• Về đầu trang
Roger
Roger

100 năm, 10 bộ cánh gây tranh cãi nhất lịch sử

Lịch sử

Thời trang là bất biến. Không có thứ mode nào có thể mãi trường tồn với thời gian, cũng như không có quy tắc nào sinh ra là không thể bị phá bỏ. Nếu như trước kia, việc mặc quần là đặc quyền chỉ có ở đàn ông thì ở hiện tại, quần đã là vật dụng thời trang không thể thiếu trong tủ đồ của cả hai giới. Và trong bài viết lần này, Lost Bird xin giới thiệu đến các bạn những phong cách thời trang gây tranh cãi nhiều nhất trong 100 năm qua.

Mười năm đầu tiên của thế kỷ 20: Váy bó ống chân với phần gấu bó chặt vào chân người mặc

Thứ mode này đã bị phản đối kịch liệt bởi Nhà thờ Công giáo La Mã, đến mức Giáo hoàng Pius X đã từng yêu cầu toàn bộ nhà thờ ban hành sắc lệnh tôn giáo, trong đó yêu cầu giáo dân phải ngưng mặc loại váy này.

Thập niên 20: Bikini "có cũng như không" làm từ dây thừng và chuối của Josephine Baker

Vào thập niên 20, Josephine Baker là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của nước Mỹ với giọng hát thiên phú cùng phong cách biểu diễn có một không hai. Trong một buổi trình diễn 1926, Baker đã lên biểu diễn với bộ váy biểu tượng của mình và ngay lập tức trở thành hiện tượng toàn cầu.

Hình ảnh cô nghệ sĩ da màu trong bộ váy "không giống ai" xuất hiện khắp mọi nơi với hàng ngàn bộ váy tương tự cũng được bán ra hàng ngày ở châu Âu. Và khi muốn được biểu diễn tại lục địa già, Baker buộc phải biểu diễn cho cảnh sát trước khi được lên sân khấu và trình diễn cho công chúng. Bộ bikini chuối của Baker sau này được các nhà phê bình văn hóa ca ngợi khi đã thể hiện kín đáo thông điệp giải phóng cơ thể và mong muốn tình dục của phụ nữ.

Thập niên 30: Quần áo lao động

Khi đàn ông phải ra mặt trận, chính phụ nữ là những người đảm đương nhiệm vụ ở hậu phương. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm hơn và việc những nhà máy tràn ngập những bóng hồng không còn là chuyện quá hiếm.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngành thời trang cho phụ nữ cũng giới thiệu các mẫu đồ đơn giản hơn, chủ yếu là quần và áo sơ mi. Sự độc lập về tài chính cũng giúp phụ nữ trở nên chủ động hơn và có thêm tiếng nói trong xã hội. Mặc dù mốt thời trang này vẫn vấp phải sự phản đối từ những nhóm người có tư tưởng bảo thủ nhưng chính đây là tiền đề quan trọng cho phong trào nữ quyền sau này.

Thập niên 40: New Look của nhà mốt Christian Dior

Chiến tranh kết thúc, tất cả các tầng lớp trong xã hội phải dồn toàn bộ vật lực cho việc sản xuất phục hồi kinh tế. Ấy vậy, trong giờ phút nước sôi lửa bỏng như thế, nhà mốt danh tiếng từ Pháp lại cho trình làng chiếc áo khoác dài "tốn vải". Việc này đã ngay lập tức bùng lên làn sóng phẫn nộ từ phía người dân. Thậm chí, nhiếp ảnh gia Walter Carone còn chụp lại được bức hình những người phụ nữ giận dữ xé toang chiếc áo.

Thập niên 50: Áo ngực với phần đầu nhọn

Chân dung Marilyn Monroe (1926 - 1962) được chụp tại nhà riêng vào tháng Năm 1953. (Ảnh chụp bởi Alfred Eisenstaedt/The LIFE Picture Collection/Getty Images)

Nếu là fan hâm mộ của quả bomb sex Marilyn Monroe, hẳn bạn sẽ không thể nào quên chiếc áo ngực với phần đầu nhọn hoắt như đỉnh núi của bà. Thực tế, đây chính là tâm điểm chỉ trích của xã hội lúc bấy giờ. Sự phản đối của người dân còn dữ dội đến mức, sở cảnh sát thành phố Pittsburg còn từng phải ra thông báo "Chúng ta đang phải đương đầu với sự hỗn loạn trên toàn quốc" để nói về điều này.

Thập niên 60: Miniskirt

Từ khóa nổi bất nhất của thời kỳ này chắc chắn phải nói đến rock n roll, hippie. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua thời khắc ra đời của một trong những chiếc váy có ảnh hưởng nhất mọi thời đại: Miniskirt.

Chiếc váy là đứa con tinh thần của nhà thiết kế Mary Quant, được đặt theo tên hãng xe yêu thích của bà - Mini Cooper. Miniskirt khi mới ra mắt bị coi là biểu tượng cho sự nổi loạn và thậm chí còn bị bà hoàng thời trang Coco Channel cho là "kinh khủng".

Thập niên 70: Thời trang rocker

Đây rồi, thời kỳ hoàng kim của psychedelic rock và tồi tệ cho giới chính trị. Lúc này, sự phẫn nộ của người dân, đặc biệt là giới trẻ với chính quyền đang lên đến cao trào (bộ phim Joker cũng lấy bối cảnh thời này) do tình trạng suy thoái kinh tế và bất bình đẳng xã hội gia tăng. Khi đó, hai nhà mốt Vivienne Westwood và Malcolm McLaren đã mở cửa hàng đầu tiên của họ tại London và cho ra mắt set trang phục bao gồm áo khoác da - quần bó - ủng cao cổ có khóa. Trang phục thời này phản ánh một bước chuyển giao văn hóa quan trọng, trong đó những người trẻ đã hoàn toàn thoát ra khỏi ảnh hưởng của thế hệ trước.

Thập niên 80: Bộ váy cưới của Madonna

Với việc ngày càng có nhiều hơn các bộ phim, series TV lấy bối cảnh những năm 80, thời trang của nó lại trở nên gần gũi hơn với thế hệ Millennials. Cùng với đó, chiếc váy cưới gây tranh cãi của Madonna tại VMAs 1984 lại một lần nữa được đưa lên bàn tròn phán xét. Giữa một xã hội mà sex vẫn còn bị coi là một chủ đề nhạy cảm, Madonna đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự tự do, phóng khoáng trong tình dục. Bài hát Like A Virgin của bà cũng trở thành "bài hát quốc dân" và đạo diễn Quentin Tarantino đã mô tả điều này trong bộ phim nổi tiếng Resevoir Dogs.

Đoạn đầu trong phim Resevoir Dogs với cảnh các nhân vật nói về bài hát Like A Virgin

Thập niên 90: Chiếc quần jean bó của Kate Moss trên quảng cáo Calvin Klein

Thực tế, gầy gò chưa bao giờ được coi là chuẩn mực đẹp của phụ nữ cho đến những năm 90, khi Kate Moss trở thành hiện tượng và hình thành trào lưu "vẻ đẹp con nghiện". Bất chấp các chỉ trích vì cổ xúy vẻ đẹp thiếu khỏe mạnh, quảng cáo của hãng và vẻ đẹp cò hương vẫn trở thành xu hướng trong một thời gian dài.

Mười năm đầu tiên của thế kỷ 21: Chiếc váy hoa của Jennifer Lopez tại Grammy 2000

Bên cạnh Y2K, chiếc váy lòe loẹt của J.Lo chính là thứ làm điên đảo internet trong năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Đã có nhiều người dùng mạng tìm kiếm chiếc váy này đến mức, Google còn phải cho ra mắt chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh để tránh quá tải.

Từ năm 2010 đến nay: Áo lông màu chói

Ảnh hưởng từ phong cách ăn mặc có phần phô trương, quá đà của các nghệ sĩ hiphop, ngày càng có nhiều người trẻ diện chiếc áo lông khổng lồ như thế này ra đường. Nhưng khác với thế hệ cha ông - những người chuộng đồ da thật thì hiện tại, người trẻ lại thích mặc các áo làm từ lông nhân tạo. Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cũng tạo sức ép không nhỏ lên các nhà mốt danh tiếng như Diane von Furstenberg, Coach hay Burberry, khiến họ phải đẩy mạnh hơn việc bán các sản phẩm không có nguồn gốc động vật.

Theo: Glamour
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.