• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc đang khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản phải điều trị tâm lý

Cuộc sống

Theo một báo cáo của chính phủ Nhật Bản công bố hồi đầu tháng này, họ cho biết có đến 1/3 trong số khoảng 1000 phụ nữ đang phải điều trị các vấn đề tâm lý do các hành vi quấy rối, tấn công, bắt nạt của cấp trên tại nơi làm việc.

Nhật Bản là quốc gia có các công ty phân cấp rõ ràng và văn hoá tự phụ. Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực để thực hiện các bước giải quyết vấn đề trên bằng cách đưa ra luật lệ đặc biệt để loại bỏ sự quấy rối và bắt nạt tại nơi làm việc, họ cũng khuyến khích các công ty đưa ra những quy định riêng để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, tiến trình vẫn còn chậm.

Nhân viên văn phòng có tên Kayako đã kể lại những chuyện mình bị bắt nạt tại nơi làm việc, cô không bị một cấp trên nam quấy rối mà những vấn đề tâm lý của cô được gây ra bởi một sếp nữ.

Cô ta chuyển đến bộ phận của tôi từ một bộ phận khác và rõ ràng là cô ấy khá ghét tôi.

Cô ấy thường xuyên ra lệnh cho tôi làm rất nhiều công việc lặt vặt, ngay cả khi đó không phải là việc của tôi hoặc cô ta không có thẩm quyền để ra lệnh. Vị sếp nữ này còn thường xuyên chỉ trích công việc của tôi. Mọi thứ trở nên rất tồi tệ, tôi thường tan làm và khóc trên đường về nhà.

Ở những công ty tín dụng, bầu không khí nơi làm việc thường rất khó khăn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ đến mức cần phải đi tư vấn tâm lý và tôi đã quyết định xin nghỉ việc.

Trong một vụ kiện được đệ trình tại Toà án quận Osaka vào tháng 4 năm nay, bố mẹ của một phụ nữ 30 tuổi cho rằng con gái mình thường run bần bật, mất cảm giác ngon miệng và được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm do bị quấy rối tại nơi làm việc.

Nạn nhân trong vụ kiện này là Miki Tsushima, cô kể lại rằng đôi khi cấp trên bắt cô phải làm việc tại văn phòng sau nửa đêm, người này còn thường xuyên quấy rối cô bằng lời nói. Cô đã phải nghỉ việc và đã được điều trị tâm thần. Tuy nhiên, Miki Tsushima đã không thể vượt qua ám ảnh, cô tự sát vào tháng 1/2016.

Bố mẹ của Miki Tsushima rất đau lòng và mong muốn kiện cấp trên độc ác đã đẩy con gái mình đến cái chết. Họ đang đòi bồi thường 88 triệu yên (tương đương hơn 18,8 tỷ VNĐ).

Vụ kiện cũng giúp điều tra ra thêm ít nhất 5 nhân viên khác trước đây đã từ chức vì lý do tương tự.

Phó nghiên cứu cao cấp chuyên về luật lao động tại Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản, bà Shino Naito, cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các cáo buộc về bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc.

Những luật lệ loại bỏ quấy rối tại nơi làm việc có tiến độ rất chậm là vì sự thiếu hiểu biết về quyền con người ở Nhật Bản. Mức độ quấy rối tại văn phòng không gia tăng, chỉ là trước đây do phụ nữ đã nhẫn nhịn không tố cáo, sự gia tăng các cáo buộc là vì họ bắt đầu nhận thức được những hàng động này khiến họ gặp vấn đề lớn trong sức khoẻ tâm lý.

Naito cũng giải thích rằng Nhật Bản sẽ thông qua một đạo luật về vấn đề này vào đầu năm tới. Nhưng luật được thông qua vào năm 1997 đã không thể mang lại kết quả tốt thì con đường chấm dứt nạn bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc vẫn là một con đường rất dài.

Luật pháp đã có hiệu lực từ hơn hai thập kỷ trước, nhưng nó không có nhiều tác động trong thực tế. Chúng tôi vẫn thấy rất nhiều trường hợp bị quấy rối nhưng không tố cáo, cụ thể chỉ có 0,9% các trường hợp là được báo cáo.

Trong một số trường hợp, đàn ông không nhận ra mình đang bắt nạt hoặc quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc. Nữ nhân viên văn phòng Mitch Nakabayashi đã kể rằng một số đồng nghiệp nam thấy cô độc thân và thường cố gán ghép cô với một đồng nghiệp độc thân khác một cách thiếu tế nhị.

Cô cũng kể rằng các đồng nghiệp này đang cố gắng trở nên tử tế nhưng điều đó khiến cô rất bực bội. Đôi khi họ còn đưa ra những nhận xét ngoại hình rất thiếu tinh tế về cách ăn mặc hoặc trang điểm của cô.

Phụ nữ Nhật Bản phải tự phát triển khả năng chống đỡ những lời miệt thị, quấy rối và bắt nạt của đồng nghiệp nam và cấp trên nhưng đây không phải là giải pháp hợp lý. Điều quan trọng là các công ty phải tự đưa ra những cách vận hành mới để giảm thiểu vấn đề này.

Phụ nữ tại Nhật Bản cũng rất sợ mất việc nên họ thường đồng ý sống cùng sự bắt nạt này cho đến khi bản thân không thể chịu nổi nữa. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ quả nghiêm trọng như họ sẽ mắc bệnh tâm lý, thậm chí là tự kết liễu mạng sống của mình.

Theo: South China Morning Post
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.