• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Diêm vương Hades: Soái ca 'chuẩn men', ông chồng ngôn tình nhất trong số các vị thần Hy Lạp

Tin tức

Thế giới của những vị thần trên đỉnh Olympus thực sự rất hỗn loạn, nếu các bạn đã từng đọc qua thần thoại Hy Lạp thì đều biết hầu hết các vị thần đều có tật xấu, thậm chí các hành vi biến thái, loạn luân đối với họ cũng là bình thường.

Mặc dù cai quản các vị thần quyền năng nhất thần thoại Hy Lạp, Zeus lại là kẻ hư hỏng nhất - vừa ham chơi vừa háo sắc khiến Hera đau khổ, người hùng mạnh thứ hai là Poseidon cũng không vừa gì - từng cưỡng bức con gái nhà lành trong điện thờ rồi bỏ bê không ngó ngàng tới (chuyện mỹ nhân Medusa).

Trong số những nam thần đứng đầu, duy chỉ có Hades là mẫu mực và tỏ rõ những tố chất của một người chồng đáng mơ ước. Hãy cùng Lost Bird khám phá những giai thoại về vị thần tưởng chừng như đáng sợ nhưng lại rất đáng yêu này nhé.

Chúa tể của địa ngục

Quay ngược thời gian trở lại lúc Zeus, Poseidon, Hades mới được mẹ là nữ thần Rhea sinh ra, Hades là anh cả, Poseidon là con thứ và Zeus là em út. Tất cả họ đều bị cha là thần Cronus nuốt vào bụng, chỉ riêng có Zeus may mắn thoát được. Về sau, Zeus dùng mưu khiến Cronus ói các anh chị em của mình ra.

Dưới sự lãnh đạo của bộ ba Zeus, Poseidon và Hades, các vị thần trẻ hợp lực đánh bại Cronus và các cổ thần Titan khác. Sau khi chiến thắng, ba anh em liền rút thăm để phân chia thiên hạ. Zeus được bầu trời, Poseidon được biển còn Hades "nhọ" nhất phải lấy âm phủ.

zeus poseidon hades

Từ trái qua: Zeus, Poseidon, Hades - 3 anh em cùng chia nhau cai quản bầu trời, đại dương và âm phủ.

Trong văn hóa đại chúng thời hiện đại, khái niệm cái chết và địa ngục thường gắn liền với sự xấu xa, thế nhưng trong văn hóa Hy Lạp cổ thì không hẳn là như vậy, âm phủ chỉ là một nơi để linh hồn người chết trú ngụ sau cuộc sống ở dương thế (afterlife). Nhiệm vụ của Hades là trông coi thế giới ảm đạm này và giữ sự cân bằng cho vạn vật.

hades 4

Tất cả những linh hồn đi xuống địa phủ sẽ được ở những nơi khác nhau, anh hùng và người tốt được sống tại vườn Elysium - vùng đất trù phú và sung túc nhất địa phủ, người thường thì vất vưởng vô định ở cánh đồng Asphodel và những kẻ tội đồ sẽ bị nguyền rủa ở vực thẳm Tartarus. Tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung là họ không bao giờ được rời khỏi âm phủ, Hades giao cho chó ba đầu Cerberus canh cổng địa ngục, đảm bảo không ai có thể tự ý trốn thoát, từ đó giữ cho quy luật tự nhiên sống - chết không bị phá vỡ.

cerberus

Hades và chó cưng Cerberus.

Số người chết tất nhiên là ngày càng nhiều vì trong thần thoại Hy Lạp không có khái niệm đầu thai chuyển kiếp, Hades trở thành người bận bịu nhất trong số các vị thần, ông rất hiếm khi rời khỏi địa phủ. Giữ trọng trách lớn lao, Hades luôn nghiêm khắc, quyết đoán, điềm tĩnh và tập trung vào công việc của mình, hầu như ông không quan tâm đến vấn đề gì khác đang xảy ra ở trên mặt đất.

Một ngày nọ, Hades vì quá buồn chán vì phải sống cùng những linh hồn người chết, ông xin phép Zeus hãy ban cho ông một cô vợ để bầu bạn. Zeus đồng ý, tuy nhiên người vợ mà Hades yêu cầu lại chính là nữ thần Persephone, con gái của Zeus và nữ thần mùa màng Demeter. Persephone rất xinh đẹp, cô đi đến đâu thì hoa cỏ mọc lên rực rỡ đến đấy, khiến chúa tể địa ngục phải lòng thương nhớ.

Chuyện rắc rối bắt đầu từ đây.

Hades cướp vợ

Zeus muốn gả con gái mình cho Hades nhưng e ngại vì Demeter không đồng ý. Đã vậy, Persephone còn định làm trinh nữ suốt đời như Artemis, cô chẳng màng chuyện chồng con, suốt ngày lang thang hái hoa bắt bướm. Persephone đâu biết rằng những ngày ngây thơ của cô sắp hết.

Một hôm nọ, khi Persephone đang hái hoa cùng những tiên nữ hầu cận thì cô thấy một bông hoa thủy tiên tuyệt đẹp, cô đâu biết rằng đó chính là bông hoa do Hades phù phép mà thành. Persephone vừa chạm vào cánh hoa, lập tức mặt đất nứt ra thành một khe vực, từ bên dưới Hades hùng hổ đánh xe ngựa lao đến bắt Persephone về địa phủ để cưỡng bức trước sự hoảng hốt của chư tiên chư thần.

image

Tranh vẽ Hades bắt Persephone về địa phủ.

Demeter đi tìm con trong hoảng loạn, thần mặt trời Helios ở trên cao nhìn xuống nên đã thấy tất cả, ông liền thuật lại với Demeter những gì đã diễn ra. Helios khuyên Demeter rằng:

Hades, kẻ trên vạn người, sẽ là một người chồng xứng đáng với con gái bà trong số những vị thần bất tử. Ông ta chẳng những là anh trai của bà mà còn là một trong 3 kẻ quyền lực đã chia ba thiên hạ, và là chúa tể được tôn sùng ở nơi địa phủ.

Mặc dù vậy, nữ thần nông nghiệp vì nhớ con và thất vọng chuyện Zeus thông đồng với Hades nên đã vứt bỏ sứ mệnh chăm nom mùa màng, ngày đêm chỉ than khóc, khiến cho mọi loài cây trái hoa cỏ trên mặt đất phải héo úa, các loài động vật lẫn con người đều đứng trên bờ vực tuyệt diệt.

Lúc này, Zeus mới thấy hậu quả khôn lường từ quyết định của mình, ông liền khuyên Hades trả lại Persephone để cứu lấy thế giới này, sau đó sai Hermes - vị thần chạy nhanh nhất trong số các thần đi đón Persephone về với mẹ.

hades persephone and cerberus hades and persephone 41679766 530 749

Persephone ngồi cùng Hades trên ngai vàng của địa phủ.

Về phần nàng Persephone, lúc này đã bị Hades cướp đi sự trong trắng nên vô cùng giận dỗi chỉ muốn bỏ đi ngay lập tức, nhưng cô không thể đi mà không được Hades mở miệng cho phép. Hades không muốn phật ý Zeus, nhưng vốn là kẻ lắm mưu nhiều kế, ông ta liền tặng Persephone mấy hạt lựu để ăn trên đường, sau đó chuẩn bị xe cho Hermes mang cô nàng về mặt đất. Trước khi để Persephone rời đi, Hades nói:

Đi đi, Persephone, về với người mẹ đang than khóc của nàng. Và hãy đối xử với ta bằng sự tử tế từ trong trái tim, vì ta không phải là kẻ thấp hèn mà là anh trai của cha nàng là Zeus.

Khi ở đây với ta, nàng sẽ là nữ hoàng của những sinh linh kia và có được quyền lợi tối cao mà một vị thần được hưởng. Kẻ nào làm phật ý nàng hoặc không biết xoa dịu nàng với những nghi lễ cung kính và cống phẩm phù hợp sẽ bị ta trừng phạt đến muôn đời.

Gặp lại nhau, Persephone và Demeter mừng rỡ, khiến cho hoa lá tươi tốt trở lại như cũ, tuy nhiên Demeter biết rằng Hades không đơn giản buôn tha cho con bà như vậy liền gặng hỏi:

Con đã ăn bất kỳ thứ gì ở dưới đó chưa? Hãy nói thật cho ta biết.

Persephone thưa thật rằng đã ăn hạt lựu, điều này vĩnh viễn kết nối cô với địa phủ, như một lời nguyền không thể phá vỡ. Demeter lại trở nên quẫn trí về điều này. Trong khi đó, Zeus không muốn gây sự với Hades, thông qua trận chiến đấu với người cha Cronus năm xưa, hơn ai hết Zeus biết Hades quyền lực như thế nào.

demeter persephone 1

Tranh "Persephone trở về" của Frederic Leighton vẽ năm 1891.

Vị thần sấm sét liền xuất hiện để hòa giải, ông quy định mỗi năm Persephone sẽ có 6 tháng ở trên mặt đất cùng mẹ và 6 tháng quay lại địa phủ với chồng. Mỗi lần cô rời đi, Demeter lại buồn rầu khiến cây cỏ rụng lá, tuyết rơi dày đặc, tạo thành mùa thu và mùa đông. Khi Persephone quay trở lại, cây cối đâm chồi kết quả, khí hậu liền ấm áp cho muôn loài sinh trưởng, đó là mùa xuân, mùa hạ.

Mặc dù không tự nguyện trở thành nữ hoàng địa ngục, nhưng về sau Persephone lại làm rất tốt chức vụ này, chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Hades là người chồng chung thủy

Persephone là người vợ đầu tiên và cũng là duy nhất của Hades, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật tự cổ chí kim đều thể hiện Hades ở bên vợ mình, nhiều họa sĩ khai thác chuyện tình của hai người, vẽ cảnh Hades bế vợ đi, trông rất tình tứ.

hades and persephone

Fanart vẽ Hades bắt Persephone về, trời bắt đầu đổ tuyết.

Thực ra có một lần mà Hades vô tình vướng vào lăng nhăng tình ái. Ở địa phủ có năm dòng sông chảy qua, mỗi dòng đều có tên mang ý nghĩa riêng gồm: Acheron (đau khổ, bất hạnh), Cocytus (than khóc), Phlegeton (lửa), Lethe (quên lãng) và Styx (căm ghét).

Mỗi con sông lại có một tiên sông (Nymph) trú ngụ, sông Cocytus là nơi ở của tiên nữ Minthe, cô nàng vì yêu thích Hades nên có ý định quyến rũ ông ta, đồng thời thể hiện thái độ tự kiêu mang sắc đẹp của mình ra so kè với nữ hoàng địa ngục Persephone.

hades and persephone 3

Kết quả là Minthe bị Persephone dẫm nát theo nghĩa đen và biến thành cây bạc hà (mint). Đây là câu chuyện mà người Hy Lạp xưa dùng để lý giải việc cây bạc hà có mùi thơm nồng thanh mát xua tan được mùi thối của xác chết, họ cũng sử dụng bạc hà như một nguyên liệu trong những buổi tế lễ cho Hades. Đó cũng là lần duy nhất mà Persephone phải đánh ghen.

Hades nghiêm khắc chứ không lạm quyền

Mặc dù được cả con người lẫn thần linh ghê sợ, chưa bao giờ có ghi nhận về một trường hợp mà Hades làm điều sai quấy và vô cớ gây hại đến người khác. Nếu kẻ nào đó bị Hades nguyền rủa, tức là hắn đáng bị như vậy.

hades persephone and furies

Biếm họa Hades, Persephone và Cerberus, theo sau là những nữ thần báo thù Erinyes, thay mặt Hades trừng trị những kẻ phạm tội.

Tiêu biểu nhất là lần Hades trừng phạt vua Pirithous xứ Thessaly, ông này cả gan xâm nhập vào địa phủ để bắt Persephone về làm vợ. Hades mở một bữa tiệc giả vờ đón tiếp Pirithous, khi Pirithous vừa ngồi xuống bàn tiệc, từ trên cái ghế mà hắn ngồi mọc ra những con rắn cuốn chặt lấy tay chân, giam giữ hắn mãi mãi nơi địa phủ.

Lại còn rất yêu động vật

Chúng ta điều biết Cerberus là một con quái vật dữ tợn, nó là con của quái vật Typhoon và Echidna và ai cũng xa lánh nó, thế nhưng Hades lại rất yêu quý con chó ba đầu này và cho nó cơ hội được làm việc ở địa phủ, nơi Cerberus thể hiện được sự đắc lực và lòng trung thành.

hades

Nhiệm vụ cuối cùng trong số 12 nhiệm vụ bất khả thi của dũng sĩ Hercules là bắt Cerberus và mang về cho vua Eurystheus xem, Hercules hỏi ý kiến Hades và vị thần liền cho phép anh mượn con chó cưng với điều kiện là Hercules không được dùng vũ khí làm hại đến Cerberus.

hades 2

Tranh biếm họa Hades, Persephone và chó ba đầu Cerberus.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hercules đã thả Cerberus trở về với Hades mà không bị thương tích gì. Rất nhiều fanart khai thác chủ đề Hades và Cerberus với nét vẽ chibi dễ thương. Chú chó giữ cửa địa ngục được ghi nhận là rất ngoan ngoãn với Persephone và thân thiện với những linh hồn người chết, miễn là họ không có ý định trốn thoát khỏi địa phủ là được.

hades 3

Hades là biểu tượng của lòng tự trọng

Mặc dù được người đời khiếp sợ, Hades lại là vị thần có lý lịch sạch sẽ nhất trong thần thoại Hy Lạp, một phần là do ông có lòng tự trọng rất cao, không bao giờ làm việc gì trái với nguyên tắc của chính mình. Người Hy Lạp cổ cho rằng Hades rất kiên quyết, thậm chí không thể thuyết phục hoặc xoa dịu ông bằng những tế phẩm và lời cầu nguyện.

deta 83

Hoa thủy tiên, biểu tượng của Hades.

Chính vì vậy mà hoa thủy tiên (narcissus) loài hoa mà Hades ưa thích cũng được xem là hoa của lòng tự trọng (trong tiếng anh, từ tự yêu mình là "narcissistic" bắt nguồn từ hoa thủy tiên). Khi lừa và bắt Persephone, Hades cũng đã biến thành một bông hoa thủy tiên đấy thôi.

Theo: Tổng Hợp, Artworks: elvishness

Bạn đang xem bài mới nhất trong serie

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.