• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Truyền thuyết về Kodama (Mộc Linh) tại Nhật Bản

Độc lạ

Nếu là một tín đồ phim Ghibli và đã từng xem bộ phim Công Chúa Mononoke, chắc hẳn bạn cũng còn nhớ hình ảnh những linh thần dạng người, màu trắng xuất hiện xuyên suốt. Ashitaka - nhân vật chính của bộ phim - đã gọi chúng là kodama (mộc linh), những linh hồn hiền lành với cái đầu xoay tròn, tạo những tiếng kêu vui tai, thân thiện.

Vậy những linh thần này là gì? Hãy cùng Lost Bird tìm hiểu nhé!

Kodama là gì?

Kodama là một quan niệm xuất hiện từ rất lâu. Nó được người xưa truyền miệng từ trước khi Nhật Bản có ngôn ngữ viết, và qua hàng trăm năm, giờ đây đã có đến ba cách sử dụng hán tự để viết từ kodama.

mizuki shigeru kodama linh than nhat ban

Cách viết cổ xưa nhất, 古多万, khá là mơ hồ. Từng chữ Hán trong cụm này có nghĩa là 古 (ko; cổ) - 多 (da; Đa/nhiều) - 万 (ma; Vạn/10.000). Vì tiếng Nhật cổ lúc này chưa có hệ thống ngôn ngữ viết nên khi hệ thống Hán tự Trung Quốc du nhập vào, những Hán tự sẽ được ghép dựa trên âm đọc thay vì nghĩa của từ. Những chữ Hán không liên quan được ghép lại để ghi âm những từ vựng hiện hữu trong tiếng Nhật lúc bấy giờ. Đây có lẽ là lời giải thích thỏa đáng nhất cho cách sử dụng 古多万 này.

Nhưng cách ghép từ không liên quan này có vẻ không ổn, nên sau này xuất hiện cách viết 木魂 (木 : ko; Mộc – 魂 : dama; Hồn) và 木魅 (木 : ko; Mộc – 魅 : dama; Mị). Và ngày nay, người Nhật thường sử dụng 木霊 (木 : ko; Mộc – 霊 ; dama; Linh). Những cách viết này không khác gì nhau mấy, đều có nghĩa là "mộc linh - linh hồn của cây".

Một chữ hán khác dùng để viết kodama, , cũng có nghĩa là tiếng vang. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu vì sao có cách viết này.

Truyền thuyết về Kodama

Cùng với cách viết thay đổi, ý nghĩa thực sự của kodama cũng thay đổi qua năm tháng.

Thời xưa, kodama được xem là kami - những vị thần trú ngụ trong thân cây. Có người tin rằng kodama không liên kết với chỉ một cây mà có thể di chuyển từ cây này sang cây khác, từ đó đi khắp khu rừng.

Một số khác lại tin rằng mỗi kodama chỉ trú ngụ tại một cây, hoặc có hình dạng không khác gì những cây trong rừng. Tai ương sẽ ập xuống những thợ mộc khinh suất chặt vào một "thân cây", để rồi nhận ra đó là một kodama với vết thương rỉ máu do bị rìu chặt vào.

kodama linh hon cay nhat ban

Những cây có kodama trú ngụ thường được quấn dây thừng thiêng Shimenawa.

Cũng có người nói rằng kodama là tiếng động - những âm thanh vang vọng tại các vùng núi và thung lũng. Tương truyền rằng, tiếng của một thân cây ngã xuống trong rừng cũng được cho là tiếng kêu ai oán của một kodama. (Ngày nay âm thanh của núi rừng lại gắn liền với loài yōkai - quỷ yamabiko, không phải kodama như ngày xưa).

Dù là ở hình dạng nào đi nữa thì kodama đều được cho là có năng lực siêu nhiên, chúng có thể ban phước hoặc nguyền rủa người thường. Kodama khi được thờ phụng và tôn kính sẽ bảo hộ cho những ngôi nhà và làng xã. Những kẻ cả gan bạc đãi hay khinh thường komada sẽ dính những lời nguyền rủa chết chóc.

Lịch sử của Komada

Ghi nhận đầu tiên được biết đến về những vị thần cây là trong quyển sách cổ nhất được tìm thấy tại Nhật Bản, quyển Kojiki (Cổ Sự Kí; ghi chép về những điều cổ xưa). Quyển sách có đề cập đến thần cây Wakunochi-no-kami, người con thứ của hai vị thần Izanagi Izanami.

Khái niệm kodama được sử dụng lần đầu tiên vào thời Heian, trong quyển Wamyō ruijūshō (和名類聚抄 : Hòa Danh Loại Tụ Sao; từ điển tiếng Nhật thời cổ đại, được viết năm 931 - 938). Từ điển này đã liệt kê cụm 古多万 là cách viết tiếng Nhật cho mộc linh. Một quyển sách khác cũng thuộc thời Heian, Genji Monogatari (源氏物語 : Nguyên Thị Vật Ngữ; Truyện kể Genji) đã sử dụng cụm từ 木魂để mô tả kodama như một loài yêu tinh trú ngụ trong cây cối.

Đến thời Edo, kodama không còn được xem là những vị thần rừng nữa mà chỉ là một trong những loài yōkai phổ biến tại Nhật Bản. Kodama cũng dần được nhân hóa, và có những câu chuyện kể về những kodama phải lòng con người và biến thành hình dạng người để cưới người mình yêu.

Kodama tại Nhật Bản thời hiện đại

Tại đảo Aogashima thuộc quần đảo Izu, người dân thường dựng những đền thờ nhỏ dưới gốc cây liễu sam (sugi) để thờ phụng. Đây có lẽ là một phần còn sót lại của tín ngưỡng thờ phụng thiên nhiên thời xưa.

osaka sukunahikona shrine 148296

Tại làng Mitsune, đảo Hachijō-jima, người dân vẫn tổ chức lễ hội hằng năm để tạ ơn "kidama-san" hay "kodama-san", mong ngài rộng lòng tha thứ khi họ đốn cây nhằm khai thác gỗ.

Tại Okinawa, họ gọi những linh thần cây là kinushi. Vào ban đêm, khi bạn nghe tiếng cây ngã xuống thì đó chính là tiếng kêu của kinushi. Một loài quỷ cây nổi tiếng tại Okinawa, kijimuna, được cho là thuộc dòng dõi của loài kinushi cổ đại.

Hình dạng của Kodama

Không ai biết hình dạng chính thức của kodama là gì. Theo truyền thuyết cổ, chúng vô hình hoặc có hình dạng giống cây cối thông thường. Toriyama Sekien, người đề ra tiêu chuẩn hình dạng cho đa số những sinh vật trong truyện dân gian Nhật Bản, đã minh họa kodama là một ông/bà lão đứng tựa một thân cây trong bức họa nổi tiếng Gazu Hyakki Yagyō (画図百鬼夜行; Họa Đồ Bách Quỷ Dạ Hành).

sekien kodama

Kodama trong bức họa nổi tiếng "Bách Quỷ Dạ Hành" của Toriyama Sekien.

Cách mô tả hình dạng kodama thời nay vô cùng phong phú, với những hình người già trẻ lớn bé, hay những yêu tinh lấy cảm hứng từ tập quán Châu Âu, hay đơn giản chỉ là những nhân vật hoạt hình dễ thương trong phim ảnh. Có vẻ như ai muốn mô tả hình dạng của kodama theo cách nào cũng được.

Nhờ bộ phim Công Chúa Mononoke của đạo diễn Miyazaki Hayao mà những linh thần mang tên kodama giờ đây đã được nhiều người biết đến, dưới hình dạng người với chiếc đầu trắng lắc lư dễ thương.

Theo: hyakumonogatari
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.