• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Những câu chuyện đáng sợ phía sau thói quen của người Nhật: Không cắt móng tay lúc nửa đêm, không dùng bút đỏ viết tên người tiếp theo

Cuộc sống

Tương tự như vậy người Nhật cũng có những tập tục và thói quen riêng của mình, những thói quen hoặc tập tục này đôi khi có phần hơi đáng sợ. Nếu bạn là tín đồ phim ảnh hoặc từng đọc manga, xem anime của Nhật, ắt hẳn cũng đã nghe về chúng.

Không cắt móng tay vào buổi tối (yoru ni tsume wo kitte wa ikenai)

Những người lớn tuổi ở Nhật thường dặn con cháu mình không nên cắt móng tay vào buổi tối. Theo quan niệm người Nhật, móng tay cũng có con mắt, nếu cắt móng tay vào buổi tối thì sẽ vô tình cắt mù con mắt ấy, nếu móng tay bị mù sau này khi mọc dài ra nó sẽ trở nên xấu xí.

Có người lại nói bất kì bộ phận nào trên cơ thể đều có linh khí, nếu cắt móng tay vào buổi tối rất dễ thu hút ma quỷ đến tranh cướp phần linh khí này, nếu nhất định muốn cắt buổi tối thì phải dùng chỉ đỏ bọc phần móng tay cắt bỏ lại.

Thậm chí không ít người còn nói rằng cắt móng tay buổi tối sẽ làm suy giảm trí nhớ, nếu cắt móng tay vào tối thứ sáu sẽ bị thất tình.

Khởi nguyên của tập tục này là vì thời xưa, đèn đuốc còn chưa đủ sáng, người Nhật cho rằng những dụng cụ cắt móng có khe hở ở phần đầu nhọn, rất dễ làm các linh hồn ác quỷ thừa cơ tiến vào làm hại người sống.

Tất nhiên là nguyên nhân trên hoàn toàn không hề có căn cứ khoa học nào, nhưng lời khuyên là nếu muốn cắt móng vào ban đêm, tốt nhất bạn vẫn nên làm ở nơi có ánh sáng đầy đủ để tránh làm mình bị thương.

Khi nhìn thấy xe tang phải giấu ngón cái đi (reikyuusha kara oyayubi wo kakusu)

Ở Nhật, khi nhìn thấy hoặc khi đi ngang qua xe tang, người lớn thường bảo với trẻ con rằng nếu không giấu ngón cái của mình đi, chúng hoặc người thân cận với chúng sẽ chết sớm.

Nguyên nhân là vì người Nhật tin rằng linh hồn người chết dù là chết oan ức hay chết bình thản đều sẽ có oán khí, và những oán khí này đều được giữ lại trên xe tang. Nếu không giấu ngón cái đi, linh hồn người chết sẽ thông qua kẽ hở trên móng tay ở ngón cái chui vào trong thân thể làm hại người còn sống hoặc đáng sợ hơn là chiếm lấy thân xác người còn sống để hồi sinh.

Thậm chí có vài người còn giấu ngón tay của mình khi đi ngang qua những khu mộ.

Không được huýt sáo vào buổi tối (yoru no fue subeki de nai)

Khi còn nhỏ hầu hết trẻ con ở Nhật đều thường xuyên huýt sao và xem nó như một trong những hoạt động giải trí. Nếu không biết huýt sáo, rất có thể còn bị bạn bè cười nhạo. Những người huýt sáo giỏi thậm chí có thể ngân nga được cả một bài hát.

Nhưng một khi bị người lớn phát hiện, chúng sẽ bị la rầy và khuyên nhủ rằng không được huýt sáo vào buổi tối. Nguyên nhân thường rất phong phú, có người nói là dễ dụ rắn, dễ dẫn trộm vào nhà, còn có người nói là dễ kêu gọi ma quỷ.

Nguyên nhân là vì ngày xưa ở Nhật bọn trộm cướp hay liên lạc với nhau qua tiếng huýt sáo, những tiếng huýt sáo khác nhau đại diện cho những ý nghĩa khác nhau. Nếu huýt sáo vào buổi tối, bị trộm nghe được, chúng sẽ cho là tối nay có đồng nghiệp làm việc ở nhà đó và sẽ kéo đến chia phần.

Không chỉ thế, theo người Nhật, linh hồn của người chết thường lang thang khắp nơi vào ban đêm, tiếng huýt sáo vang lên đồng nghĩa với lời giục những linh hồn ấy trở về nhà, theo bản năng họ sẽ tụ tập về nơi có tiếng huýt sáo.

Muốn nguyền rủa thì phải đến đền thờ (ushi no kokumairi)

Ở Nhật có một nghi thức thường được diễn ra vào đêm khuya từ khoảng 1-3 giờ sáng ở các đền thờ.

Người thực hiện nguyền rủa sẽ mang theo một con rối làm từ rơm hoặc cỏ đến đền thờ gần mình nhất, khi đến đúng giờ, họ sẽ dùng một cây đinh dài đóng xuyên qua người con rối. Con rối đại diện cho người bị nguyền rủa, nơi nào trên người con rối bị đóng đinh, người bị nguyền sẽ cảm thấy đau đớn ở đó.

Tuy nhiên nghi thức này cũng có một nhược điểm, nếu khi đang tiến hành nguyền rủa mà bị phát hiện, người thực hiện nghi thức sẽ phải hứng chiếu lại chính lời nguyền của mình.

Muốn ước nguyện hay cầu xin đều phải đến đền thờ (ohyakudo mairi)

Ở Nhật nghi thức "ohyakudo mairi" có thể hiểu là nghi thức “hành hương một trăm lần”. Trong quá trình thực hiện nghi thức này, người cầu nguyện phải đi từ cổng đền thờ đến đàn tế một trăm lần, đồng thời ở trong lòng hô to nguyện vọng của mình.

Nếu nguyện vọng trở thành hiện thực, người cầu nguyện phải trả lễ cho đền thờ một thứ gì đó, như tiền tài, vật chất hoặc thường xuyên đến thăm đền thờ tỏ lòng biết ơn.

Những con số và ngày không may mắn (Yakudoshi)

Người Nhật cho rằng, mỗi người khi đến một tuổi nhất định đều sẽ gặp vận hạn trong cả năm đó, tương tự như năm tuổi hoặc sao xấu chiếu mạng. Những thứ này ở Nhật được gọi là “Yakudoshi”.

Ngoại trừ năm không may, người Nhật cũng có những con số không may riêng của mình, họ cho rằng con số 4 cực kì xui xẻo, đó là lý do người Nhật sẽ không bao giờ tặng nhau những món quà có tổng bằng 4, họ sẽ tặng nhiều hơn hoặc bớt đi một món để tạo ra con số khác. Một con số không may khác nữa là số 9, bởi vì số 9 khi đọc lên nghe gần giống như chữ “đau khổ” trong tiếng Nhật, vì thế nó cũng trở thành con số không may trong văn hoá nước này.

Không được đạp lên mép rìa của thảm tatami (tatami no heri funde wa ikenai)

Thảm tatami là một loại thảm truyền thống ở Nhật, người Nhật cho rằng nếu đạp lên mép rìa thảm này sẽ mang tới sự xui xẻo.

Nguyên nhân của chuyện này là vì người Nhật thường thêu tên của các thành viên trong gia đình, gia huy hoặc dấu hiệu riêng của họ lên mép rìa thảm tatami. Vì thế nếu đạp lên phần này, không khác gì đang đạp lên đầu cha mẹ, tổ tiên của mình.

Một nguyên nhân khác nữa là người Nhật cho rằng đạp lên rìa mép là bạn đang đạp lên một nơi “không chính xác”, điều này rất dễ rước lấy tai hoạ.

Hãy giấu rốn của bạn đi (heso wo kakusu)

Ở Nhật có truyền thuyết rằng thần sấm sẽ cắn nuốt rốn của trẻ con.

Vì thế vào những ngày mưa gió, bão táp, khi sấm sét kéo đến, các bậc phụ huynh thường căn dặn con mình phải che kín rốn, bởi vì đó là lúc thần sấm đi thu gặt món ăn yêu thích của mình.

Ngoại trừ lý do tin vào truyền thuyết xa xưa, các bậc cha mẹ còn muốn nhân cơ hội này để ngừa việc con cái mình để lộ bụng khi mưa gió tránh cho chúng bị bệnh.

Khi ngủ không được nằm về hướng bắc (kita muki ni nete wa ikenai)

Trong các tang lễ của người Nhật, họ thường đặt thi thể ngả đầu về hướng bắc, vì thế người Nhật cho rằng, nếu họ ngủ quay đầu về hướng bắc sẽ gặp vận rủi thậm chí là chết.

Tập tục này cũng tương tự như việc người Nhật không bao giờ cắm đũa thẳng vào chén cơm, vì họ cho rằng chỉ có cơm cúng cho người chết mới làm thế.

Tuyệt đối không viết tên người bằng bút đỏ (hito no namae wo akaji de kaite wa ikenai)

Trên các bia mộ, người Nhật thường đùng màu đen để viết tên người chết và dùng màu đỏ để viết tên người thân trong gia đình.

Cũng vì thế việc dùng màu đỏ viết tên người tiếp theo trong danh sách với người Nhật mà nói là điềm xấu, nó không khác gì việc đang trù ẻo người nhà mình.

Đến tận ngày nay dù những tập tục và thói quen mê tín dần được loại bỏ, nhưng việc này đã trở thành một phần trong văn hoá thường ngày và là một lễ tiết bắt buộc. Thậm chí người Nhật sẽ không dùng màu đỏ để viết tên người.

Theo: goody25

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.