• Về đầu trang
Một Sừng
Một Sừng

Hàng nghìn người Nhật Bản 'bốc hơi' khỏi thế gian vì áp lực cuộc sống

Cuộc sống

Johatsu - tên gọi những con người tại Nhật Bản vì lý do cá nhân mà muốn được "bốc hơi" khỏi thế gian này.

Gục ngã vì công việc thất bại, vì quan hệ hôn nhân hay nợ nần chồng chất, hàng nghìn người dân Nhật Bản đã từ bỏ danh tính thật của mình để bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới ngầm, tách biệt với xã hội.

Đó là trích đoạn của cuốn sách vừa được xuất bản gần đây mang tên The Vanished: The 'Evaporated People' Of Japan In Stories And Photographs được viết bởi cặp đôi nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia người Pháp Léna Mauger và Stéphane Remael. Cuốn sách miêu tả hành trình của những con người chạy trốn khỏi xã hội hiện đại để tìm kiếm sự yên ổn cho bản thân.

nguoi boc hoi 1

Cuốn sách viết về những người trốn chạy và biến mất tại Nhật Bản.

Trong chuyến hành trình kéo dài 5 năm bắt đầu vào 2008, Mauger và Remael đã đi khắp nước Nhật với mục đích có được sự tin tưởng từ người dân địa phương và tìm hiểu sự việc. Họ cũng gặp được gia đình của những người mất tích: cha mẹ, góa phụ, và cả trẻ con. Hiện không tồn tại dữ liệu chính thức nào của chính phủ về các vụ việc, nhưng theo khảo sát của Mauger và Remael, có hơn 100 nghìn người “bốc hơi” mỗi năm.

nguoi boc hoi 4

Bỗng dưng một ngày bạn thức giấc và người thân của bạn đã hoàn toàn "biến mất", thử hỏi điều đó có đáng sợ không?

Trên thực tế, không ai trong số những người này thật sự “bốc hơi” về mặt thể chất; “bốc hơi” ở đây ám chỉ sự biến mất của một người trên phương diện hành chính, giấy tờ. Tương tự như Chương trình Bảo vệ Nhân chứng của Hoa Kỳ, johatsu thay đổi tên, địa chỉ và quan hệ kinh doanh của họ. Về cơ bản, những chứng cứ liên quan đến sự tồn tại của họ sẽ được xóa sạch.

nguoi boc hoi 5

Johatsu hoàn toàn được xoá sạch mọi chứng cứ về cuộc sống cũ của họ và có một danh tính mới.

Ở hầu hết các quốc gia, để làm được việc này là vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Public Radio International (PRI), việc tẩu thoát ở Nhật Bản lại dễ dàng đến đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân nằm ở luật riêng tư của chính phủ Nhật cung cấp cho người dân quyền tự do trong việc giữ bí mật về thông tin nơi cư trú. Chỉ riêng trong trường hợp hình sự, cảnh sát mới có thể khai thác dữ liệu cá nhân của họ.

nguoi boc hoi 8

Người Nhật Bản có thể dễ dàng tìm việc lao động chân tay tại Sanya (Tokyo).

Như Mauger từng trả lời tờ báo New York Post vào tháng 12, hành vi chạy trốn xuất phát từ áp lực của người dân Nhật Bản để cứu vớt danh dự của chính mình.

“Hành động này được coi là cấm kỵ,” Mauger chia sẻ. “Johatsu là điều bạn không được phép nhắc đến. Thế nhưng mọi người vẫn tiếp tục biến mất vì có một cộng đồng kín ẩn dưới xã hội Nhật, và sẽ luôn có cách để tồn tại sau khi ra đi".

nguoi boc hoi 2

Khu ăn chơi ở Kabukicho (Tokyo) là một trong những địa điểm cư trú được biết đến của những người “bốc hơi”.

Các trường hợp johatsu dường như đã xuất hiện vào cuối thập niên 1960, được biết đến rộng rãi bởi một bộ phim có tên là A Man Vanishes năm 1967, trong đó một người đàn ông đột ngột bỏ lại công việc và vị hôn thê của mình để trốn chạy. “Trong những năm 1970, có số lượng lớn nông dân, công nhân trẻ bỏ trốn để thoát khỏi công việc vất vả ở các thành phố lớn”, phát biểu của Hikaru Yamagishi, chuyên gia chính trị tại Yale.

nguoi boc hoi 3

Mikio là một trong những người bỏ trốn hiếm hoi đã đồng ý chụp ảnh.

Một người đàn ông Mauger và Remael gặp nói rằng công việc của anh ta là vận chuyển những người bỏ trốn đến các thị trấn và thành phố xa xôi trong những năm 1990. Những người như anh tự gọi mình là "người vận chuyển". Công việc của họ là đưa khách hàng đến cư trú tại một địa điểm mới mà không bị tiết lộ. Theo PRI, những năm 90 là thời điểm bùng nổ cho những hoạt động ngầm như vậy. Nguyên nhân nằm ở cuộc khủng hoảng kinh tế, khiến nhiều người mong muốn tìm kiếm một lối thoát cho bản thân.

nguoi boc hoi 6

Trong một thị trường khắc nghiệt như Nhật Bản, con người thường mang trên mình gánh nặng lớn.

"Đó tưởng chừng là một điều điên rồ, nhưng hoạt động “bốc hơi” đã trở thành hình thức kinh doanh tại thời điểm bấy giờ". Mauger trả lời trong cuộc phỏng vấn với PRI.

Cuốn sách của Mauger và Remael cũng viết về những người thân bị bỏ lại. Hầu như người nhà của các johatsu đều ám ảnh vì sự việc. “Chúng tôi chỉ mong được nghe giọng của con, nó không cần phải quay trở về. Nếu nó cần tiền, chúng tôi sẵn sàng chi trả!” - Những câu nói gây nhói lòng người đọc.

Nguyên nhân của việc bỏ trốn cũng dễ hiểu ở một đất nước như Nhật Bản với nền văn hóa tương đối hà khắc cũng như yêu cầu cao trong công việc.

Điển hình như khái niệm karoshi, dùng để chỉ tình trạng tử vong mà nguyên nhân nằm ở cách làm việc quá sức của người Nhật. Báo cáo vào tháng 10 năm ngoái cho thấy hơn 2.000 người trong 10.000 người được khảo sát nói rằng họ làm tăng ca ít nhất 80 tiếng đồng hồ mỗi tháng. Một nửa số người được khảo sát đã ngưng việc đi du lịch nghỉ dưỡng.

nguoi boc hoi 7

Vách đá Tojinbo ở Nhật Bản là một địa danh nổi tiếng vì có số người tự tử cao.

Nhìn chung, hiện tượng “bốc hơi” ở Nhật Bản vẫn diễn ra và chưa có sự can thiệp sâu từ phía chính quyền.

Theo: Business Insider
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.