• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Series "Những người chăm cây thông thái" _ (Phần 1): Tổng quan về cây mọng nước

Cuộc sống

Cây mọng nước với đặc điểm có lớp thịt ở thân hoặc lá dày giữ nước, cùng khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trong điều kiện đất và khí hậu khô hạn nên được rất nhiều người lựa chọn trồng làm cây cảnh.

Thường khi nhắc đến cây mọng nước, người ta sẽ nghĩ đến một số loại như xương rồng, sen đá hay lô hội (nha đam). Tuy nhiên theo ước tính có đến 60 họ thực vật mọng nước với hơn 10,000 loài đủ hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau.

Các loài thực vật mọng nước hầu hết có nguồn gốc từ những khu vực với điều kiện thời tiết khô nóng, đất đai cằn cỗi như thảo nguyên Á-Âu, sa mạc hay bán sa mạc. Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp buộc chúng phải tích trữ nước trong thân và lá để duy trì sự sống qua những ngày khô hạn kéo dài.

Cũng nhờ đặc điểm này mà cây mọng nước rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh. Bạn sẽ không cần phải tốn quá nhiều công sức và tiền bạc để chăm sóc chúng giống như các loại cây cảnh khác. Ngay cả khi bạn gần như không có một chút kiến thức chăm cây nào hoặc quá bận rộn để dành thời gian cho chúng thì cũng không cần phải lo lắng, chúng chắc chắn sẽ không chết héo chỉ vì bạn quên tưới nước.

Tuy nhiên, sự thật là không phải ai cũng thành công trồng cây mọng nước. Hãy cùng điểm qua một vài lưu ý nho nhỏ dưới đây để chắc chắn rằng bạn đang chăm sóc chúng đúng cách và đảm bảo chậu cây mọng nước xinh xắn của bạn luôn trong trạng thái khỏe mạnh.

Sen đá móng rồng

Thứ nhất, thực vật mọng nước được chia làm hai loại: Hardy và not-hardy. Hardy là những cây có khả năng chống chịu được gần như dưới mọi điều kiện thời tiết nóng hoặc lạnh, chẳng hạn như sen đá sedum, sen đá huyết rồng, cây lá bỏng, …, vì thế bạn có thể đặt chúng ngoài sân, vườn hay ban công quanh năm.

Còn với những cây loại non-hardy như hầu hết các loại xương rồng, sen đá họ Echeverias, Aeoniums, Haworthias và lô hội, hãy chắc chắn bạn chỉ đặt chúng bên ngoài vào mùa xuân, hạ và đầu thu, bởi vì chúng sẽ không thể chịu được thời tiết lạnh lẽo dưới 15 độ ngoài trời trong suốt mùa đông, đặc biệt là ở những nơi có tuyết.

Hầu hết các loại xương rồng thuộc loại non-hardy, có giới hạn nhiệt độ 10-50*C

Bạn cũng nên sử dụng những loại đất có độ thoát nước cao hoặc trộn lẫn sỏi và đất cát để trồng cây. Đa số cây mọng nước không cần tưới trong một khoảng thời gian dài, cũng có những loài ưa ẩm hơn một chút nhưng chắc chắn chúng không thích nơi quá ẩm ướt. Đất trộn sỏi, cát có độ thoáng cao, giúp thoát nước dễ dàng và tránh khiến rễ của chúng bị úng nước.

Nếu trồng ở những nơi rộng rãi như bồn cây hoặc vườn, bạn cũng có thể dùng những phiến đá và than gỗ vụn mô phỏng môi trường sống tự nhiên của chúng, vừa làm đẹp cảnh quan vừa giúp chúng dễ thích nghi hơn.

Cuối cùng, mặc dù các loài cây mọng nước đều có cơ chế tự ngừa sâu bệnh nhưng rệp, nhện hoặc nấm mốc vẫn là những đối thủ nặng kí với chúng. Bạn có thể dùng những loại thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường như dầu reem hoặc dầu làm vườn để xử lý và đảm bảo cây luôn khỏe mạnh.

Gợi ý một số loại cây mọng nước dễ tìm, dễ trồng:

Trồng ngoài trời: Cây thùa, cây Yucca, cây lá bỏng, một số loại sen đá (sen đá sedum, sen đá huyết rồng, …)

Trồng trong nhà: nha đam, phỉ thúy, chuỗi ngọc, càng cua, …

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.