• Về đầu trang
Spock
Spock

Đau lòng những bé gái Afghanistan phải giả trai để 'đổi đời'

Cuộc sống

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, nữ quyền lại trở nên quan trọng đến như vậy. Trên khắp thế giới, người ta đã chứng kiến rất nhiều phong trào ủng hộ quyền lợi phụ nữ, mà nổi bật nhất là #MeToo, chống lại nạn lạm dụng tình dục trong công việc. Những tưởng rằng, với từng đấy nỗ lực của nhân loại, phụ nữ phải được trân trọng hơn, được yêu thương hơn. Nhưng ở Afghanistan, có những bé gái phải giả trang thành con trai để được tự do.

bacha posh 1024x469

Tại quốc gia Tây Á này, nhiều bé gái được cha mẹ cho mặc đồ và nuôi nấng như con trai

Trong suốt lịch sử, rất nhiều lần phụ nữ đã cải trang thành đàn ông như một cách để phản kháng số phận và làm những gì mà họ muốn, đó là tham gia chiến đấu trên chiến trường, gia nhập các tổ chức tôn giáo hay được đi làm như những người đàn ông. Còn ở Afghanistan, không ít bé gái được nuôi dưỡng như con trai để được sống một cuộc đời tốt hơn.

Bà Najia Nasim, giám đốc cơ quan bảo vệ phụ nữ Afghanistan có tên Women for Afghan Women cho biết, “Trong một xã hội bất bình đẳng giới, sẽ luôn có một bộ phận cố gắng để được thành một phần của nhóm mà mình không thuộc về.”

Trong một xã hội Afghanistan còn cổ hủ, việc đàn ông làm trụ cột kinh tế chính và những định kiến xã hội sẽ đẩy bậc làm cha làm mẹ vào thế khó. Người ở đây vẫn quan niệm, con gái là “của nợ”, chỉ có đứa con trai mới là người làm ra kinh tế, nối dõi tông đường và chăm sóc bố mẹ già. Chính vì vậy, không ít nhà có con gái đã “chuyển giới” con mình thông qua tập tục có tên “bacha posh”, nuôi dạy và cho con sống với vẻ ngoài trái ngược với giới tính tự nhiên của chúng.

sitara wafadar 650x400 81524471235

Một bacha posh chơi bóng với bạn nam của mình

“Tập tục này giúp gia đình không có con trai tránh khỏi sự kỳ thị của xã hội. Các 'bacha posh' có thể ra ngoài mua sắm một mình, đưa chị em đi học, đi làm, chơi thể thao và đóng góp cho xã hội trong vai trò một bé trai,” Mitch Nasim nói thêm. Hiện vẫn có ý kiến tranh cãi về nguồn gốc của tập tục nhưng nó đang ngày càng phổ biến hơn tại đây. Nhiều người còn nói, việc có “bacha posh” trong nhà còn giúp gia đình sẽ sớm có con trai trong tương lai.

Vào mùa hè năm 2017, nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Loulou d’ Aki đã tới Afghanistan để ghi lại về tập tục kì lạ này. Trước đó, cô đã đọc cuốn sách The Underground Girls of Kabul của nhà báo Jenny Nordberg về những bé gái bị cho ăn mặc và dạy dỗ như con trai. Bị lôi cuốn bởi nội dung cuốn sách, d’ Aki đã quyết định lên đường và tự mình chứng kiến điều này ngoài đời.

01 bacha posh 1

Ali, một bé gái 14 tuổi được cha mẹ nuôi nấng như một bé trai từ khi còn nhỏ vì trong nhà không có con trai. Đằng sau là hai chị em gái khác của Ali.

Thông qua một phiên dịch địa phương, cô đã gặp một gia đình có hai trong số sáu cô con gái hiện đang là bacha posh. Một ngày sau khi chào đời, cô con gái thứ ba trong nhà, Seterah đã được cha mẹ cho một cái tên “nam tính” hơn, Setar và nuôi dạy cô bé như một bé trai . Điều tương tự được lặp lại với Ali, một bé gái khác trong gia đình. Kể cả khi bố mẹ Ali và Setar thỏa mãn ước nguyện của mình là có con trai, hai cô bé vẫn tiếp tục cuộc đời “thân sâu hồn bướm” của mình.

bacha posh 1

Serat và Ali khi ở ngoài đường. Trong vẻ ngoài nam tính này, Serat còn có cả bạn gái

Bây giờ Setar đã là một thiếu niên 16 tuổi. Cô bé thích chơi bóng đá và có cả bạn gái, một người không thực sự quan tâm đến giới tính thật của Setar. Em gái Ali 14 tuổi còn được không ít những bạn gái viết thư ái mộ. Ở nhà, hai đứa đều không phải dậy sớm để phụ mẹ và các chị em gái khác làm bữa sáng và trà.

bacha posh 3

Thư từ các fan nữ gửi tới cho Ali

bacha posh 6

Serat và bạn gái âu yếm nhau tại nhà Serat

“Con trai luôn có địa vị xã hội cao hơn con gái. Mọi người đều muốn con trai. Đặc biệt ở những gia đình có thu nhập thấp hơn, nếu bạn có nhiều con gái và không có con trai thì có bacha posh là bình thường.”, d’Aki chia sẻ.

Nhưng khi đến tuổi dậy thì và các đặc điểm giới trở nên rõ ràng, cuộc sống của các bacha posh trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Gia đình của Setar và Ali đã chuyển nhà nhiều lần để không bị người khác quấy rối. Trên đường phố, nhiều người nói hai đứa là “phản Đạo” và gọi chúng là người chuyển giới. Setar đã phải bỏ học, trong khi Ali vẫn được bố chở đến trường với lí do an toàn.

bacha posh

Serat và Ali cùng nhau đi mua quần áo. Không ai nghi ngờ hai đứa là con gái cả.

Hiện tại cha mẹ đều muốn hai con mình bắt đầu mặc đồ và cư xử như con gái, nhưng cả Ali và Setar đều không muốn. Như d’Aki chia sẻ: “Là một phụ nữ ở Afghanistan thực sự rất khó khăn. Họ sẽ luôn phải làm theo mong muốn của người khác mà không được quyền quyết định gì cả. Những bé gái này mới chỉ có chút tự do và rồi đột nhiên họ phải trở lại làm phụ nữ ở một đất nước như Afghanistan.”

Bên cạnh Setar và Ali, d’Aki cũng gặp nhiều “bacha posh” khác như Zara, một đứa trẻ mồ côi được chú mình nuôi dạy như một bé trai để “con bé có cơ hội được sống tự do”. Hay một người khác, một bà mẹ đơn thân nuôi dạy hai cô con gái nhỏ của mình như con trai để bảo vệ gia đình.

Tổ chức Women for Afghan Women cho biết, có ít nhất hai bacha posh trong Mái ấm bảo vệ phụ nữ của họ ở Kabul. Theo Nasim, đó là những tình huống rất khó giải quyết. Các cô gái này thường bị quấy rối, sỉ nhục và tách khỏi cộng đồng, nhưng kể cả thế, chính họ lại không muốn sống như phụ nữ. Khi trở về đúng với giới tính thật của mình, họ phải học cách sống dưới một cái burqa, nấu ăn cho gia đình và bị người khác coi thường.

bacha posh 5

Setar và Ali sau khi mặc đồ con trai và sẵn sàng ra phố

“Khi dần trưởng thành hơn, các bacha posh biết rằng mình sẽ không bao giờ là con trai và không ai coi họ là con gái.” Nasim bức xúc nói “Chối bỏ năng lực của phụ nữ, đó thực sự là một sự sỉ nhục lớn và cũng là đàn áp lên quyền lợi của họ.”

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.