• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

x: Tōfu kozō - yêu quái bán đậu phụ được người Nhật Bản xưa yêu thích cuồng nhiệt

Kinh dị

Trên những con đường vắng vào tối muộn bỗng xuất hiện hình ảnh một cậu bé mặc trang phục kimono truyền thống, đầu đội nón rơm, trên tay cầm cái đĩa chứa bìa đậu phụ trắng. Dân gian gọi đó là Tōfu kozō, nghĩa là cậu bé đậu phụ, loài yêu quái “dễ thương” thường lang thang, thám thính cuộc sống của con người.

Con yêu quái tầm thường, làm nô dịch tay sai cho quỷ

Tōfu kozō mang tiếng là quái vật nhưng ngoại hình giống người thường, có chút đáng yêu vì giống trẻ con và không có sức mạnh gì quá khủng khiếp. Nó có hình dạng giống một chú tiểu nhưng điểm khác biệt là cái đầu to hơn, móng chân và móng tay cũng dài hơn so với phàm nhân. Tōfu kozō thường mặc trang phục của người bán đậu phụ rong thời Edo, trên áo có thêu những hình hoa văn được cho là bùa để xua đuổi bệnh tật.

Nó có tính tình nhút nhát, rụt rè. Vì Tōfu kozō không có sức mạnh gì nên thường bị các loài yêu quái khác cười chê, xem thường và sai vặt. Do đó, nó biết thân biết phận mà tìm cách lẩn tránh, không tham gia vào các cuộc gặp mặt, tụ họp của hội yêu quái. Tōfu kozō thường sống một mình, tránh xa đám ma quỷ nhiều chuyện, thích “cà khịa”, những lúc buồn thì lại xuống núi tìm gặp con người để “giải khuây”. 

Chuyện kể về Tōfu kozō có từ thời Edo và trở nên phổ biến trong tranh vẽ và ghi chép cổ vào cuối thế kỷ 18. Nguồn gốc của Tōfu kozō vẫn là một bí ẩn. Tương truyền rằng nó là do Itachi, loài chồn tinh có khả năng biến hình hóa thành, lại có dị bản miêu tả nó là con của Mikoshi-Nyudo (quỷ linh mục) và Rokuro Kubi (ma nữ cổ dài).

Tōfu kozō cũng được cho là có họ hàng với Hitotsume Kozo, yêu quái mang hình dáng của bé trai nhưng chỉ có một mắt và cái lưỡi lớn.

Tōfu kozō vốn hiền lành nhưng khi giở chứng thì cũng khá phiền hà

Cậu bé đậu phụ vô hại nhưng sẽ “hắc hóa” khi tâm trạng tồi tệ, nhất là vào những đêm mưa. Chuyện xưa kể lại vào ban đêm, đặc biệt là khi trời mưa, Tōfu kozō hay lang thang khắp nơi cùng đĩa đậu phụ trên tay để kiếm tìm “con mồi”.

Khi gặp được đối tượng ưa thích nó sẽ theo nạn nhân về nhà và trú lại ở đó, ẩn nấp trong bóng tối. Đến lúc nửa đêm, nó sẽ lại gần, đánh thức nạn nhân và đưa cho họ đĩa đậu phụ thơm ngon, trắng tinh được trang trí bằng một chiếc lá phong phủ lên trên.

Loài người khi thưởng thức miếng đậu thơm ngon, béo ngậy đó sẽ bị trúng độc. Trong đậu phụ có chứa loại nấm khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi, phát triển và ăn dần ăn mòn lục phủ ngũ tạng của nạn nhân. Cơ thể của họ sẽ thối rữa dần từ bên trong và Tōfu kozō sẽ chờ đến lúc đó để hút cạn dương khí của “con mồi”.

Thế nên người dân thường được khuyên là không la cà, đi chơi khuya vào ban đêm, nhất là lúc trời mưa. Nếu không may bắt gặp một cậu bé cầm đĩa đậu phụ trang trí bằng lá phong thì phải nhanh chóng rời đi, tránh xa nó càng nhanh càng tốt. 

Ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng

Tōfu kozō được cho là yêu quái tốt, mang hình ảnh thân thiện nên nó được người dân Nhật Bản yêu thích cuồng nhiệt. Vào đầu thế kỷ 19, các thể loại tranh minh họa cậu bé đậu phụ rất thịnh hành và trở thành mặt hàng ăn khách, nó còn xuất hiện trên thẻ bài Karuta. Đến năm 1868, ở thời đại Meiji thì những thứ liên quan đến Tōfu kozō bỗng nhiên “giảm nhiệt” rồi biến mất dần. 

Cho đến khi ngành công nghiệp manga và anime phát triển vào thế kỷ 20 thì Tōfu kozō lại tái xuất và có mặt trong các tác phẩm truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử, thậm chí còn xuất hiện trên những hình xăm, quần áo,...

Thiên hạ bàn tán và nhắc đến cậu bé đậu phụ với nhiều kịch bản khác nhau, thu hút con người bước vào thế giới thần thoại với những câu chuyện nhuốm màu huyền bí.

Đọc thêm: Truyền thuyết về Grim Reaper, thực thể thần bí dẫn lối con người đến địa ngục

Theo: Yokai.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.