• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Hàm lượng dinh dưỡng trong trái cây và rau củ đang giảm dần

Cuộc sống

Bằng mắt thường, chúng ta sẽ không thể phân biệt được đâu là bó rau chứa nhiều hay ít chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo kết quả của nhiều nghiên cứu, trái cây, rau củ và ngũ cốc được trồng ngày nay chứa ít protein, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B2 và vitamin C hơn so với những thập kỷ trước.

Nguyên nhân của vấn đề này được xác định là do quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại giúp tăng năng xuất cây trồng nhưng lại làm giảm chất lượng đất.  

Các phương pháp tưới tiêu, bón phân hay xới đất đều gây ra những xáo trộn, phá vỡ hệ thống ngầm của nấm và vi sinh vật trong đất.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu và sự gia tăng mức carbon dioxide trong bầu khí quyển, khiến lượng khí oxy hòa tan trong đất giảm đi cũng là nguyên nhân cản trở hoạt động của hệ thống. Trong khi đó, sự hoạt động này lại tạo ra nguồn dinh dưỡng tự nhiên chính, đảm bảo đất khỏe mạnh.  

Một trong những nhiên cứu tiêu biểu, thu hút nhiều chú ý nhất về vấn đề này, đã được công bố trên tạp chí Journal of the American College of Nutrition vào tháng 12 năm 2004, cho biết: so với dữ liệu dinh dưỡng được USDA công bố vào năm 1950 và 1999, có 13 nhóm chất trên 43 loại cây trồng vào thời điểm năm 2004 mang giá trị dinh dưỡng thấp hơn. Chẳng hạn như lượng canxi được nhận thấy đã giảm đáng kể trong bông cải xanh, cải xoăn và cải mù tạt. Chất sắt giảm ở dưa chuột và củ cải xanh. Hoặc vitamin C đối với măng tây, cải thìa và cải bẹ.

Mức độ suy giảm khác nhau tùy thuộc vào từng thành phần chất cụ thể có trong rau củ. Thông thường dao động từ 6% (đối với protein) đến 38% (đối với vitamin B2).

Các nghiên cứu sâu hơn sau này cũng cho kết quả tương tự. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Foods vào tháng 1 năm 2022, trong khi phần lớn các loại rau củ được trồng ở Úc vẫn còn duy trì mức độ dinh dưỡng xấp xỉ bằng những năm 1980, thì có những loại đã mất đi hàm lượng đáng kể một số chất nhất định. Cụ thể, hàm lượng sắt đã giảm khoảng 30 – 50% ở ngô ngọt, khoai tây vỏ đỏ, súp lơ, đậu xanh, đỗ đũa và đậu gà.

Ngũ cốc cũng không ngoại lệ khi nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports năm 2020 cho thấy, hàm lượng protein trong lúa mì đã giảm 23% kể từ năm 1955 đến 2016. Tương tự cả với hàm lượng mangan, sắt, kẽm và magie.

Các nhà khoa học cho biết đây là một vấn đề đặc biệt nổi bật, vì càng ngày có càng nhiều người theo đuổi chế độ ăn ưu tiên thực vật. Nếu không có phương pháp cân bằng dinh dưỡng kịp thời, có thể chế độ ăn này không chỉ không healthy mà còn gây suy giảm sức khỏe cộng đồng.

Thực phẩm chứa ít chất dinh dưỡng hơn cũng đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta sẽ có ít dưỡng chất cần thiết để chống trọi với bệnh tật. Chưa kể trong nhiều loại thực vật còn có thành phần hoạt động như thuốc phòng ngừa và chữa bệnh.

Ngay cả những người ăn theo chế độ thông thường, có thịt và các sản phẩm nguồn gốc động vật cũng ít nhiều bị ảnh hưởng theo cách gián tiếp, do động vật cũng ăn các loại rau củ và ngũ cốc ít dinh dưỡng hơn.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.