• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Phiên chợ cô dâu ở Bulgaria – Nơi những trinh nữ bị gia đình bán đi dù bây giờ là thế kỉ 21

Du lịch

Cộng đồng người Kalaidzhi là một nhánh nhỏ của người Roma, sống tập trung tại miền trung Bulgaria và bị cô lập gần như hoàn toàn với những quốc gia khác trên toàn Châu Âu; cho đến khi phiên chợ cô dâu thường niên của họ được biết đến rộng rãi và thu hút sự chú ý của thế giới.

Việc phụ nữ được đem bán công khai như những đồ vật ở một đất nước Châu Âu giữa thế kỷ 21 có vẻ là một điều khôi hài và phi lý. Làm thế nào mà một phong tục có vẻ lỗi thời lại hiển nhiên tồn tại giữa xã hội hiện đại ngày nay?

bm 1

Một ngôi làng miền trung Bulgaria, nơi cộng đồng người Kalaidzhi tập trung sinh sống.

Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm phóng viên đã tìm đến nhà của một gia đình Kalaidzhi, nơi có hai cô con gái đang đến tuổi gả chồng. Pepa 25 tuổi và Rosi 19 tuổi đang chuẩn bị cho phiên chợ cô dâu diễn ra vào ngày mai. Vera - mẹ của hai cô gái cũng từng được bán cho cha của họ là Christo trong một phiên chợ cô dâu truyền thống.

“Chúng tôi là những tín đồ Thiên Chúa giáo nên chồng chúng tôi phải là người Kalaidzhi. Phụ nữ Kalaidzhi khi lấy chồng phải là trinh nữ, đó là điều rất quan trọng. Bởi vì người ta đã bỏ rất nhiều tiền để có được trinh tiết của một cô gái.” Pepa chia sẻ.

“Nếu một cô gái không còn trinh tiết khi được gả đi, cô sẽ bị người ta gọi là đĩ, điếm hay một nỗi ô nhục.” Bà Vera tiếp lời.

bm2

Pepa, Rosi và gia đình của mình.

Khác với những gì người ta nghĩ về tục mua bán cô dâu, những cô gái trẻ ở đây không đơn thuần là được đem bán đi cho những chàng trai lạ mặt bất kỳ, mà trái lại họ vẫn có thể tìm hiểu về những chàng trai đó trước, có thể là qua những trang mạng xã hội như Facebook. Tuy nhiên, họ không được gặp gỡ hay hẹn hò riêng tư, những hành động thể hiện tình cảm thân mật như ôm, hôn cũng không được phép. Nếu chàng trai muốn gặp mặt cô gái, anh ta sẽ đến gặp trực tiếp ở nhà cô.

Những trinh nữ trước khi phiên chợ cô dâu diễn ra sẽ sắm sửa trang phục, phụ kiện thật lộng lẫy để thu hút người khác giới. Trang phục càng sành điệu, quý phái, cô gái càng có thể “ghi điểm” trong mắt bố mẹ chàng trai. Ngoài ra, trang sức bằng vàng hay đặc điểm ngoại hình giống người Tây Âu hơn như da trắng, tóc vàng, mắt xanh sẽ giúp các cô gái được bán với giá cao hơn.

bm3

bm4

Các cô gái sắm sửa, chuẩn bị cho phiên chợ cô dâu sắp tới.

Đầu tư cho con gái ở tuổi cập kê sẽ phải tốn một khoản tiền không hề nhỏ. Nhóm phóng viên đã hỏi Christo - bố của Pepa và Rosi về chuyện làm ăn của gia đình.

“Công việc chủ yếu của người Kalaidzhi là làm những chiếc đĩa hay chậu từ đồng. Vì thế cái tên ‘Kalaidzhi’ có nghĩa là ‘thợ làm đồng’. Ngày trước chúng tôi kiếm được khá bộn tiền, nhưng dạo gần đây thì thu nhập không đáng kể, do không có việc làm.” Ông Christo chia sẻ.

Ngày nay, việc nhập khẩu hàng hóa rẻ tràn lan từ Trung Quốc sang đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công nghiệp của người dân Kalaidzhi. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao việc bán được con gái với giá cao lại trở nên ngày càng trở nên quan trọng hơn với họ.

bm5

Tập tục mua dâu truyền thống ở đây dường như đã nhen nhóm vào tiềm thức của những cô gái Kalaidzhi một suy nghĩ an phận về cuộc đời của một người vợ, người mẹ, người con dâu; làm tròn bổn phận của một người nội trợ suốt đời chỉ quanh quẩn trong nhà từ thuở nhỏ.

Những cô bé Kalaidzhi từ năm 13, 14 tuổi đã bị bố mẹ cho nghỉ học để có thể giữ mình khỏi những cám dỗ hoặc để ngăn họ với khao khát sống trong một xã hội hiện đại hơn là duy trì truyền thống của dân tộc. Tuy rằng họ sẽ vâng lời cha mẹ, nghỉ học sớm và chấp nhận bị gả bán đi làm dâu cho một gia đình nào đó, nhưng sâu thẳm bên trong những tâm hồn trẻ tuổi, nhiệt huyết kia vẫn hiện hữu một khát khao được đi học trở lại, khát khao về những hoài bão mà chắc rằng chẳng bao giờ thực hiện được.

“Chuyên viên làm đẹp hoặc thợ làm tóc.” - Rosi trả lời khi được hỏi về ước mơ của mình nếu không phải là một nội trợ toàn thời gian. Nhưng có rất nhiều trở ngại khiến cô không thực hiện được ước mơ của mình, chủ yếu là vì phong tục, truyền thống bản địa. “Chúng tôi không có bằng cấp, hoặc truyền thống của chúng tôi không cho phép chúng tôi làm điều đó. Nếu tôi lấy một người chồng cổ hủ và muốn duy trì truyền thống quê hương, anh ta sẽ không cho tôi đi làm. Anh ta sẽ nói: ‘Hãy ở nhà và chăm sóc con cái đi.’”

bm6

bm7

Khi bữa tiệc bắt đầu

Phiên chợ cô dâu thường niên thường được tổ chức tại Stara Zagora, nơi tập trung gần 2000 người Kalaidzhi đến đây để đấu giá cô dâu. Những cô gái được đưa ra đấu giá chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 13 đến 20.

Phiên chợ là một trong những dịp hiếm hoi trong năm mà các cô gái được gặp gỡ và làm quen với các chàng trai. Họ tán tỉnh nhau bằng ánh mắt, chụp ảnh cùng nhau, những chàng trai sẽ tiến đến gần và nói: “Này cô gái, anh cảm thấy thích em rồi đấy. Nếu em cũng thích anh thì mình cùng đi chơi nhé.”

bm9

bm10

Những chàng trai, cô gái đang trò chuyện, tán tỉnh nhau trong phiên chợ cô dâu thường niên của người Kalaidzhi.

Theo lời bà Vera, những chàng trai không thể mua con gái họ ngay tại chợ mà chỉ hỏi cưới các cô gái; khi đã bắt đầu quen và thích nhau rồi, những chàng trai sẽ đến nhà các cô và khi đó việc mua dâu mới thực sự diễn ra. Phiên chợ có vẻ giống như một lễ hội giao duyên nhanh chóng giữa thanh niên nam nữ hơn là đơn thuần đẩy các cô gái Kalaidzhi vào những cuộc hôn nhân sắp đặt, ép buộc như truyền thông vẫn đưa tin.

bm8

“Những phiên chợ ngày nay có vẻ hiện đại và cởi mở hơn thời của chúng tôi nhiều. Ngày trước, chúng tôi thậm chí còn không nói chuyện cùng nhau.” Bà Vera chia sẻ.

bm11

Ý nghĩ về việc được sinh ra và lớn lên chỉ để phục vụ cho chồng tương lai của mình thay vì theo đuổi những đam mê thật không dễ dàng gì đối với những cô gái hiện đại chúng ta. Tuy nhiên, phiên chợ cô dâu có vẻ như ít cổ hủ và cực đoan hơn những gì ban đầu chúng ta nghĩ – có thể đây là cách mà người Kalaidzhi giữ gìn và phát huy truyền thống, những bản sắc văn hóa riêng và lòng tự hào dân tộc của mình giữa xã hội hội nhập và đồng nhất hóa ngày nay.

Theo: Vice
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.