• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Raja Ampat: Thiên đường cuối cùng trên Trái Đất

Du lịch

Hơn 30 năm trước, người đàn ông đam mê lịch sử và lặn biển đến từ Hà Lan - Max Ammer - đã được chủ nhà là một cựu chiến binh kể về chiếc máy bay từ Thế chiến II bị nhấn chìm tại vùng biển Indonesia. Rất nhanh sau đó, người đàn ông đã có một cuộc thám hiểm kéo dài bốn tháng qua nhiều quần đảo khác nhau. Trong đó, có một địa điểm gây cho ông ấn tượng sâu sắc là Raja Ampat, ở tỉnh Tây Papua của Indonesia.

Nằm ở trung tâm của Tam giác San hô, Mạng lưới Khu bảo tồn Biển Raja Ampat trải dài hơn 4 triệu ha và bao gồm khoảng 1.500 hòn đảo. Mặc dù có sự đa dạng sinh học biển phong phú và cảnh đẹp nên thơ, nhưng nhờ vào vị trí tương đối hiểm trở, Raja Ampat đã tránh được “số phận” trở thành khu du lịch, an toàn bảo vệ hơn 1600 loài cá và 75% trong số các loài san hô được biết đến trên khắp thế giới.

“Có những khu vực đẹp vô thực và hàng trăm khu vườn san hô tuyệt đẹp khác.”

Ammer nói.

Tình yêu với vẻ đẹp thiên nhiên và cộng đồng địa phương đã thôi thúc ông mở Kri Eco Dive Resort vào năm 1994, với mục đích đào tạo thợ lặn địa phương, đưa mọi người tiếp cận với "thế giới thủy sinh hoang sơ." Tiếp nối thành công, ông tiếp tục mở một khu nghỉ mát tại Vịnh Sorido gần đó, với hai khách sạn hoạt động dưới sự điều hành của công ty Ammer's Papua Diving.

Một trong những dự án bảo tồn thành công nhất trên Trái đất

Chứng kiến ​​Raja Ampat rực rỡ của ngày hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng khoảng 20 năm trước, Raja Ampat đã từng suy tàn do hoạt động đánh bắt thương mại quá mức và không bền vững. May mắn thay, nhiều sáng kiến ​​bảo tồn đã ra đời giúp quần thể cá tăng trở lại, nạn săn trộm giảm khoảng 90%, san hô được phục hồi, và đặc biệt là quần thể cá mập cũng trở lại vùng biển yên bình này.

Năm 2004, Raja Ampat được liệt kê vào danh sách những khu vực cần được bảo tồn dưới sự hỗ trợ của các nhà bảo tồn quốc tế cũng như chính quyền địa phương. Đây là chương trình giúp bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên biển, song song với đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân địa phương.

Các khu vực bảo tồn thuê chính người dân địa phương để bảo vệ và truyền bá các kiến thức, giá trị và tập tục truyền thống, đồng thời cô lập một số khu vực để cho phép các hệ sinh thái có thời gian phục hồi.

Marit Miners, nhà đồng sáng lập của Misool Eco Resort và Misool Foundation nổi tiếng hiện nay, cũng thực hiện thành công dự án nhằm chứng minh tầm quan trọng của việc thu hút cộng đồng địa phương giúp tạo ra một khu nghỉ dưỡng bền vững về mọi mặt.

Mối quan hệ của Marit với Raja Ampat bắt đầu như một câu chuyện tình yêu. Khi đi du lịch ở Bangkok vào năm 2005, Marit đã gặp một người đàn ông đam mê lặn và sau này trở thành chồng tương lai của mình là Andrew Miners. Vào lần hẹn hò thứ ba, Andrew mời cô đi lặn ở Raja Ampat.

Đa dạng sinh học vẫn chưa được phục hồi sau nhiều năm bị tàn phá bởi hoạt động đánh bắt cá thương mại. Nó đã thúc đẩy cặp đôi thành lập Misool Foundation và Misool Resort ngay sau chuyến tham quan và dần trở thành nguồn hỗ trợ tài chính giúp duy trì công việc bảo tồn.   

Cặp đôi đã đạt được một thỏa thuận với cộng đồng địa phương để biến Khu bảo tồn biển Misool thành một "khu vực cấm", có nghĩa là tất cả các hoạt động đánh bắt và săn bắn sẽ bị cấm trong khu vực rộng hơn 121.000 hecta. Có một đội tuần tra chuyên nghiệp giám sát khu vực này 24/7 kể từ năm 2007.

Ngay cả trong khu nghỉ dưỡng, tính bền vững cũng luôn được đảm bảo duy trì bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời thay cho nhiên liệu hóa thạch, thu gom nước mưa để sản xuất nước uống, có các khu vườn rau quả hữu cơ ngay trong khuôn viên khu vực, quản lý chất thải với hoạt động mua lại rác và nhựa đại dương để bán cho các nhà tái chế… 

Kết quả thu được không ngoài mong đợi. Ngay trong năm 2007, sinh khối cá đã tăng trung bình 250% và những con cá mập từng bỏ đi bắt đầu quay trở lại khu vực.

Ammer cũng quan sát thấy có những thay đổi tích cực tại hai khu nghỉ dưỡng Papua Diving của mình.

Khoảng hai thập kỷ trước, những người thợ lặn đã đếm được kỷ lục 327 loài cá chỉ trong một lần lặn. Một thập kỷ sau, con số này tăng lên đến 374 loài khác biệt, được bắt gặp chỉ trong 90 phút.

“Khi chúng tôi đến đây lần đầu tiên, có rất nhiều hoạt động khai thác nguy hại diễn ra tràn lan khắp Raja Ampat, như đánh cá bằng bom, đánh cá bằng kali xyanua, câu cá mập, khai thác gỗ.”

Ammer nói.

Dần dần, tất cả những hoạt động này đều bị xóa sổ do ngư dân tìm được con đường khác kiếm sống. Ammer đã tạo điều kiện cho người dân địa phương, công nhân khai thác gỗ và cả những kẻ bắt trộm rùa, đánh bắt cá mập trái phép vào làm tại các khu nghỉ dưỡng.

Hai cơ sở của Papua Diving cũng được xây dựng ở nơi trước đây từng là đồn điền trồng dừa, có nghĩa là không có rừng nguyên sinh nào bị chặt phá để làm khu nghỉ dưỡng.

Vẻ đẹp của Raja Ampat

Khi được hỏi về những địa điểm lý tưởng và được yêu thích để lặn ở Raja Ampat, Ammer nói rằng danh sách này gần như vô tận.

Ngoài rạn san hô Cape Kri nổi tiếng, khu vực Sardines Reef cũng là một địa điểm được nhiều thợ lặn yêu thích vì nó có nhiều cá đến nỗi đôi khi đàn cá che lấp cả ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, vườn của Melissa (được đặt theo tên của con gái Ammer) là nơi chứa đầy những rạn san hô cứng và mềm tuyệt đẹp. Hay như Otdima cũng là một rạn san hô cứng, được đặt theo tên của người hướng dẫn viên lặn giàu kinh nghiệm nhất vùng.

Không chỉ có dưới lòng biển, cảnh vật trên mặt đất cũng vô cùng nên thơ với hệ động thực vật đa dạng. Những giọt nước nhỏ xíu như mũ nấm nằm rải rác, bao phủ trên các cây nắp ấm và hoa lan rừng.

Loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn, cua dừa, có thể được tìm thấy đang “bay” lơ lửng giữa những tầng cây cối rậm rạp. Các loài chim hiếm gặp như chào mào lưu huỳnh, chim hồng hoàng hay diều lửa cũng thường xuyên được bắt gặp.

Rừng ngập mặn còn đóng vai trò là “vườn ươm cá con” và là nơi ẩn náu của cáo bay, dơi ăn quả…

Khi đi bộ đường dài trên bờ cát, khách du lịch chắc chắc sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của những hòn đảo đá vôi và đầm phá xanh mướt như ngọc.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.