• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Dầu dừa có thực sự là một sản phẩm bền vững?

Cuộc sống

Các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dầu dừa với những đặc tính tự nhiên tuyệt vời đang dần trở lên phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là với những người theo xu hướng tối giản, dầu dừa thực sự là một sản phẩm hữu ích khi nó có thể được sử dụng vào hàng tá mục đích khác nhau

Từ rất lâu về trước, người dân tại các quốc gia như Indonesia, Philippines hay Ấn Độ đã sử dụng dầu dừa như một nguồn cung cấp chất béo quan trọng. Nhưng phải đến cuối thế kỉ 19, dầu dừa mới bắt đầu du nhập vào Châu Âu. Trong thời kỳ đầu này, dầu dừa là loại sản phẩm bị tẩy chay mạnh mẽ ở thị trường Châu Âu do nó có chứa lượng chất béo bão hòa cao. Tuy nhiên chúng bắt đầu phổ biến trở lại vào khoảng năm 2010.

Dầu dừa có bền vững không?

Về cơ bản các tranh cãi xoay quanh việc dầu dừa có phải là sản phẩm bền vững hay không chủ yếu đến từ nạn phá rừng và vấn đề nhân đạo trong việc dụng lao động.

Thứ nhất, giống như dầu cọ, ngành công nghiệp dầu dừa là một nhân tố góp phần làm giảm diện tích rừng khi người dân bắt đầu phá rừng để trồng độc canh dừa. Nhưng ít nhất người ta vẫn có thể trồng dừa xen các loại cây khác như chuối, cà phê hay cacao, còn cọ thì không. Quá trình thu hoạch dừa cũng thường được làm bằng tay thay vì sử dụng máy móc. Tuy nhiên, tùy vào từng loại dầu dừa thành phẩm mà quá trình chiết xuất ra chúng cũng có những tác động môi trường khác nhau.

Thông thường dầu dừa có 3 loại: dầu tinh khiết, dầu tinh luyện và dầu thô. Dầu tinh khiết là loại được coi là an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường nhất khi chúng được chiết xuất từ những quả dừa tươi mới hái, quá trình chế biến nhanh và đơn giản bằng phương pháp chiết xuất lạnh, ít pha tạp và không sử dụng dung môi hóa chất nên tiết kiệm nhiên liệu hơn, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn.

Loại thứ hai là dầu dừa thô. Đây là loại dầu được lấy từ những phần cơm dừa chất lượng kém và trải qua quá trình chiết xuất nhiệt với mức nhiệt thiếu kiểm soát nên thường có màu nâu đậm do bị cháy. Loại dầu này chưa thể sử dụng ngay mà phải trải qua quá trình tinh luyện.

Thường trong quá trình tinh luyện dầu dừa, người ta sẽ sử dụng dung môi hexane để khử trùng và phân tách tạp chất khiến dầu tinh luyện mất cả màu lẫn mùi. Mặc dù hexane được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ phân loại là chất gây ô nhiễm môi trường, cũng như là chất độc thần kinh (khi chúng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh thần kinh cho những công nhân làm việc trong môi trường có nồng độ hexane cao) nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêu thụ một lượng nhỏ hexane trong các sản phẩm dầu thực vật gây hại đến sức khỏe người dùng. Vì thế, vẫn có thể coi dầu dừa tinh luyện có lợi ích tương tự như dầu dừa tinh khiết mặc dù chúng không còn giữ được mùi vị đặc trưng của dầu dừa.

Dung môi hexane dùng để tách dầu thực vật

Bên cạnh đó, khi cây già và kém năng suất, người trồng bắt buộc phải sử dụng phân bón hóa học để duy trì sản lượng, gây ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng đất.

Không chỉ thế, nhân đạo cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong ngành công nghiệp sản xuất dầu dừa. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, gần 45% trẻ em ở Philippines (độ tuổi từ 5-14 tuổi) là nguồn lao động chính trong ngành nông nghiệp trồng dừa. Thậm chí ở một số nông trại tại Thái Lan, khỉ cũng bị ép buộc để trở thành những nhân công thu hoạch dừa bất đắc dĩ.

Thêm vào đó, ở Indonesia và Philippines, 95% dừa được thu hoạch từ các trang trại quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình. Mặc dù sản lượng dừa được tiêu thụ từ các nước này vô cùng lớn nhưng những người nông dân trồng dừa luôn thuộc nhóm dân cư nghèo nhất cả nước, thậm chí ở Philippines, 60% trong số này có mức sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia.

Vậy có nên sử dụng dầu dừa không?

Câu trả lời là có. Tuy ngành công nghiệp dầu dừa còn chứa đựng nhiều mặt tối nhưng nó vẫn là một lựa chọn có thể coi là bền vững hơn các loại dầu khác, chằng hạn như dầu cọ. Tuy nhiên hãy ưu tiên cho các sản phẩm dầu dừa hữu cơ, tinh khiết đến từ những thương hiệu đã được cấp chứng nhận Fair Trade. Chứng nhận này giúp đảm bảo sự minh bạch trong việc sử dụng lao động, cũng như chắc chắn rằng người nông dân trồng dừa có thể nhận được lợi nhuận xứng đáng.  

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.