• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

x William Burke và William Hare - Cặp đôi sát nhân khét tiếng, biến thi thể nạn nhân thành món hàng sinh lời

Kinh dị

Vào khoảng thế kỷ 19, người dân Scotland xì xào, bàn tán về những vụ giết người hàng loạt, đem xác người đi bán. Lúc ấy ai cũng hoang mang, sợ hãi khi qua khu vực Edinburgh, vùng đất giải phẫu y khoa nổi tiếng một thời tại Châu Âu.

Khoảng từ năm 1764, Edinburgh được biết đến là thành phố tiên phong trong việc thực hiện phẫu thuật cơ thể con người. Các trường y thường tổ chức những buổi giải phẫu thu hút hàng trăm người đến tham dự, quan sát nghiên cứu về các bộ phận, nội tạng bên trong cơ thể người.

Để phục vụ cho việc phát triển y học, chính phủ Scotland lúc bấy giờ đã ban hành một bộ luật được cho là tàn nhẫn. Pháp luật quy định, ngành y có thể sử dụng xác của tử tù, người qua đời vì tự tử hoặc người chết không xác định rõ danh tính, không có thân nhân làm mẫu vật thí nghiệm để nghiên cứu.

Chính điều luật đó đã làm nảy sinh vấn nạn đào trộm mộ cướp xác chết. Mỗi cái xác có giá khoảng 8 đến 10 bảng Anh, giới giải phẫu sẵn sàng chi tiền để mua xác chết về nghiên cứu. Vì vậy mà nạn trộm xác hoành hành tại Edinburgh. Khi những cái xác dần khan hiếm, giảm đi về số lượng, vì mưu lợi hám tiền mà nhiều người sẵn sàng sát hại đồng loại, gây nên tội ác kinh hoàng. William Burke và William Hare chính là hai ví dụ điển hình cho hành vi rùng rợn đó.

William Burke và William Hare

Burke và Hare là lao động nhập cư có nguồn gốc từ tỉnh Ulster ở phía Bắc Ireland, cả hai đến Scotland vào khoảng năm 1818. Hai gã đàn ông ban đầu là những người lao động lương thiện, làm việc tại Kênh Union. Năm 1826, Hare chuyển đến Edinburgh làm việc trong nhà trọ Tanner's Close và cặp kè với Margaret, chủ quán trọ. Một năm sau, Burke và cô nhân tình Helen MacDougall cũng đến đây sinh sống.

Hare và Margaret
Burke và Helen

Hai gã đồng hương Burke và Hare nhanh chóng kết thân tựa như anh em ruột thịt, trở thành “cạ cứng”, tri kỷ của nhau. Chúng hợp nhau đến độ thông đồng, hợp tác cùng phạm tội giết người rồi đem xác nạn nhân làm hàng hóa trao đổi buôn bán kiếm tiền.

Hành trình trở thành bộ đôi sát nhân của Burke và Hare bắt đầu vào tháng 11/1827, lúc đó một vị khách trọ ở Tanner's Close có tên là Donald đột ngột qua đời. Donald chết mà chưa trả tiền phòng khiến Hare than vãn, không biết phải xử lý thế nào với cái xác. Trong tình cảnh đó, Burke đã hiến kế đưa xác Donald đi bán cho Tiến sĩ Robert Knox, một bác sĩ giải phẫu lừng danh ở Edinburgh.

Tiến sĩ Robert Knox

Hare nghe vậy liền gật đầu đồng ý và cùng Burke thực hiện phi vụ buôn bán thi thể Donald. Vụ làm ăn đầu tiên của chúng thu được số tiền lớn là 7 bảng Anh. Trước món hời béo bở như vậy, cả hai đã nảy sinh dã tâm, chuyển hướng sang kinh doanh xác người chết. Một công việc kinh dị, táng tận lương tâm đã đẩy hai gã đàn ông vào hố sâu của tội ác.

Chúng cùng hai cô ả nhân tình Margaret và Helen đồng lõa với nhau biến Tanner's Close thành địa điểm sát hại hàng loạt người vô tội. Nạn nhân đầu tiên là Abigail Simpson. Sau khi đầu độc Simpson bằng rượu và bóp cổ giết anh ta, Burke cùng Hare đem xác nạn nhân bán cho Tiến sĩ Knox. Lần này chúng nâng giá lên là 10 bảng Anh. Knox đồng ý và cuộc mua bán diễn ra thuận lợi.

Hai tên sát nhân dùng số tiền lời kiếm được chung vốn mở quán rượu, lôi kéo Helen và Margaret dùng nhan sắc quyến rũ khách hàng rồi đưa đến chỗ kín đáo để giết hại. Đối tượng của chúng là những khách trọ không rõ tung tích, người lạ không ai quen biết. Trong vòng gần một năm, số lượng nạn nhân bị sát hại là 10 người.

Tuy nhiên, số lượng khách tứ phương ghé đến chỗ quán rượu ít dần, vì vậy mà chúng đã chuyển hướng “săn mồi” sang người dân địa phương. Chúng ra tay sát hại cô gái làng chơi Mary Paterson và anh chàng bị bệnh đao Jamie Wilson. Ngay cả người thân họ hàng chúng cũng không tha, như Ann McDougal, một người anh em họ với Helen cũng bị giết hại.

“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, tội lỗi của Burke và Hare cũng có ngày bị vạch trần. Vào lễ Halloween năm 1828, một phụ nữ Ireland nhiều tuổi có tên Margaret Docherty đến quán rượu của hội sát nhân. Burke thấy vậy liền tìm cách lại gần, dụ dỗ Margaret đến nhà của y ở.

Vì cũng là đồng hương nên bà Margaret nhanh chóng tin cậy và không nảy sinh nghi ngờ mà đến nơi Burke sinh sống để ở nhờ. Sau đó, vào lúc nửa đêm, Burke kêu “đối tác ăn ý” Hare đến và cùng nhau giết bà Margaret. Xong việc, chúng giấu xác nạn nhân dưới giường của vợ chồng Gray và Ann, đây là hai người trọ chung nhà với Burke và Helen.

Hôm gây án vợ chồng Gray và Ann đã ra ngoài vì có chuyện riêng. Vụ án mạng diễn ra theo đúng kế hoạch nhưng “người tính không bằng trời tính” khi cả Burke cùng đồng bọn không thể ngờ rằng vợ chồng Gray và Ann lại về sớm hơn so với dự định. Họ phát hiện ra dưới gầm giường có máu và khi cúi xuống thì tá hỏa vì nhìn thấy xác bà Margaret Docherty.

Mặc dù bị hội sát nhân mua chuộc với 10 bảng Anh để che giấu sự việc nhưng Gray đã từ chối và lập tức báo cảnh sát. Bốn người Burke, Hare, Helen và Margaret đã bị bắt giữ.

Cuộc điều tra được tiến hành, cảnh sát phát hiện xác người được tìm thấy tại khu giải phẫu của Tiến sĩ Knox là của Mary Paterson và Jamie Wilson. Quần áo của Mary cũng được tìm thấy tại khu nhà trọ Tanner's Close. Cảnh sát xác định Burke và Hare đã giết 16 người tuy nhiên có rất ít bằng chứng truy tố tội danh của bốn kẻ sát nhân, chỉ có vụ sát hại bà Margaret Docherty là có nhân chứng, vật chứng đầy đủ.

Sau một thời gian điều tra, Burke bị kết án tử hình vì tội danh giết người. Còn Hare thì được tha bổng vì hắn đã phối hợp với cảnh sát để chỉ điểm Burke, không ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra với hắn, chỉ nghe tin rằng Hare đã bỏ trốn sang Anh và sống lang thang tại London. Hai ả Helen và Margaret cũng được tha và chạy trốn khỏi Edinburgh.

Ngày 28/01/1829, phạm nhân Burke bị treo cổ dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người. Xác của gã sau thành mẫu vật giải phẫu, được mổ xẻ công khai. Bộ xương của Burke được giữ lại phục vụ cho nghiên cứu y học, da của gã được dùng để đóng bìa sách. Tất cả những di vật này đều được trưng bày tại bảo tàng Surgeon Hay Hall ở Edinburgh.

Tội ác của Burke và Hare chứng minh cám dỗ của đồng tiền có thể hóa người lương thiện thành quỷ dữ. Vụ án của Burke cùng đồng bọn đã khiến dư luận rất phẫn nộ, dân chúng biểu tình đòi chính phủ phải thay đổi điều luật, ban hành chính sách bảo vệ thi thể người đã chết.

Năm 1832, chính quyền Scotland đã thông qua Đạo luật Giải phẫu với nội dung ngành y chỉ được phép sử dụng thi thể hiến tặng tự nguyện của người đã khuất khi còn sống làm đơn ký nhận. Từ đó cũng chấm dứt dần tình trạng đào mộ trộm xác hay giết hại rồi buôn bán xác người chết.

Đọc thêm: 'Kẻ trừ khử những cô hầu gái' - tên giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ

Theo: Historic UK
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.