• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Vì sao nên dùng mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật?

Cuộc sống

Từ lâu, rất nhiều loài động vật đã bị hành hạ tàn nhẫn để con người có được những thỏi son đắt tiền, sang chảnh. Chúng ta không thể phủ nhận việc thí nghiệm trên động vật là cần thiết trong một số trường hợp vì chưa có phương pháp thay thế. Tuy nhiên, đối với mỹ phẩm, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể tránh việc gây tổn hại đến các con vật vô tội.

Trong bài viết này, Lost Bird xin tổng hợp một số thông tin và chia sẻ quan điểm về việc vì sao chúng ta nên dùng mỹ phẩm ''không thí nghiệm trên động vật'', hay còn gọi là các sản phẩm ''cruelty-free''!

tumblr static 4omyc56w8scgccs8w0gkgw4ks

1. Hiện trạng thí nghiệm trên động vật nghiêm trọng hơn mức bạn có thể tưởng tượng rất nhiều

Các loài động vật bị đối xử một cách bạo ngược, đôi khi không có từ ngữ nào đủ để diễn tả sự tàn ác này. Chúng bị nhốt trong lồng tối đen, chật hẹp, chỉ được ăn uống ở mức tối thiểu để duy trì sự sống và bị tẩm lên người hàng trăm loại hóa chất độc hại.

peta animal testing

Một con thỏ được dùng để thí nghiệm son môi. Nó luôn bị nhốt trong lồng sắt như thế này, không được ăn uống đầy đủ và sẽ sớm chết vì ngộ độc hoặc mắc bệnh do những thứ hóa chất thí nghiệm trên người.

Hãy cẩn thận, có thể thỏi son mà chúng ta thoa lên môi mỗi ngày là một thứ sản phẩm thấm đẫm máu và sự đau đớn của bao nhiêu sinh linh khác. Những con vật đáng thương sinh ra để làm công cụ thí nghiệm, bị tra tấn, bị mù, bị thương chảy máu và lở loét, bị ung thư và cuối cùng là bị giết không thương xót với một cơ thể bị biến đổi đến dị dạng vì hóa chất.

mouse in hand

Có thể bạn không hề biết rằng những con vật dễ thương mà mình nuôi như thú cưng và nâng niu hàng ngày như thỏ, chuột lang, chuột bạch... chính là đối tượng để các công ty mỹ phẩm thí nghiệm. Chúng ta vẫn đang vô tư sử dụng những sản phẩm làm đẹp mà không biết mặt trái của ngành công nghiệp này thực sự đáng lên án.

animal testing horrible images

Những con thỏ trắng bị ung thư, dị dạng, mù, lở loét vì hóa mỹ phẩm thí nghiệm lên chúng.

2. Vì sao người ta vẫn tiếp tục thí nghiệm trên động vật?

Trước hết, có một sự thật phải chấp nhận là hầu hết các thương hiệu lớn đều thí nghiệm trên động vật. Trong đó có Victoria's Secret, Avon, L'Oréal, Mac, Maybelline, OPI, Estee Lauder, Chanel... Có nhiều lý do để họ làm điều này tuy nhiên có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thí nghiệm trên động vật là một phương pháp truyền thống ít tốn kém và dễ thực hiện. Mặc dù hiện tại đã có những phương pháp thay thế, nhưng những công ty mỹ phẩm vẫn chọn mua động vật về thí nghiệm để tối ưu hóa lợi nhuận khi phát triển một dòng sản phẩm mới.

Thứ hai, một số thị trường lớn yêu cầu bắt buộc việc thí nghiệm trên động vật trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, Victoria's Secret từng hứa hẹn sẽ ngưng thử nghiệm trên động vật, tuy nhiên khi họ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc - vốn yêu cầu bắt buộc những thí nghiệm này thì họ đã nuốt lời và tiếp tục những thí nghiệm man rợ. Victoria's Secret cũng như rất nhiều hãng lớn đang bán ở Trung Quốc đều chọn lợi nhuận thay vì các giá trị nhân đạo.

3. Có những phương pháp thay thế tốt hơn

Những công ty thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật thường bao biện rằng họ tiến hành việc đó vì mục đích tốt là bảo vệ sức khỏe con người. Đó là điều vô lý vì từ lâu đã có các công ty khác ứng dụng phương pháp chính xác hơn, và nhân đạo hơn ví dụ như thí nghiệm lên tế bào trong ống nghiệm (in-vitro). Phương pháp này không làm đau bất cứ con vật nào mà lại chính xác và nhanh chóng.

loreal

Logo chứng nhận ''cruelty-free'' trên mỹ phẩm Loreal không được bất cứ tổ chức bảo vệ động vật nào công nhận.

Tuy nhiên, vấn đề duy nhất vẫn là tiền bạc vì phương pháp mới thường sẽ tốn kém hơn khi yêu cầu phương tiện kỹ thuật cùng một đội ngũ có tay nghề, kiến thức chuyên môn và trình độ học vấn cao hơn. Cho dù là một công ty lớn và có doanh thu cao như L'Oréal chẳng hạn thì họ vẫn không chịu bỏ ra vài phần trăm lợi nhuận để cứu các loài động vật. Thậm chí, hãng này còn giả mạo tem ''cruelty-free'' để lừa khách hàng và bị người dùng ''bóc phốt''.

4. Thí nghiệm trên động vật đối với mỹ phẩm là không cần thiết

Hiện tại trên thế giới có 7000 nguyên liệu đã được chứng minh là an toàn có thể được sử dụng để chế biến mỹ phẩm mà không cần phải thí nghiệm lên động vật thêm nữa.

beagle puppy

Beagle là giống chó bị sử dụng làm vật thí nghiệm nhiều nhất vì chúng hiền lành và ngoan ngoãn, không biết chống cự lại con người.

Những công ty tiếp tục thí nghiệm trên thỏ hoặc chuột lang, thậm chí các loài linh trưởng giàu cảm xúc có họ hàng gần với con người như khỉ và tinh tinh vì họ muốn chế tạo ra nhiều loại nguyên liệu mới để lấy danh tiếng nhằm cạnh tranh với đối thủ hoặc nâng cao lợi nhuận mà thôi.

5. Động vật trong phòng thí nghiệm không được hưởng quyền bảo vệ động vật

Đây là một tiêu chuẩn kép được xem là lố bịch và bất công trong khi ở Mỹ và Châu Âu ban hành luật bảo vệ động vật nhưng lại không áp dụng triệt để cho các con thú bị dùng để thí nghiệm.

animaltesting protest 800x450

Biểu tình chống thí nghiệm trên động vật ở Hy Lạp vào ngày 19 tháng 3 năm 2017.

Có một sự thật là bất kỳ con vật nào cũng biết đau đớn và có cảm xúc, cần được yêu thương. Nếu so với việc loài người giết một con vật để ăn thịt thì việc thí nghiệm mỹ phẩm lên chúng tàn nhẫn và vô nhân tính hơn rất nhiều.

cosmetic testing animal remains

Xác chết đẫm máu của những con chuột lang sau quá trình thử nghiệm bị nhồi vào túi chờ vứt đi.

Căn bản, việc thí nghiệm lên động vật khiến chúng phải chịu đau đớn kéo dài trong một điều kiện sống thiếu thốn. Thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật là một hành vi phục vụ cho mục đích thỏa mãn dục vọng của con người, đó không phải là hành vi vì mục đích sinh tồn. Các bạn có thể đọc bài viết này để phân biệt bản chất của những hành vi giết chóc.

6. Chó và mèo được sử dụng rất nhiều trong những thí nghiệm tàn độc

Sự thực này có lẽ rất khó có thể chấp nhận với những người yêu động vật. Ở Mỹ, năm 2013 có 67.772 ngàn con chó và 24.221 con mèo đã bị tước đoạt quyền bảo vệ động vật mà chúng vốn có trước khi bị đưa vào phòng thí nghiệm để chịu những màn tra tấn tàn nhẫn.

beagle

Một chú chó Beagle ốm đói, sợ hãi cùng cực trong lồng nhốt với một chân hoàn toàn bị rụng lông và lột da vì hóa chất thí nghiệm.

7. Chính bạn là người quyết định các con vật dễ thương, vô tội này có phải chịu đau đớn hay không

Thứ duy nhất làm nên sự khác biệt ở đây chính là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đồng tiền của bạn quyết định tất cả, mỗi khi bạn tạo thành một thói quen sử dụng thương hiệu và bỏ tiền ra để mua sản phẩm của một hãng nào đó, bạn đã góp phần thay đổi tương lai của cả một ngành công nghiệp và cứu được nhiều con vật khỏi bị đau đớn.

Việc hình thành một cộng đồng lớn những người sử dụng mỹ phẩm không thí nghiệm trên động vật sẽ buộc các công ty mỹ phẩm phải có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc này và dần tiến tới sản xuất các sản phẩm ''cruelty-free'' hoàn toàn. Đơn giản, nếu họ muốn lấy được tiền của bạn thì phải làm như thế.

image update 1f82a83a1575940b 1362939564 9j 4aaqsk

Phong trào phản đối dữ dội buộc Liên minh Châu Âu EU phải ban hành đạo luật cấm các nguyên liệu và sản phẩm làm đẹp thí nghiệm trên động vật vào năm 2009.

Đến năm 2018, đã có hàng ngàn thương hiệu với quy trình sản xuất mỹ phẩm cruelty-free ra đời. Doanh thu của họ ngày càng tăng minh chứng cho việc người sử dụng bắt đầu có nhận thức căn bản và ủng hộ cho ngành công nghiệp làm đẹp ''sạch sẽ'', không nhuốm máu những con vật vô tội.

Đồng thời, sự thay đổi này sẽ tạo nên trào lưu bắt buộc các công ty phải xây dựng thương hiệu của họ một cách nhân đạo hơn, lành mạnh hơn chứ không phải bất chấp tất cả vì lợi nhuận như trước. Trong kỷ nguyên này, mọi hoạt động sản xuất sẽ dần bắt đầu được đánh giá bởi thước đo nhân đạo, đó là xu thế của thế giới trong thời buổi toàn cầu hóa.

Và trên thực tế, cái gì là xu thế toàn cầu thì chỉ có thể diễn ra nhanh hoặc chậm chứ không thể nào bị ngăn chặn được. Những công ty nào cố chấp không chịu chuyển đổi thì chắc chắn sẽ bị tẩy chay dù sớm hay muộn.

euban

11 tháng 3 năm 2003, Liên minh Châu Âu chính thức cấm toàn bộ các thương hiệu mỹ phẩm có thí nghiệm trên động vật ở thị trường Châu Âu. Đồng thời, 238 triệu Euro đã được huy động để nghiên cứu những phương pháp thay thế cho việc thí nghiệm trên động vật.

8. Dùng mỹ phẩm cruelty-free góp phần cho một thế giới tươi đẹp hơn, tốt cho sức khỏe của bạn hơn

Trước hết, việc tìm hiểu về các dòng mỹ phẩm lành mạnh sẽ giúp người dùng có một cái nhìn tổng quan hơn về nhu cầu và mục đích sử dụng sản phẩm của mình. Bạn có thể bắt đầu tái lập một phong cách sử dụng mỹ phẩm theo phong cách tối giản, chỉ mua những gì mình cần và không mua dư thừa chỉ để khoa trương. Điều đó góp phần hạn chế lãng phí, giảm lượng rác thải và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, vấn nạn hạt vi nhựa gây ô nhiễm môi trường có liên quan mật thiết tới mỹ phẩm, bạn có thể đọc bài viết này để tìm hiểu thêm.

img

Các hạt vi nhựa (microbeads hay microplastics) trong mỹ phẩm hóa tổng hợp có hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Những sản phẩm cruelty-free ngoài việc thỏa mãn tiêu chí về tính nhân văn, chúng còn ứng dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên có lợi cho sức khỏe của bạn. Việc hạn chế dùng mỹ phẩm hóa tổng hợp cho bạn cơ hội để tiếp cận những phương thức làm đẹp bằng các loại rau củ, trái cây vốn có thể dễ dàng tìm thấy ở siêu thị, thậm chí tự trồng ở nhà để chế biến mỹ phẩm làm đẹp.

9. Những tiêu chí để đánh giá một nhãn hiệu mỹ phẩm cruelty-free

Ở các nước như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ấn Độ, New Zealand, Brazil và các quốc gia thuộc liên minh Châu Âu có hàng ngàn nhãn hiệu mỹ phẩm thuộc các phân khúc từ bình dân cho đến cao cấp đã đạt tiêu chuẩn không thí nghiệm trên động vật.

bunny symbols

Những logo cho biết sản phẩm đó không thí nghiệm trên động vật.

Hiện tại, có 3 chứng chỉ chủ yếu với 3 logo tương ứng in kèm trên nhãn hiệu được áp dụng để xác định một sản phẩm cruelty-free. Thứ nhất là logo ''Leaping Bunny'' của tổ chức cùng tên, đây là tổ chức duy nhất hiện tại được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó là logo ''Caring Consumer'' với chú thỏ có đôi tai màu hồng của PETA (People for the Ethical Treatment of Animals), xuất hiện chủ yếu ở những thương hiệu xuất xứ từ Bắc Mỹ. Cuối cùng là logo ''CCF Bunny'' của tổ chức Choose Cruelty-Free ở Australia.

10. Tìm hiểu và lựa chọn một thương hiệu mỹ phẩm cruelty-free tại Việt Nam?

Đất nước hình chữ S của chúng ta vẫn còn là một quốc gia đang phát triển và hầu hết người dân chưa có nhận thức về việc bảo vệ động vật cũng như chính phủ chưa có đạo luật nào để bảo vệ các loài thú. Tuy nhiên cộng đồng người yêu thiên nhiên, yêu động vật nói chung ngày càng lớn mạnh và số lượng người sử dụng sản phẩm cruelty-free đang tăng lên.

nyx acquired by loreal

Nyx bị L'Oréal mua lại nhưng vẫn là một thương hiệu không thí nghiệm trên động vật.

Trước hết các bạn nên biết rõ rằng có một số công ty sản xuất mỹ phẩm lành mạnh nhưng lại được sở hữu bởi một công ty mẹ vẫn đang thí nghiệm trên động vật. Ví dụ như, Nyx là một thương hiệu cruelty-free nhưng được sở hữu bởi L'Oréal là một công ty thí nghiệm trên động vật.

Tương tự, NARS là nhãn hàng cruelty-free nhưng là con của Shiseido - một công ty Nhật Bản vẫn thí nghiệm trên động vật để bán mỹ phẩm cho thị trường Trung Quốc.

cruelty free drugstore makeup brands

Có rất nhiều nhãn hiệu lành mạnh để bạn lựa chọn. Chúng có giá ổn, nguyên liệu tự nhiên và chất lượng vẫn tốt nếu so với các dòng ''mainstream'' trên thị trường.

Trong trường hợp này, các bạn vẫn nên mua sản phẩm của Nyx hoặc NARS vì nếu những thương hiệu này có doanh thu tốt, công ty mẹ của nó sẽ có một cú hích để tiến hành những động thái đầu tư và chuyển đổi hoạt động sang hướng cruelty-free.

Ở Việt Nam tuy không có nhiều tương hiệu cruelty-free cho các bạn tha hồ chọn lựa như ở Châu Âu nhưng vẫn đủ để các bạn bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng mỹ phẩm. Ví dụ như Burts Bees, LUSH, The Body Shop hoặc Golden Rose của Nga. Cao cấp hơn có thể đơn cử Charlotte Tilburry chẳng hạn.

Để tham khảo danh sách các thương hiệu cruelty-free các bạn có thể xem qua các nguồn sau: Leaping Bunny, PETA, hoặc Crueltyfreekitty.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.