ trích ở Mỹ

Cuộc sống

Bạn có làn da đầy mụn và vết thâm, bạn muốn xài gì đó để sở hữu da mịn không tì vết trên ảnh sống ảo? Chuyện nhỏ! Bạn cũng muốn xóa nếp nhăn, muốn mặt nhỏ mũi cao cằm thon? Dễ ợt! Chưa hết, bạn còn muốn thay da đổi thịt, muốn đẹp như tiên? Không thành vấn đề!

Thời đại 4.0 đã sản sinh cho chúng ta hàng loạt hỗ trợ ưu ái để cuộc sống dễ thở và đáng sống hơn. Tuy nhiên, với hàng tá những ưu ái có phần bội thực vì sự “ảo ảo, giả giả” đó, không ít người lại hứng thú với việc trông thấy khuôn mặt thật đằng sau một lớp nền được tô vẽ đẹp đẽ. Đó, cũng chính là lí do mà MakeApp ra đời.

Dù thực ra nó cũng chỉ là một ứng dụng bình thường để bạn thêm thắt chút sức sống cho bản thân. Và khác với đa số các ứng dụng chỉnh ảnh khác, MakeApp có thể chỉnh được cả trên video.

Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thỏa mãn sự tò mò của một số cá nhân trông chờ được nhìn ngắm những gì “nguyên sơ, tự nhiên” nhất của con người, như bên dưới đây:

Ứng dụng này có sẵn trên cả 2 nền tảng là iOS lẫn Android.

Khi chính thức được ra mắt, Ashot Gabrelyanov - nhà sáng lập kiêm phát triển của MakeApp, đã sử dụng ảnh của những người nổi tiếng để làm mẫu. Anh cho rằng hình ảnh của họ rất phổ biến và mọi người có thể dễ dàng nhận ra họ khi không có makeup, từ đó thấy được cách mà công nghệ chỉnh sửa này hoạt động như thế nào.

Chức năng chính của MakeApp là trang điểm và loại bỏ trang điểm trên gương mặt người dùng bằng các bộ lọc (filter). Khác với những ứng dụng chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp khác, khi filter không nhận dạng được khuôn mặt, sự thay đổi sẽ không diễn ra hoặc diễn ra theo cách khá buồn cười...

...thì MakeApp với thuật toán GAN – Generative Adversarial Neural Network (tạm dịch: mạng lưới thần kinh tương phản sinh) hình ảnh người dùng vẫn thay đổi như ý muốn một cách dễ dàng, bình thường.

Hơn thế nữa, mô hình này cũng sẽ cố bắt chước dữ liệu thực để lớp trang điểm (hoặc lớp “mặt mộc”) trở nên chân thực, giống thật nhất có thể. Nên nó sẽ không thật sự loại bỏ các lớp phấn, màu vẽ khỏi khuôn mặt ai đó, mà chỉ dùng thuật toán để dự đoán, tìm ra họ có thể trông như thế nào nếu không có chúng.

Khi mới phát hành, MakeApp đã nhận được rất nhiều sự chú ý và yêu thích ở khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… rồi lan sang cả Châu Âu như Anh, Đức, Thụy Điển, Ý,…

Một chương trình Nhật Bản giới thiệu ứng dụng MakeApp

Tuy nhiên, khi đặt chân đến nước Mỹ, ứng dụng đã gây ra những phản ứng trái chiều. Rất nhiều người, đặc biệt là các trang truyền thông lên án, chỉ trích phần mềm một cách triệt để. Vì họ cho rằng filter mặt mộc là loại bộ lọc độc hại làm xấu hình ảnh của những người nổi tiếng. Rằng đây là ứng dụng được tạo ra để hạ thấp phái nữ và những ai thích trang điểm, khiến các vấn đề như tự ti, ghét bỏ bản thân càng thêm trầm trọng và tạo cho đàn ông suy nghĩ rằng tất cả phụ nữ đều xấu xí.

Các tạp chí như Teen Vogue, Pop Sugar còn cho rằng nó là ứng dụng có vấn đề, sẽ lan truyền và tạo ra sự sỡ hãi kèm với rắc rối đến mọi người. Một số trang báo, tạp chí, mạng xã hội còn thêm thắt ứng dụng có ý “tẩy trắng” người da màu, tuyên truyền giáo và vì nó được tạo ra bởi một người Nga, Ashot thậm chí đã bị gọi là “gián điệp Kremlin”!

Đáp lại những chỉ trích và hằn học từ cộng đồng mạng cũng như người dùng, nhà sáng lập kiêm phát triển ứng dụng chỉ trả lời:

“Chúng tôi tạo ra MakeApp ban đầu như là một thử nghiệm vui và sau đó đã chính thức phát hành nó lên thị trường vài tháng trước, không may là truyền thông chỉ tập trung vào đúng chức năng loại bỏ lớp trang điểm của ứng dụng rồi quy chụp, diễn tả nó như thể một đám “thằng công nghệ” đang cố gắng tấn công nhằm vào phụ nữ, mà điều này không hề đúng chút nào.”

Ashot nói với tờ Huffington Post qua email - 1 trong 4 tờ báo ít ỏi bên cạnh Buzzfeed, The Daily Dota, Mashable chịu bỏ thời gian liên lạc với anh.

Dẫu câu trả lời dường như chẳng thể làm dịu đi cơn phẫn nộ như cuồng phong của người dùng Mỹ, nhưng chính nhờ cơn cuồng phong đấy mà MakeApp được mọi người biết tới rộng rãi hơn. Rất nhiều người tò mò đã thử sử dụng ứng dụng và cho biết họ khá thích sản phẩm này và đã cho nó đánh giá 5 sao (dù vẫn là con số ít ỏi với phần còn lại).

Thậm chí, một người dùng cũng đã thử lấy khuôn mặt không trang điểm của mình ra để làm thêm một lớp bộ lọc “mặt mộc” nữa từ ứng dụng.

Khác với những suy nghĩ tiêu cực từ đại đa số, Shannon Liao – chủ nhân của thử nghiệm cho rằng cô cảm thấy tốt hơn khi khám phá gương mặt mộc của mình có thể tệ đi như thế nào và rằng nó ở hiện tại vốn dĩ đã xinh đẹp.

Cô xài hết 5 lần thử chỉnh sửa ảnh miễn phí liên tục lên mặt mình và nhận được kết quả, mà theo chính cô rằng trông như một thây ma!

“Thật sự có người tin phụ nữ - hoặc bất kì ai trang điểm – nhìn như thế này bên dưới các lớp phấn ư? Nếu có, thì thay vì tức giận với ứng dụng, tôi thương hại những cá nhân sử dụng nó với mục đích moi móc coi người khác trông như thế nào hơn,” – Shannon bày tỏ quan điểm.

Nên có lẽ, trước khi tức giận và mỉa mai một công nghệ thời đại mới “ngược đời” nào đó có thể biến bạn, hoặc ai đó xinh đẹp trở nên xấu xí, thì hãy giống như Shannon, thay đổi góc nhìn của vấn đề và suy nghĩ một cách tích cực. Không ai trong chúng ta muốn mình “thiên nga hóa vịt” cả, việc sử dụng công nghệ để khiến điều đó diễn ra với người khác càng đáng lên án.

Mục đích ban đầu của MakeApp với bộ lọc “gỡ bỏ makeup” có thể chỉ đơn giản muốn người dùng bình thường hóa lớp trang điểm, không thần thánh hóa vẻ đẹp của ai khác mà quên đi nét bình dị vốn có của bản thân và những người xung quanh. Trong một thời đại mà ngày càng nhiều cá nhân dựa vào đó để có được vẻ ngoài mong muốn, để có thể yên tâm, bình thản mà bước ra ngoài, gặp gỡ mọi người hoặc dựa vào đó để đánh giá, bình phẩm sự tự nhiên, mộc mạc của ai đó, thì có lẽ, đây là ứng dụng mà chúng ta sẽ cần. Không phải để dìm người khác xuống rồi nâng mình lên, chỉ là cần để thấy bản thân không phải là một chú vịt con xấu xí giữa một bầy thiên nga trông quá đỗi rạng ngời, quá đỗi tỏa sáng.

Vịt con vẫn có thể dễ thương và xinh đẹp, nếu không tại sao có những người lại chọn chúng làm thú cưng? Còn thiên nga trước khi sải lớp cánh mỹ miều cũng từng là những chú chim bì bõm giữa mặt hồ. Điều quan trọng trước nhất, hãy biết cách là chính mình, tự tin với những gì mình có và biết cách trân trọng nó. Trang điểm hay không trang điểm, luôn là đặc quyền của mỗi người. Và việc sử dụng các lớp phấn, màu, son để trở nên xinh đẹp hơn không bao giờ là tội lỗi của bất kì ai, cũng như ngược lại, mặt mộc không bao giờ đồng nghĩa với xấu xí và việc chọn không thoa một lớp nền lên mặt chẳng biến bạn thành đứa quê mùa hay thây ma nào cả.

Một ứng dụng công nghệ chẳng thể thay đổi vẻ ngoài của ai, điều đó phụ thuộc vào chính người sử dụng. Ngay cả với Pennywise vẫn còn miễn nhiễm với MakeApp, thì tại sao chúng ta lại phải chịu ảnh hưởng bởi nó?

Pennywise không bị ảnh hưởng hay hề hấn gì với MakeApp
Theo: Boredpanda/hackernoon/theverge
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.