• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Quái vật 6 đầu Scylla và thủy quái xoáy nước Charybdis hay câu chuyện ‘tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa’ của Odysseus

Độc lạ

Trong thần thoại Hy Lạp, ScyllaCharybdis là 2 con thủy quái sống ở eo biển Messina, nằm giữa nước Ý và quần đảo Sicily.

Đã là quái vật thì con nào cũng đều nguy hiểm. Khi chúng xuất hiện cùng một lúc, nguy hiểm còn tăng lên gấp bội. Trong tác phẩm Sử thi Odyssey của Homer, trên đường trở về quê nhà sau cuộc chiến thành Troy, Odysseus buộc phải vượt qua Messina.

Bất cứ tàu bè nào đi qua eo biển này, nếu không phải rơi vào xoáy nước của Charybdis thì cũng là mồi ngon của quái vật 6 đầu Scylla. Vậy người anh hùng thành Troy đã có cuộc chiến cam go, khốc liệt như thế nào mới có thể vượt qua eo biển tử thần này?

scylla va charybdis than thoai hy lap8

Một bên là xoáy nước, bên kia là 6 cái đầu quái vật đỏ lòm thò ra, Odysseus sẽ làm thế nào để đưa con thuyền của mình vượt nạn thành công? (ảnh: billditewig).

Charybdis: Thủy quái hung dữ, hiện thân của xoáy nước

Charybdis là con thủy quái náu mình giữa những tảng đá nhỏ và tạo ra xoáy nước dữ dội, hút hết mọi tàu bè vào cái "bàng quang" khổng lồ của nó rồi phun ngược những xác tàu vỡ vụn lên mặt nước.

charybdis

Sở dĩ gọi là bàng quang cũng đều có nguyên do cả. Theo thần thoại Hy Lạp, Charybdis là con gái của thần Poseidon và Gaia. Giúp cha rửa mối hận thù, Charybdis đã nhấn chìm nhiều đảo và đất đai của thần Zeus. Chúa tể của các vị thần nổi trận lôi đình trước hành động to gan lớn mật của Charybdis, lập tức bắt nàng và trói nàng xuống đáy biển.

charybdis 2

Chưa nguôi cơn giận, Zeus còn nguyền rủa Charybdis thành bàng quang kinh tởm của loài thủy quái, còn chân tay trông như những cái mái chèo. Cứ 3 lần một ngày, Charybdis sẽ hút nước biển để giải tỏa cơn khát dữ dội rồi phun trào ra thành những xoáy nước tử thần.

scylla va charybdis than thoai hy lap6

Có phiên bản cho rằng Charybdis bị Zeus trừng phạt, hóa thành thủy quái vì thói dâm đãng.

Scylla: Quái vật 6 đầu, hiện thân của những mỏm đá ngầm

Đối diện với Charybdis là Scylla. Theo nhà thơ Hy Lạp Hesiod, Scylla là con gái của Hecate, nữ thần của thế giới ngầm, hồn ma và mặt trăng. Còn cha của Scylla có thể là thần mặt trời Apollo hoặc Triton, con trai của thần biển Poseidon. Dù cha mẹ của Scylla là ai thì điều đó cũng chẳng quan trọng. Chúng ta chỉ cần biết rằng Scylla từng là một naiad (nữ thần nước) hết sức xinh đẹp.

scylla

Nhan sắc kiều diễm của Scylla khiến Poseidon say như điếu đổ và nhất mực sủng ái. Amphitrite, vợ của Poseidon, biết chuyện nổi cơn ghen tuông. Hoàng hậu biển đã “dằn mặt” Scylla bằng cách lén lút đổ thuốc độc xuống suối nước nóng, nơi mà Scylla thường trầm mình tắm khiến cô biến thành con quái vật khủng khiếp.

sebastian rodriguez sebastian rodriguez scylla

Còn theo lời kể của nhà thơ Ovid, Scylla vốn là người trong mộng của thần biển Glaucus. Ghê tởm trước hình dáng nhân ngư của Glaucus, Scylla từ chối tình cảm và bỏ trốn. Để chiếm được trái tim người đẹp, Glaucus đã xin phù thủy Circe ban cho mình lọ ái dược.

Nhưng Glaucus không hề biết rằng Circe vốn tương tư mình từ lâu. Cơn ghen nổi lên, Circe nói dối, đưa cho Glaucus lọ độc dược và bảo hắn hãy đổ xuống nước tắm của Scylla.

scylla va charybdis than thoai hy lap4

Theo câu chuyện của John Keats, Circe đã ra tay hạ sát Scylla. Quá đau lòng, Glaucus đã đem xác nàng giấu dưới cung điện đáy biển. Hàng nghìn năm sau, thần Endymion đã hồi sinh Scylla và tác hợp nàng với Glaucus si tình.

Thuốc độc của Cicre hay của Amphitrite đều dẫn đến một kết cục là hủy hoại nhan sắc của Scylla, biến cô gái xinh đẹp thành con quái vật gớm ghiếc.

Scylla cao hơn 3 mét, có 4 con mắt và 6 cái cổ gầy gò dài ngoằng. Trên mỗi cái cổ là một cái đầu gớm guốc với 3 hàm răng sắc nhọn như răng cá mập. Chưa hết, trên người Scylla còn có 12 cái chân trông như xúc tu, 1 cái đuôi mèo và ở ngực mọc 6 đầu con chó. Hình dạng của Scylla lúc này thừa sức dọa thần đuổi quỷ chứ đừng nói đến người thường khi trông thấy tận mắt.

Homer mô tả nơi ở của Scylla là những tảng đá trơn trượt, mỏm đá cao nhọn hoắt, phía trên là mây đen vần vũ quanh năm suốt tháng. Đây quả là một địa điểm thuận lợi để Scylla ẩn nấp rình bắt các đoàn thủy thủ.

scylla va charybdis than thoai hy lap3

Scylla, từ nàng tiên xinh đẹp vì ngấm độc mà hóa thành quái thú xấu xí.

Scylla và Charybdis: "Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"

Trên đường trở về thành Troy, Odysseus buộc phải đi qua Scylla và Charybdis. Một bên chỉ cần hy sinh 6 viên thủy thủ cho 6 cái đầu yêu quái và một bên bị xoáy nước nuốt chừng cả con thuyền, lựa chọn nào ít thiệt hại hơn hẳn đã bày ra trước mắt.

Chỉ có điều, eo biển này hẹp đến nỗi tránh được Scylla thì đụng phải Charybdis và ngược lại, với cả cũng chẳng ai biết “giờ uống nước” của thủy quái là vào lúc nào để mà tránh. Dù có là viên thuyền trưởng mưu trí và dũng cảm, e rằng cũng khó vượt qua được cửa ải này.

scylla va charybdis than thoai hy lap

(ảnh: Gods and Monsters).

Con thuyền của vị anh hùng Odysseus có cuộc chạm trán bất ngờ với Charybdis. Sau khi bị những dòng nước xoáy dữ tợn của Charybdis làm hư hại con thuyền, Odysseus và đồng đội trôi dạt về phía Scylla.

Đúng như tính toán của Odysseus, 6 cái đầu của Scylla đã ngoạm lấy 6 viên thủy thủ, nhưng Odysseus cũng chẳng thể ngờ đây là 6 người giỏi nhất trong đoàn của chàng. Cố gắng giữ bình tĩnh, Odysseus chỉ huy mọi người chạy trốn và dừng thuyền ở gần nơi ẩn nấp của Scylla. Lúc này, cả đoàn có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng không thể lơ là gây ra sai sót bởi họ vẫn chưa thực sự an toàn.

scylla va charybdis than thoai hy lap1

Trận chiến cam go của Odysseus với Charybdis và Scylla (ảnh: hdweb).

Nhưng nhóm thủy thủ của Odysseus đã để xảy ra sai sót. Bọn họ đã phớt lờ lời cảnh báo nghiêm ngặt của Odysseus và nhóm bếp làm thịt một số gia súc quý hiếm của Hyperion, một trong 12 vị thần Titan.

Để trừng phạt đám người này, Zeus đã tạo ra một cơn bão. Một tia sấm sét đã làm vỡ nát con thuyền khiến cả đoàn thủy thủ bị hất văng xuống biển. Thuyền chìm, thủy thủ chết đuối, chỉ còn mình Odysseus sống sót.

Nhưng thử thách dành cho chàng chưa dừng lại ở đó. Cơn giận của các vị thần vẫn chưa nguôi. Một trận bão hung hăng khác ùn ùn kéo đến, cuốn phăng Odysseus vào xoáy nước Charybdis. Sau một hồi vật lộn, Odysseus tóm được một cành cây nhô ra và thoát khỏi xoáy nước hung dữ. 9 ngày sau, vị anh hùng cập bến hòn đào Ogygia, nơi chàng được Calypso cứu mạng. Tính ra, Odysseus mất gần 10 năm ròng mới về được nhà.

scylla va charybdis than thoai hy lap9

Tranh vẽ thuyền của Odyssey bị Scylla hất đổ xuống xoáy nước Charybdis

Trong tiếng Anh có một câu thành ngữ là Between Scylla and Charybdis, nghĩa là “giữa Scylla và Charybdis” hay “giữa hòn đá và xoáy nước”, mang ý nghĩa tương tự với câu “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” của tiếng Việt.

Có những khoảng thời gian chúng ta liên tiếp gặp chuyện xúi quẩy. Cố gắng tránh tai ương này thì có thể đụng phải tai ương khác không thể ngờ tới. Hoặc thậm chí giống như trường hợp của Odysseus, rõ ràng nhìn thấy bất lợi bủa vây hai phía, dù cẩn thận và sáng suốt chọn cách ít gây tổn hại nhất vẫn có thể đột ngột vấp phải một chướng ngại nào đó.

Dẫu vậy, Odysseus vẫn can trường vượt qua thử thách, đi tới đâu chống đỡ tới đó, bởi vì nếu chàng không dấn thân thì sẽ chẳng còn cơ hội nào để trở về nhà.

Bài viết thuộc series “Quái vật trong thần thoại Hy Lạp”, mời bạn đọc Lost Bird đón xem.

Theo: tổng hợp
Đọc tiếp

Diêm vương Hades: Soái ca 'chuẩn men', ông chồng ngôn tình nhất trong số các vị thần Hy Lạp

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.