• Về đầu trang
Quang Niên 光年
Quang Niên 光年

Học sinh trung học: Những 'con rùa' đội cả giấc mơ tương lai của gia đình

Cuộc sống

Để làm vui lòng cha mẹ và dọn đường cho tương lai, rất nhiều bạn học sinh đã phải đối mặt với vô vàn áp lực. Áp lực điểm số cao, áp lực thành tích tốt, áp lực đậu vào những trường danh tiếng,... vô tình trở thành một cơn ác mộng ám ảnh các bạn suốt thời gian đẹp nhất của đời người.

“Em vừa giải xong các đề bài của cô giao để ngày mai kiểm tra, em chỉ có thể nói chuyện với anh trong 10 phút thôi, em còn phải ăn cơm rồi đi ngủ nữa”

Đạt, học sinh lớp 12 tại một trường chuyên trên địa bàn Quận 1, TP. HCM, trả lời câu hỏi của chúng tôi khi đồng hồ đã gần điểm 12 giờ đêm.

“Em thức dậy lúc 5 giờ sáng và tranh thủ học bài đến 6 giờ thì ba chở đi học. Sau khi học hai ca sáng chiều ở trường thì em học phụ đạo tại trường, lớp do các thầy cô trong trường mở và dạy. Em học thêm Toán và Hóa vào 7 giờ tối vì ngành học của em ở đại học cần có hai môn này. Thứ hai, thứ tư và thứ sáu lúc 9 giờ tối em học Anh văn. Từ sau Tết, em chưa về nhà sớm hơn giờ này,” Đạt kể nhanh gọn rồi kết thúc cuộc trò chuyện.

Thời khóa biểu dày đặc

33674950 2079021799054269 6399900810372710400 n

Không chỉ có Đạt với lịch học dày hơn lịch diễn của sao hạng A. Tìm đến Nhi, một nữ sinh ở trường chuyên tại Quận 5, Nhi chia sẻ đã gần như kiệt quệ trước hàng chục tiết học mỗi ngày và lượng kiến thức phải nạp vào não.

“Em có cảm giác như mình là một nghệ sĩ khi được ba đón rước và chở đi học liên tục, nhiều lúc em không thể nhớ hết những môn cần học trong ngày. Ba em theo dõi thời khóa biểu và lịch học thêm để nhắc nhở em học bài và đưa rước đến tận nơi tận chỗ,” Nhi chia sẻ.

Mới tuần trước đó, Nhi đã ngất xỉu trên lớp học do vội vã đi học mà không ăn sáng. Thật khó tin được rằng, trước khi bắt đầu giờ học trên lớp, cô bạn này đã phải tranh thủ học một lớp học thêm tại nhà riêng của cô giáo để củng cố lại kiến thức. Sau khi được phòng y tế trường cho uống sữa, Nhi lại tiếp tục lao vào guồng quay tri thức khổng lồ.

Phú, đang học lớp 10 ở một trường THPT có tiếng ở thành phố, tuy còn lâu mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhưng cậu bạn đã sớm gánh chịu những áp lực vô hình mà cha mẹ đặt lên đôi vai nhỏ bé.

“Suốt 9 năm liền em luôn đứng nhất lớp, em chưa bao giờ phải đứng hạng hai và luôn có khoảng cách rất xa trong điểm trung bình so với bạn đứng nhì. Nhưng năm nay em học thật sự rất tệ, em đã mất gốc môn Toán và liên tục có điểm dưới trung bình. Từ sau thi học kỳ 1, em phải đi học thêm đến 2 giáo viên cho một môn học để gỡ điểm trên lớp và tiếp tục đứng nhất như mong muốn của ba mẹ,” Phú nghẹn ngào.

Thật không khó để bắt gặp hình ảnh những cô cậu bé ở lứa tuổi trung học, ngồi tựa đầu vào lưng cha mẹ đánh một giấc ngắn trên đường đến chỗ học thêm, hoặc cầm ổ bánh mì ăn vội khi kết thúc ngày học kéo dài hơn gấp đôi thời gian làm việc của người lớn.

Từ bỏ đam mê

33691156 2079021812387601 3762084454407864320 n

Áp lực học tập không chỉ ngừng lại ở việc học quá nhiều, không còn thời gian giải trí hay nghỉ ngơi, mà nó còn hiện hữu ở nhiều mặt khác. Liên hệ với Tuấn, một cậu học sinh sống ở Bình Định sắp tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, chia sẻ câu chuyện phải từ bỏ đam mê của mình.

“Mình có niềm đam mê lớn với lập trình, mình đã viết được một số phần mềm trong suốt thời gian học cấp 3 và ấp ủ sẽ học công nghệ thông tin ở Sài Gòn. Nhưng gia đình không muốn mình học ngành này, khuyên mình học sư phạm để không mất học phí và cơ hội việc làm cao hơn.

Vì hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, học phí và tiền sinh hoạt ở Sài Gòn lại rất cao, nên mình đã quyết định theo ngành sư phạm để đỡ một phần gánh nặng cho gia đình. Bây giờ mình phải tập trung vào học Anh văn và Ngữ văn, trong khi mình không có năng khiếu ở hai môn này,” Tuấn tâm sự.

Cũng tương tự như Tuấn, Trâm là một cô bạn có sở thích du lịch và mong muốn được học ngành này để thỏa niềm ham muốn xê dịch. Nhưng vì gia đình không thể lo học phí nên Trâm đành gác lại đó mà đi theo con đường trở thành một bác sĩ.

“Áp lực học hành thì ai mà không có. Nhưng Trâm nhìn các bạn mà đôi lúc phải ghen tị. Các bạn học nhiều nhưng có mục đích ở phía trước để phấn đấu. Trâm ngày nào cũng học từ sáng đến tối nhưng rất chán nản vì không biết mình phải cố gắng vì điều gì, nhiều lúc muốn buông bỏ nhưng nhìn cha mẹ cực khổ, phải miễn cưỡng mà học”, cô bạn chia sẻ.

Dang dở mối tình đầu

33691368 2079021825720933 2644471777157185536 n

Ai sống trên đời mà không một lần yêu. Tuổi trẻ nồng nhiệt luôn mong muốn có một tình yêu cháy bỏng đầu đời. Mài đũng quần trên ghế trung học, rất nhiều mối tình trong sáng hồn nhiên chớm nở, để rồi cũng vội tàn lụi vì áp lực học hành.

Sơn và Hạnh là một cặp rất đẹp đôi của một trường chuyên ở Quận Bình Thạnh. Hai bạn bắt đầu tìm hiểu nhau từ giữa lớp 10 và trải qua nhiều kỷ niệm đẹp với nhau. Thế nhưng lên năm học lớp 12, chuyện tình cảm của hai bạn không còn êm đềm như trước.

“Nhỏ Hạnh lớp em học giỏi lắm, bố nó muốn nó học Ngoại thương, nên cho nó học thêm nhiều thầy cô lắm. Bây giờ nhà nó quản lý nó nghiêm khắc, không cho nó đi chơi nữa. Hồi đó hay đi với nhóm tụi em, bây giờ chỉ thấy nó học thôi. Em cũng nghe nói chuyện của nó với Sơn kết thúc rồi”, một bạn chung lớp với Hạnh cho biết.

Được biết, vì mong muốn con mình tập trung cho việc học. Gia đình hai bên đã gây áp lực khiến cả Sơn và Hạnh phải tạm ngừng qua lại với nhau. Hai bạn cũng hiểu hoàn cảnh cho nhau nhưng luôn bị áp lực đè nặng, mối tình đầu đời đẹp như mơ phải kết thúc dang dở.

Cũng tương tự như vậy, Khang, một cậu bạn đang học ở trường THPT tại Quận 10, cho biết đã từng nghĩ đến việc tự tử khi phải học quá nhiều và chia tay bạn gái.

“Còn nhớ rõ ngày hôm đó, bạn gái em nói lời chia tay vì muốn tập trung học để thi tốt. Em rất buồn nhưng vì nghĩ cho hoàn cảnh nên không trách. Sau đó chính em cũng bị ba mẹ ép học ngày đêm. Một ngày em học từ sáng đến tối, cộng thêm chuyện buồn từ mối tình cũ, em từng muốn chấm dứt cuộc sống để được thanh thản”.

Đêm thấy con mơ ngủ học bài

33665900 2079021802387602 2702596832294338560 n

Cô Thúy là phụ huynh có con theo học tại một trường chuyên trên địa bàn Quận 5, cũng rất đồng cảm với áp lực học tập của các em học sinh ngày nay. Chính cô cũng ý thức được điều này nhưng cô chia sẻ thật tình không làm gì khác được.

“Con của cô học cũng bình thường, không thật sự xuất sắc. Nhưng vì nó muốn học Y dược nên cô phải cho nó học nhiều hơn chút, vì ngành này lấy điểm cao. Nó là con gái, sức khỏe không được như tụi con trai, thấy ngày nào cũng học trên trường, học ở nhà thầy cô, rồi học bài buổi tối ở nhà, cô cũng thấy xót".

Có mấy hôm nó phải thức khuya học bài để chuẩn bị cho buổi học trên lớp, cô lén đi vào để xem, thì thấy nó ngủ gục trên bàn từ lúc nào. Định đánh thức nó thì nghe nó nói mớ nội dung bài học. Thấy thương con bé lắm, nhưng chỉ còn một tháng nữa thôi”, cô Thúy chia sẻ trong nước mắt.

Học tập và tiếp thu kiến thức là một điều đáng quý, ai cũng có quyền được học tập. Thế nhưng, việc ép con cái phải học đến mức không còn chút thời gian cho nghỉ ngơi giải trí, đã tạo nên bóng ma vô hình ám ảnh các em. Rất nhiều bạn trẻ không xác định được hướng đi cho tương lai và bế tắc với guồng quay hiện tại, đã bị con quái vật này chèn ép đến mức xuất hiện những ý tưởng tiêu cực.

Học nhiều thứ tiếng làm gì trong khi không hiểu được tiếng lòng của nhau, khi không thể nói ra thứ tiếng nào cho người khác biết những gì mình đang chịu đựng, khi không hiểu được chính cơ thể mình mong muốn điều gì. Học tập là để sống vui sống khỏe, không phải để tuyệt vọng và đi vào ngõ cụt.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.