• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Nam nữ cùng tắm chung: Văn hóa tắm rửa gây bối rối của người Nhật

Độc lạ

Ai cũng muốn đến Hokkaido ngắm hoa anh đào, lên núi Phú Sĩ chìm đắm trong tuyết trắng, trải nghiệm cảm giác khoác lên mình bộ Kimono đậm chất truyền thống.

Ngoài ra, ở Nhật còn một hoạt động cũng rất được du khách yêu thích, đó là tắm suối nước nóng. Tuy nhiên đây không phải hoạt động thư giãn đơn thuần, mà tắm suối nước nóng nói riêng cũng như tắm rửa nói chung còn là nét văn hoá đặc trưng của Nhật Bản.

Văn hoá tắm rửa ở đất nước Mặt Trời mọc có thể nói là vô cùng thoải mái, tự do bởi nam nữ có thể cùng tắm chung. Vậy bắt nguồn từ đâu mà có nét phong tục độc đáo này?

Thần Phật cũng thích sạch sẽ

Với nguồn tài nguyên nước cực kì phong phú, Nhật Bản không chỉ sở hữu những hồ nước lớn nhỏ, sông ngòi phân bố dày đặc, mà còn có lượng lớn tài nguyên suối nước nóng.

Thời cổ xưa, người dân chẳng những thích tắm rửa ở sông suối, ao hồ, mà còn học hỏi kinh nghiệm từ các loài động vật hoang dã: bắt đầu sử dụng suối nước nóng như một cách thư giãn, chữa bệnh. Chính vì thế văn hóa tắm suối nước nóng của người Nhật có thể bắt đầu từ trăm ngàn năm trước.

Không chỉ yêu thích tắm rửa, họ còn gán văn hoá này vào trong các tôn giáo của mình: dù là Thần Đạo hay Phật Đạo, đều chú trọng việc tắm rửa và sạch sẽ. Thần Đạo cho rằng những “uế vật” (thứ dơ bẩn) cần phải được tẩy rửa bởi nước (thứ biểu trưng cho sạch sẽ) để rửa đi tội nghiệt bám bên trên.

Ngày nay ở các đền thờ người ta vẫn còn thiết lập các Chōzuya để các tín đồ rửa tay, súc miệng sạch sẽ trước khi bước vào đền thờ, từ đó thể hiện sự tôn kính với thần linh.

Không chỉ Thần Đạo coi trọng việc tắm rửa mà cả Phật Đạo cũng thế, thậm chí khi các tăng lữ tắm rửa họ còn phải chuẩn bị một nghi thức phức tạp mang ý nghĩa xua đuổi bệnh tật, nghênh đón phúc đáo.

Sự khởi đầu của nhà tắm công cộng

Bắt đầu từ thời Nara, các nhà tắm công cộng được xây dựng để tầng lớp tăng lữ có thể tắm rửa, những nhà tắm này cũng mở cho tín đồ sử dụng để tuyên dương Phật hiệu. Đến thời Kamakura, nhà tắm dạng này dần phổ biến trong giới quý tộc và bình dân.

Sau khi nhà tắm công cộng trở nên phổ biến, người dân dần cảm nhận được lạc thú khi tắm rửa, suối nước nóng từ một phương thức chữa bệnh cũng nhanh chóng biến thành niềm vui mới của giới tăng lữ và quý tộc. Đến thời Muromachi, tắm suối nước nóng trở thành hoạt động giải trí của quý tộc, dân chúng bình thường không được sử dụng.

Thời Azuchi-Momoyama, văn hoá tắm rửa ở Nhật phát triển vượt bậc. Tuy nhiên sau khi tướng quân Tokugawa Ieyasu vào Edo, thành phố này nhanh chóng phát triển, dân cư tăng đột biến, điều kiện cư trú theo đó giảm mạnh. Không chỉ thế giá than cũng tăng lên chóng mặt, nước cũng trở thành một thứ đắt giá, việc tắm rửa trở nên vô cùng xa xỉ. Vì vậy trừ tầng lớp samurai và thương nhân giàu có có thể xây dựng và sử dụng nhà tắm riêng, thì tầng lớp bần dân rất khó hưởng thụ được niềm vui tắm rửa.

Lúc này các nhà tắm công cộng có thu phí dần phát triển, những nhà tắm dạng này vì giá tiền rẻ, nằm ở những góc khuất trong thành thị, nên rất được dân chúng hoan nghênh.

Nhà tắm công cộng thường có hai tầng, tầng 1 là nhà tắm, tầng 2 là phòng nghỉ, ban đầu những phòng nghỉ này được dùng để đựng đao của các samurai, sau dần trở thành không gian chung để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn. Khách hàng chỉ cần trả một ít tiền là có thể dùng nước trà, điểm tâm, mát xa, thậm chí cả những loại phục vụ “đặc biệt” khác.

Vừa được tắm rửa vừa được thoả mãn nhu cầu, nhà tắm công cộng nhanh chóng là nơi ăn chơi số một của cánh đàn ông.

Văn hoá nam nữ cùng tắm chung

Nhắc tới việc tắm chung, ban đầu nó chỉ giới hạn trong các gia tộc lớn, những đứa trẻ cùng tộc thường thích tắm chung để có thể quây quần trò chuyện hoặc nô đùa với nhau.

Đến thời Edo, các nhà tắm công cộng vì muốn mở rộng việc buôn bán nên bỏ vách ngăn giữa buồng tắm của nam và nữ, bắt đầu cho nam nữ cùng tắm chung. Hậu quả là có nhiều trường hợp các khách nam đục nước béo cò các khách nữ, dẫn đến các cô gái trẻ dần không muốn đi đến nhà tắm công cộng nữa.

Chính quyền Edo lúc bấy giờ cảm thấy việc để nam nữ tắm chung thế này không ổn, nên đã ra lệnh yêu cầu nam nữ phải phân ra tắm riêng.

Nhưng trừ một vài nhà tắm nghe lệnh, dựng lại vách ngăn và chia phòng thay quần áo ra, thì các nhà tắm còn lại đều không có thay đổi gì. Cứ thế các nhà tắm cho phép nam nữ tắm chung này dần phát triển rộng hơn và trở thành nét văn hoá đặc trưng ở Nhật, kéo dài tới tận thời Minh Trị.

Một người Đan Mạch từng miêu tả trong nhật ký của mình về nét văn hoá này như sau: “Một cái hố lớn được đổ đầy nước ấm, xung quanh lót đá, chính giữa vắt một sợi dây thừng làm ranh giới, nam nữ trần truồng ngâm mình bên trong, gần như không có sự ngăn cách giữa nam và nữ.”

Sau năm 1868, chính phủ Minh Trị mới ban bố lệnh cấm nam nữ tắm chung, cấm nữ giới trần truồng ở nơi công cộng, nhưng vẫn không cách nào ngăn cản.

Đến năm 1890, quy định mới được ban ra, theo đó nam nữ trên 7 tuổi không được phép tắm chung. Cùng với vòi tắm của phương Tây dần phổ biến, các nhà tắm công cộng mới dần giảm bớt, nhưng nét văn hoá này vẫn còn tồn tại ở Nhật đến tận ngày nay.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.