• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Nghề đan lát truyền thống – nét đẹp cần lưu giữ của văn hóa Việt

Cuộc sống

Không ai biết chính xác nghề đan lát xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng hình ảnh những người dân quê chân đất, quần xắn ngồi cặm cụi vót từng nan tre, đan từng chiếc rổ đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt qua bao đời nay.  

Ảnh: Pinterest

Cả gia đình từ già đến trẻ, người nào tay khỏe thì chẻ tre, vót nan, lận vành, tay yếu hơn thì gầy, đan, đát, nứt. Thỉnh thoảng hàng xóm cạnh nhau tụm lại vừa làm việc vừa nói cười rôm rả, không lúc nào ngơi tay. Đan cả ngày được vài cái rổ, cái thúng, cái làn, … nhà mình dùng không hết thì lại chất lên chiếc xe đạp, lọc cọc mang ra chợ bán hoặc đổi lấy miếng thịt, gói muối lo cho bữa cơm gia đình.  

Để đan được một cái rổ tre cũng đâu có đơn giản. Phải chọn tre già dài lóng, róc vỏ, bỏ ruột, cưa thành từng đoạn, phơi tái để chống mốc, chống mọt, chẻ lạt, vót nan, rồi mới đan được thành sản phẩm. Nghe thì dễ nhưng nếu không khéo, lực tay không khỏe sẽ không thể tước được những sợi nan mỏng đều chằn chặn.

Ảnh: Pinterest

Đồ đan lát thủ công ngày xưa vừa bền vừa tiện. Nhà nào khá giả thì xách làn tre đi chợ, về nhà có rổ, có sàng rửa rau, rửa cá. Nhà nào kinh tế kém hơn thì chỉ cần một cái thúng, sáng cắp theo bên hông đi chợ thay làn, về nhà làm rổ, dùng xong giặt sạch hong khô mai lại dùng, cả chợ chẳng thấy có bóng dáng của một chiếc túi nylon.

Một chiếc rổ tre nếu được phơi kỹ, chống mối mọt tốt thì có thể dùng tận 20, 30 năm. Thậm chí cả khi hỏng rồi cũng chẳng lãng phí. Rổ rách, thúng rách không đi chợ được thì mang vất ở góc vườn làm đồ đựng rác hay đựng phân bón cho cây. Hỏng nữa thì úp luôn ở gốc cây đợi mục.

Ảnh: VnExpress

Cây tre thì sống khỏe, ở đâu chẳng có. Nguyên cây tre già chặt về đan rổ, chỗ đẹp thì chẻ nan, chỗ xấu thì mang làm củi hoặc tận dụng làm ống múc nước, ống đựng đũa, nhà có trẻ thì cho chúng làm đồ chơi. Cưa tre, vót nan có mùn cũng hót sạch mang đun bếp. Cả một quá trình đan lát bao nhiêu công đoạn không có lấy một giọt hóa chất cũng không hề bỏ phí thứ gì.

Mới chỉ khoảng những năm đầu thế kỉ 21, nghề đan lát vẫn còn rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Thế mà chẳng biết từ bao giờ đồ nhựa xuất hiện thay thế đồ tre để hình ảnh những người lớn trong làng ngồi đan lát dần dần biến mất.

Ảnh: Pinterest

Mặc dù hiện nay có một vài làng nghề mây tre đan nổi tiếng vẫn giữ nghề, thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới nhưng chủ yếu chỉ tập chung vào mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đồ dùng bằng tre đan đã gần như không còn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, kể cả với người dân quê.

Xã hội ngày càng hiện đại cũng đồng nghĩa với việc có những giá trị truyền thống sẽ bị mai một. Nhưng có lẽ trong thâm tâm rất nhiều người vẫn nuôi hi vọng rằng tương lai thế hệ trẻ sẽ yêu lại những sản phẩm mây tre đan, để thúng mủng rổ rá giần sàng tre xuất hiện trong căn bếp của mỗi gia đình thay vì đồ nhựa và cũng để nghề đan lát truyền thống một lần nữa được tái sinh, trở thành nét đẹp vĩnh cửu của văn hóa Việt Nam.  

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.