• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Những phụ nữ Trung Quốc bị gắn mác ‘gái ế’: Câu chuyện cười ra nước mắt ở thế kỉ 21

Cuộc sống

Cho dù bạn tài giỏi hay xuất chúng đến mức nào, trong suy nghĩ của xã hội, bạn vẫn không thể bằng nam giới.”

Wang Zheng, giáo sư Phụ nữ Học tại Đại học Michigan.
© China Daily

Nhóm phóng viên Vice đã đến Trung Quốc, một quốc gia với nền tự do kinh tế vô tiền khoáng hậu. Từ khi Mao Trạch Đông thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, phụ nữ được trao quyền bình đẳng như nam giới.

Trước đó, khi Cách mạng Dân tộc Dân chủ chưa diễn ra, phụ nữ chỉ được coi như một món đồ, họ phải chịu những hủ tục vô lý và đau đớn như tục bó chân. Cho đến khi Mao Trạch Đông phá vỡ những định kiến thông thường về giới tính và tầng lớp xã hội thời bấy giờ, và tuyên bố rằng phụ nữ là một nửa của thế giới, bình đẳng giới đã được chính thức quy định trong Hiến pháp Trung Quốc.

Tục bó chân ở Trung Quốc. (© Vice)

Dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông, đã có khi không có đủ lực lượng lao động nam giới tham gia xây dựng tổ quốc, nên phụ nữ đã cùng tham gia và được tôn là những “Người đàn bà thép”. Tuy nhiên, ngày nay phong trào nữ quyền ở Trung Quốc lại đang bị kìm hãm. Trong suốt một thập kỷ trở lại đây, những người phụ nữ trên 27 tuổi mà chưa có chồng đều bị cả xã hội gọi bằng một biệt danh xấu xí là Sheng Nu (剩女), có nghĩa là Gái Ế. Vậy tại sao giữa thế kỷ 21 hội nhập và phát triển, địa vị xã hội của phụ nữ ở một cường quốc như Trung Hoa lại bị coi thường đến thế?

Ở Việt Nam, ngày nay tính từ “ế” không còn được sử dụng nhiều với nghĩa miệt thị, chê bai hoặc được sử dụng ít nhiều với nghĩa không quá tiêu cực và thường mang sắc thái đùa giỡn, hài hước. Nhưng ở Trung Quốc thì ngược lại.

Theo trang Baidu Baike, “gái ế”, hay tiếng Trung là “sheng nu” là một trong 171 thuật ngữ tiếng Trung mới được đưa vào Báo cáo về Tình hình Ngôn ngữ ở Trung Quốc (2006), được Bộ Giáo dục Trung Quốc xuất bản năm 2007. “Sheng nu” chỉ  phụ nữ độc thân ở hoặc ngoài độ tuổi kết hôn được xã hội công nhận, ở độ tuổi khoảng 27 trở lên.

Tuy nhiên, trong số những người sinh ra vào những năm 1980, tỷ lệ giữa nam và nữ ở độ tuổi được coi là “gái ế” là 136/100. Do đó, đúng ra phải là “trai ế” chứ không phải “gái ế”.

Một phiên chợ mai mối ở Bắc Kinh (© Vice)

Nhiều phụ huynh Trung Quốc rất lo sợ con gái mình “ế”, cho nên họ đã tự đi tìm bạn đời cho con. Nhóm phóng viên Vice có mặt tại một công viên ở Bắc Kinh, nơi đang diễn ra một phiên chợ mai mối mà ở đó các bậc phụ huynh sẽ giới thiệu những người con trai hoặc con gái độc thân độc thân của mình nhằm giúp con tìm được nửa kia thích hợp. Những phiên chợ như thế này diễn ra rất nhiều, khoảng vài lần một tuần, ở trên khắp Trung Quốc. Ông Yan, một người mai mối cho biết ông cũng không nhớ rõ hình thức phiên chợ mai mối xuất hiện từ bao giờ nhưng đã có ở vùng này tầm vài ba năm trở lại đây. Ông có một cuốn sổ ghi lại các thông tin của nhiều nam giới và phụ nữ độc thân, bao gồm độ tuổi, nghề nghiệp, cân nặng, chiều cao,… tất cả đều được cung cấp bởi cha mẹ của họ.

“Kể cả cô gái có đẹp đến mức nào đi nữa thì đó cũng không phải là điều quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của tôi, nam giới độc thân thường tìm các cô gái trẻ, chưa từng kết hôn và có ngoại hình ưa nhìn. Đó là 3 yếu tố quan trọng nhất, không được thiếu cái nào cả.” Ông Yan cho biết. “Còn con gái của bà đằng kia.” Ông vừa chỉ vào một phụ nữ trung niên vừa nói tiếp. “Cô ta cao 1m79, cao quá. Không được, rất nan giải. Đối với nữ giới ở Bắc Kinh, chiều cao lý tưởng để tìm được một ý trung nhân là 1m65. Cho nên con gái Bắc Kinh ngày nay để tìm được bạn trai là rất khó.”

Những người tham gia phiên chợ mai mối đang giới thiệu thông tin của con mình. (© Vice)

Mặc dù chính sách một con hà khắc của Trung Quốc đã được dỡ bỏ sau nhiều năm áp dụng kể từ những năm 70 của thế kỉ XX, nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh việc con cái không kết hôn đồng nghĩa với dòng họ tuyệt tự. Cho nên nhiều người coi việc giúp con mình dựng vợ gả chồng là nghĩa vụ cuối cùng của người làm cha làm mẹ.

Tìm được một người bạn đời thích hợp không phải là chuyện dễ dàng. Chính sách 1 con đã gây ra tình trạng bất bình đẳng giới vô cùng nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc. Vì nhiều gia đình muốn có con trai hơn cho nên họ đã phá thai khi biết đứa trẻ trong bụng là con gái. Điều này có nghĩa rằng số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới là 20 triệu người. Phụ nữ Trung Quốc phải chịu rất nhiều thiệt thòi và đau đớn trong suốt một quãng thời gian dài. Nhiều bé gái bị giết trước khi được sinh ra và nhiều người mẹ bị ép phải phá bỏ đứa con chưa có hình hài của mình.

“Chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến những hậu quả của chính sách một con chỉ sau khi những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự chênh lệch tỷ lệ giới tính đáng kinh ngạc.” Bà Wang Zheng cho biết. “Phá thai bé gái không phải là mối lo ngại của chính phủ, nhưng việc đàn ông không tìm được vợ thì lại khiến họ quan tâm.”

Ở khắp mọi nơi trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, có rất nhiều biển quảng cáo, áp phích để tuyên truyền khuyến khích nữ giới kết hôn. Những phương tiện tuyên truyền đó nói rằng cách tốt nhất để khôi phục lại tính nữ quyền của một người phụ nữ là trở thành một người vợ, một người mẹ.

Họ còn lắp đặt cả những biển quảng cáo điện tử để khuyến khích các cô gái trẻ lập gia đình, thay vì quá mải mê theo đuổi sự nghiệp. “Cho dù sự nghiệp của bạn có thành công đến mức nào, bạn vẫn luôn cảm thấy trống rỗng và cô độc nếu không có người đàn ông của đời mình.” – Đó là những điều được tuyên truyền trên khắp đất nước Trung Quốc.

© Vice

Bất chấp những ánh nhìn ái ngại của xã hội và định kiến cổ hủ, những cô gái độc thân vẫn quyết tâm rời bỏ lũy tre làng để lên thành phố theo đuổi sự nghiệp, tự trở thành chỗ dựa cho bản thân. Những cô gái này có thể tự bản thân định nghĩa “hạnh phúc” và “thành công”, họ không sợ cuộc sống sau tuổi 30 và không vội vàng tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm tình yêu. Do vậy, các cô gái độc thân không chỉ bị gọi là “gái ế”, mà trong mắt xã hội họ còn là những cô gái mạnh mẽ - những “nữ hán tử” vì không cần đàn ông.

“Tôi rất hy vọng rằng ngày nay sẽ càng có nhiều người hoạt động vì nữ quyền hơn nữa. Nữ giới ngày nay đã biết tự đứng lên để tìm lại bản thân, nhưng chắc hẳn sẽ khó khăn hơn thế hệ của chúng tôi - thời của Mao Trạch Đông. Họ phải đấu tranh, và mọi thế hệ đều phải đấu tranh. Để có thể tiến tới một xã hội công bằng và bình đẳng, tất cả đều phải đấu tranh.” Bà Wang Zheng kết luận.

Theo: Vice
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.