• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Văn hóa làm việc của ‘con rồng châu Á’ Singapore: Nếu có thời gian, hãy dành nó cho công việc

Cuộc sống

Nhiều thế hệ người dân Singapore lớn lên với khẩu hiệu “học hết mình, làm hết sức” với hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và tạo được chỗ đứng trong xã hội. Dù Singapore đã phát triển vượt bậc, người dân của đảo quốc này vẫn không hề lơ là hay lười biếng, ngược lại họ càng chăm chỉ và cần mẫn hơn. Bằng chứng là thời gian cống hiến cho công việc nhiều đến mức họ thờ ơ với gia đình và với chính bản thân mình.

singapore4

Những văn phòng làm việc vẫn còn sáng đèn ở Singapore.

Quốc gia có số giờ làm việc cao nhất thế giới

Theo thống kê của Bộ Nhân lực Singapore (Ministry of Manpower, viết tắt là MOM), dù giảm liên tục kể từ năm 2010, Singapore vẫn là một trong những quốc gia có số giờ làm việc cao nhất thế giới với 45,6 giờ/tuần vào năm 2015, chỉ xếp sau Hồng Kông với 50,1 giờ/tuần.

Trên thực tế, số giờ làm việc giảm không đáng kể. Người lao động Singapore vẫn phải làm việc quá giờ mà không được trả thêm lương, ôm việc về nhà hoặc thường xuyên gặp mặt khách hàng. Dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình rốt cuộc vẫn chỉ là chót lưỡi đầu môi.

singapore1

Nhiều người Singapore cho rằng nếu số giờ làm việc giảm đi, Singapore sẽ mất đi khả năng cạnh tranh với các "con rồng" khác như Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan.

Ngoài ra, số giờ làm việc của mỗi ngành khác nhau. Ví dụ, nhân viên bảo hiểm chỉ làm việc 40,1 giờ/tuần, thấp nhất so với các ngành khác. Công nhân làm việc trong ngành sản xuất thiết bị vận tải, an ninh điều tra có số giờ làm việc cao nhất với 51 giờ/tuần.

Nhân viên ở các ngành lao động khác trả lời phỏng vấn rằng họ vẫn phải đối mặt với tình trạng làm việc quá giờ và số liệu thống kê có lẽ chưa phản ánh kỹ khía cạnh này.

Một giáo viên trung học có thâm niên 10 năm tâm sự:

“Ngày nào chúng tôi cũng làm việc từ 8 đến 12 giờ. Vào những mùa cao điểm như thi học kỳ, các thầy cô giáo đều phải làm thêm giờ ít nhất 3 tiếng, chủ yếu là chuẩn bị cho kỳ thi, chấm điểm và chữa bài".

singapore7

Dù kỳ thi kết thúc, thầy cô giáo vẫn bận rộn với giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và nhiều công việc hành chính khác.

Luật sư Shen kể 2 năm đầu tham gia ngành luật, ông thường làm việc từ 9 đến 16 tiếng mỗi ngày. Khi khối lượng công việc nặng hơn, ông và đồng nghiệp có thể làm việc từ 14 đến 16 tiếng và không có ngày nghỉ nào trong tuần.

Singh là nhân viên an ninh làm việc theo ca, mỗi ca kéo dài 12 giờ, một tháng được nghỉ 4 ngày. Anh chia sẻ:

“Nếu tôi đã kết hôn và có con nhỏ, tôi sẽ không nhận công việc này. Bây giờ tôi chỉ có một mình nên công việc này cũng ổn. Thời gian làm việc dài sẽ giúp tôi bận rộn”.

Anh Singh từng có vợ và hai con gái. Họ đã di cư sang Mỹ trước khi anh nhận làm nhân viên an ninh.

singapore

Áp lực công việc khiến nhiều người Singapore lựa chọn kết hôn muộn và đẻ ít con.

Công nghệ: phao cứu sinh hay chỉ là một cái hố chôn khác?

Không thể phủ nhận công nghệ phát triển giúp công việc trôi chảy, thuận lợi và nhanh chóng hơn, nhưng nó cũng không giúp các “cổ cồn trắng” bớt bận bịu đi là bao. Họ có thể tranh thủ đọc tài liệu trên di động, kiểm tra email làm việc, họp hành qua Whatsapp hoặc Skype. Nhờ công nghệ, bất cứ nơi nào cũng có thể biến thành phòng làm việc.

Theo luật sư Shen, công nghệ tiên tiến cũng khiến ông lâm vào thế khó khi các khoản thu phí ít hơn so với trước đây. Ông Shen buộc phải nhận nhiều vụ án hơn để duy trì mức thu nhập. Điều đó cũng đồng nghĩa thời gian làm việc chẳng ngắn đi là bao, còn khối lượng công việc cần giải quyết lại tăng lên đáng kể.

singapore81

Một trong những lý do Singapore có số giờ làm việc cao là vì nếu sếp chưa ra về, dù đã làm xong việc, họ cũng không dám đóng laptop rời bàn về trước.

Còn theo giám đốc Richard Lim của Blackmagic Design Asia, một công ty hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, dù công nghệ có mặt hay không, người dân Singapore cũng đã quen làm việc hàng giờ đồng hồ. Công nghệ phát triển là một điều tuyệt vời. Chính văn hóa công ty và kỷ luật bản thân mới là 2 yếu tố quyết định mỗi người có thời gian riêng dành cho bản thân và gia đình hay không.

Ông Richard Lim cũng cho rằng khi làm việc quá giờ trở thành một thói quen, nó cũng sẽ biến thành văn hóa của quốc gia đó. Ông luôn khuyến khích nhân viên của mình chỉ làm việc từ 9h đến 18h, khoảng thời gian còn lại trong ngày là dành riêng cho bản thân.

singapore5

Dân số ít, chi phí cuộc sống đắt đỏ, cạnh tranh cao cũng là những nguyên nhân người dân Singapore gặp áp lực trong công việc.

Bà Charlotte Murray, giám đốc điều hành của một hãng marketing, luôn khuyến khích các nhân viên hỗ trợ lẫn nhau và phân chia công việc để đảm bảo không có ai cảm thấy quá tải, họ cũng không nên kiểm tra và trả lời email công việc mọi lúc mọi nơi.

“Vấn đề ở đây là các sếp muốn nhân viên thường xuyên online và họ lấy cái cớ công nghệ phát triển hơn thì tại sao nhân viên lại không thể kiểm tra email lập tức được cơ chứ. Tôi nghĩ điều này không công bằng. Không thể chỉ vì công nghệ hoạt động 24/7 thì con người cũng phải như thế”.

singapore3

Công nghệ phát triển liệu có khiến "cổ cồn trắng" Singapore bớt bận đi không?

Trong khi chính phủ và một số lãnh đạo doanh nghiệp đang cố gắng giảm thiểu số giờ làm việc và tạo điều kiện để nhân viên cải thiện chất lượng sống của bản thân, vậy người trong cuộc nghĩ gì? Dưới đây là một số chia sẻ của bạn đọc:

singapore8

singapore9

singapore10

singapore11

Theo: channelnewsasia
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.