• Về đầu trang
Cá Hồi Nuôi
Cá Hồi Nuôi

'Hiệu ứng Cheerleader': Bạn trông sẽ đẹp hơn khi đứng cùng một nhóm?

Cuộc sống

Nếu là fan của series đình đám How I Met Your Mother, hẳn bạn đã nghe qua về hiệu ứng này. Trong tập phim Not a Father's Day, Barney Stinson chỉ ra rằng các cô gái trong quán bar đứng chung với nhau thì trông hấp dẫn, nhưng khi tách riêng ra mà đánh giá lại xấu hơn, đương nhiên là theo cách trào phúng.

Thứ mà Barney nhắc tới năm 2008 đã được nghiên cứu từ 2003, với tên gọi Hiệu ứng Cheerleader (Hiệu ứng đội cổ vũ). Nghiên cứu được đăng tải trên Psychological Science, tác giả đề tài là Walker và Vul từ Đại học California, đã thực hiện 5 thí nghiệm để kiểm chứng thuyết này.

Trong thí nghiệm, 130 người tham gia sẽ được xem hình của cả nam và nữ. Mỗi tấm ảnh có 3 nam và 3 nữ, sau đó người trong ảnh được cắt ra để đánh giá riêng một lần nữa. Kết quả cho thấy người trong hình được đánh giá mức điểm cao hơn khi ở trong hình chụp nhóm.

Giải thích hiện tượng

Ấn tượng về mối quan hệ xã hội của người chấm điểm dành cho người trong ảnh cũng là một lý do. Để kiểm chứng, nhóm không cho người tham gia xem ảnh chụp chung nữa mà chỉ đơn thuần ghép các bức ảnh riêng lẻ lại để họ chấm điểm. Từ đó cho thấy, nếu bạn ở trong một nhóm bạn, người ta sẽ có ấn tượng bạn là người hòa đồng, có trí thông minh cảm xúc, điều đó vô tình khiến bạn "đẹp" hơn.

Từ các cô gái...
...cho tới chàng trai, lại còn yêu chó nữa.

Ngoài ra, cách não bộ hoạt động cũng góp phần tạo hiệu ứng cheerleader. Vốn dĩ não con người không có xu hướng nhìn vào chi tiết ngay từ đầu mà sẽ tóm tắt thông tin phổ quát. Đây là lợi thế tiến hóa giúp tăng khả năng sống sót nhờ giảm tải gánh nặng diễn giải hình ảnh. Hiệu ứng tri giác này thể hiện rõ qua ảo ảnh Ebbinghaus.

Bạn có thấy chứ? Vòng tròn trung tâm chỉ có một kích cỡ bằng nhau nhưng thông tin xung quanh (các vòng tròn bao quanh) đã thay đổi nhận thức của chúng ta về kích cỡ vòng tròn trung tâm. Ở đây thay vì tập trung vào đặc điểm riêng lẻ của vòng tròn trung tâm, nhận thức của chúng ta bị thay đổi bởi thông tin về một nhóm vòng tròn. Cái này gọi là xử lý thông tin từ trên xuống, tức thông tin toàn thể được xử lý trước khi tính đến thông tin riêng lẻ. Đó cũng là cơ chế của hiệu ứng cheerleader.

Chúng ta hay nói "Cô này nhìn từng nét không đặc biệt, nhưng tựu chung lại gương mặt hài hòa". Đó là cách não làm việc, nó chia trung bình mọi thứ. Khi nhìn vào một nhóm, não ta tự động chia các khuyết điểm, biểu cảm, kích cỡ tựu về một nhóm trung bình.

Tuy nhiên, nghiên cứu này còn cần được mở rộng và cải tiến thêm. Bởi khi thí nghiệm đã thất bại khi thực hiện ở Nhật. Thế nên yếu tố văn hóa có thể là một yếu tố tác động.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.