• Về đầu trang
Còn Trẻ
Còn Trẻ

Eternime và Replika: Liệu việc trò chuyện cùng người đã chết có khả thi?

Cuộc sống

Hàng nghìn năm trở lại đây, con người đã hiểu được một quy luật, hồi sinh một người đã chết chưa bao giờ là việc nên làm. Từ truyện cổ Hy Lạp cho đến TV show Black Mirror đều cho thấy mặt trái của việc khiến cho người yêu thương của chúng ta sống lại.

Song, mặc cho điều này nghe có vẻ hão huyền, cũng như những rủi ro mà nó có thể gây ra, một chuyên gia công nghệ tên là Marius Ursache đã mong có thể biến nó thành sự thật khi tạo ra những phiên bản kỹ thuật số của người đã chết.

5be05aaae4218a109e4f34ec 750 563

Trò chuyện cùng người đã chết sẽ không còn xa vời trong tương lai.

Được biết, chuyên gia 41 tuổi người Romania đã từng học ngành y. Ông đã lập ra một trang web riêng khi còn học tại trường y và tham gia vào công nghệ tài chính (fintech), nhưng rồi sau đó lại rút khỏi vì ông cho rằng mình không thích làm việc với ngân hàng.

Marius Ursache bắt đầu chuyển sang Học viện công nghệ Massachusetts. Tại đây, một ý tưởng "không tưởng" đã bắt đầu nảy ra trong đầu ông: Eternime.

Công ty của Marius được lập ra vào năm 2014 với hy vọng có thể giúp cho những người đã chết trở nên "gần như bất tử", bằng cách tạo ra một phiên bản kỹ thuật số cho họ.

Không lâu sau khi lập ra Eternime, một bi kịch đau lòng đã xảy đến với Marius khi bạn thân của ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, khiến cho dự án này mang thêm ý nghĩa.

5be4561c0591f275ba738ead 960 720

Marius Ursache đã tạo ra Eternime nhằm giúp cho người ở lại có thế trò chuyện với người mình thương yêu dù họ đã ra đi mãi mãi.

Marius liên tục xem lại TEDxTalk của bạn sau khi bạn ông qua đời. Ông cho biết: "Điều này khiến tôi nhớ đến bạn tôi, về việc anh ấy quan trọng như thế nào trong cuộc đời tôi, cũng như việc tôi đã học được từ anh ấy rất nhiều điều."

Hiện nay, Eternime đang được tạo ra ở dạng ứng dụng nhằm thu thập thông tin người dùng. Việc này sẽ được thực hiện dưới hai cách: thông qua thông tin trên smartphone và câu hỏi trên chatbot. Mục đích của việc này nhằm để công nghệ có thể tiếp cận và tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của bạn. Sau khi bạn qua đời, những người thân yêu sẽ tương tác với bạn thông qua phiên bản này.

Marius trả lời về cơ cấu thu thập dữ liệu của Eternime: "Chúng tôi thu thập thông tin qua vị trí địa lý, chuyển động, hoạt động, dữ liệu về sức khỏe, giấc ngủ cũng như những hình ảnh, tin nhắn mà người dùng cài vào ứng dụng. Chúng tôi còn lấy dữ liệu trên Facebook từ những nguồn mở rộng khác. Tất nhiên, những việc này sẽ chỉ khả thi nếu như có sự cho phép của người dùng."

5be456993815076f3a49b21b 960 720

Những dữ liệu của người dùng như tin nhắn, hình ảnh sẽ được thu thập để tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của họ sau khi họ qua đời.

Bản prototype thử nghiệm của Eternime đã được trưng bày tại bảo tàng Victoria và Albert của London, nhằm để người dùng có thể tiếp cận với cách mà ứng dụng thu thập dữ liệu thông qua cuộc sống của họ.

Marius đã thực hiện dự án này cùng với một nhà đồng sáng lập và là giám đốc công nghệ - Claudiu Baciu, người đã cùng ông làm việc ở công ty đầu tiên. Trong tương lai, ông mong muốn có thể tạo ra một Eternime như một dịch vụ miễn phí với các lựa chọn nâng cấp tài khoản, và đặc biệt hơn là sẽ không hề có quảng cáo.

Marius cho biết: "Ngay cả những thứ đơn giản cũng có lỗ hổng bảo mật, thế nên chúng tôi cố gắng hỗ trợ những bản kế hoạch không trả phí bằng tiền quyên góp của người dùng."

Phiên bản thử nghiệm đã có đến 40 nghìn lượt đăng ký, theo như trang web của Eternime cho biết. Nhưng trên thực tế, chỉ có 40 người thực sự sử dụng nó. Bản thử nghiệm cho phép người dùng ghi lại những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của họ.

download

Ghi lại cuộc sống hàng ngày sẽ giúp cho ứng dụng có thể thu thập thông tin của người dùng.

Claudiu Jojatu, một trong những người tham gia trải nghiệm phiên bản này, cũng đã cho biết: "Với tôi, ứng dụng này rất quan trọng và tôi dùng nó để ghi lại hành trình mỗi ngày của mình. Tôi đã đăng tải rất nhiều dữ liệu về ngày hôm nay của mình trông ra sao và tôi đã cảm nhận như thế nào về nó. Và cũng thật tuyệt khi nó có thể đồng bộ hóa với tài khoản Facebook của tôi và hình ảnh trong điện thoại của tôi nữa."

Anh còn cho biết Eternime trông giống như một bản ngã kỹ thuật số của con người. Mặc dù Eternime vẫn chỉ còn đang là bản thử nghiệm, song Jojatu cũng đã rất trông đợi vào ứng dụng này. Anh cho biết: "99% kí ức của chúng ta sẽ mất đi, và sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có cách để lưu giữ chúng."

Bạn muốn được ghi nhớ đến thế nào?

Những suy nghĩ tương tự cũng đã ập đến với Eugenia Kuyda khi người bạn thân nhất của cô, Roman Mazurenko, qua đời trong một tai nạn vào năm 2015. Anh chàng lúc này chỉ mới 32 tuổi. Vì quá nhớ thương người bạn quá cố, Kuyda đã tạo ra một chatbot mô phỏng anh chàng.

Kuyda chia sẻ: "Roman là người bạn thân thiết nhất và đặc biệt nhất với tôi. Tôi muốn kể những câu chuyện về anh ấy cũng như nói với anh ấy những chuyện trước đây chưa thể nói. Tôi đã gom 10 nghìn tin nhắn của anh ấy lại. Cùng với kỹ thuật viên AI của team chúng tôi, Artem, chúng tôi đã tạo ra một chatbot mô phỏng y hệt cách nói chuyện của Roman."

5be56b9d3815070815320316 960 720

Eugenia Kuyda và Roman Mazurenko.

Nhờ vào Roman, Replika ra đời. Replika là một ứng dụng chatbot dựa trên công nghệ AI. Ứng dụng này có đến 200 nghìn người dùng, cùng với 11 triệu USD tiền đầu tư của những nhà tài trợ, gồm Y Combinator và All Turtles. Ngay cả Ursache cũng cho rằng ứng dụng này chính là đối thủ nặng ký với Eternime.

Vốn dĩ, Roman được tạo ra nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân, nhưng Kuyda cũng cho biết, việc xây dựng nên những chatbot như thế này cũng kéo theo rất nhiều thử thách khác.

Mối nguy hại của sự bất tử

Vấn đề đạo đức luôn là trở ngại đối với việc tạo ra sự bất tử. Nhà nghiên cứu Carl Öhman của Viện Internet Oxford, đã tìm ra những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau việc bất tử và đề cập đến Eternime và Replika.

Ông chia sẻ: "Vấn đề nằm ở việc nâng cấp phần mềm." Nếu như bạn vĩnh viễn đăng nhập vào một chatbot, bạn sẽ không có khả năng cấp phần mềm nhằm thay đổi cách vận hành của bot sau khi bạn chết. Carl còn cảnh báo thêm rằng, các thuật toán của những ứng dụng này cũng sẽ vận hành theo cách không thể báo trước.

vlcsnap 2013 02 16 15h58m57s22

Black Mirror cũng đã phản ánh mặt trái của việc cố gắng mang người đã chết trở lại ở một phiên bản khác.

"Hãy nhìn vào Tay chatbot của Microsoft làm ví dụ. Ứng dụng này đã biến thành một kẻ phân biệt chủng tộc, chối bỏ nạn diệt chủng Holocaust.

Làm sao có thể đảm bảo được những chuyện này sẽ không xảy ra với những ứng dụng mô phỏng người thật cơ chứ?"

Ursache cũng thừa nhận rằng, những chatbots này cũng đã dấy lên hàng loạt những câu hỏi về mặt đạo đức.

Vấn đề với những người ở lại

Một câu hỏi nữa xoay quanh Eternime chính là việc liệu có ổn không nếu để cho những người còn sống trò chuyện với những người thân yêu đã qua đời?

Mark Alhermizi, CEO của Everydays, cũng đã tạo ra một mạng xã hội khi con người qua đời. Trang mạng xã hội này sẽ giúp thông báo rằng có những ai đã qua đời, cũng như được xây dựng trên nền tảng nhà tang lễ sau này.

Alhermizi cho rằng bản thân có cảm giác tích cực với những ứng dụng tương tác với người đã mất, thế nhưng với Eternime thì khác. Ông cho biết: "Vấn đề ở đây chính là bạn sẽ mắc kẹt trong thực tế sai trái." Giống như tập phim Be Right Back của Black Mirror, một người phụ nữ đã cố gắng hồi sinh lại người chồng đã mất bằng cách tạo ra anh ta bằng dữ liệu, tuy nhiên sự thật lại hóa ra phũ phàng khi người chồng trở nên khác trước rất nhiều.

Tuy nhiên, ông không hề lo ngại những việc này sẽ xảy đến trong tương lai gần, vì công nghệ AI vẫn chưa đủ tân tiến để có thể tạo ra một phiên bản có thể bắt chước giống hệt người thật.

bm be right back

Be Right Back chính là ví dụ cho hậu quả của việc đưa một người đã chết trở về.

"Thế nhưng nếu như một ngày nào đó, nó trở nên đủ tiên tiến, thì tôi sẽ cảm thấy rất lo ngại cho những người sử dụng nó.

Trừ những vấn đề liên quan đến đạo đức, sẽ không hay nếu cứ mãi quyến luyến những người đã chết như thế, cũng như mắc kẹt vào thực tế sai trái. Bạn không chỉ có đau buồn, mà còn phải tồn tại với sự sống của họ."

Ursache cho biết ông đã làm việc với các nhà tâm lý học để tạo ra Eternime, song vẫn không thể nhìn thấy trước được những rủi ro có thể xảy đến, ví dụ như việc mọi người thường cách ly nhau vì họ đã lún sâu vào những chatbot này.

Dù là vậy, ông vẫn khẳng định rằng Eternime vẫn là một ứng dụng có ích. Nhiều người cũng đã chia sẻ rằng những ứng dụng này làm họ có cảm giác như mình có thêm những người bạn tưởng tượng và điều này sẽ khiến họ cảm thấy được an ủi hơn.

Sau cùng, cả Ursache và Alhermizi đều nghĩ rằng công nghệ vẫn nên tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm chỉnh nhất có thể và đây chính là một phần của cuộc sống con người mà công nghệ không thể chạm đến.

Carl Öhman cũng đã cho biết rằng quy định cần phải được đặt ra trước khi công nghệ số thực sự can thiệp sâu vào cuộc sống con người sau khi họ qua đời.

"Với tư cách là một xã hội, chúng ta hãy nên suy nghĩ thấu đáo trước khi chúng ta để dòng chảy tự nhiên trở thành một thị trường thiếu sự kiểm soát chặt chẽ."

Chúng ta có thể đang tiến gần hơn với việc khiến những cuộc nói chuyện cùng người chết trở nên khả thi. Song, đằng sau phép màu thời công nghệ này lại vẫn còn đó những rủi ro mà con người khó có thể lường trước được.

Theo: B.I.
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.