• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Biểu tượng 12 cung Hoàng Đạo (Kỳ 10): 'The Seagoat' - Dê thần đuôi cá trấn giữ cung Ma Kết

Lịch sử

Ma Kết (Capricorn) là cung thứ 10 trong vòng Hoàng Đạo, còn được biết đến với tên Nam Dương hoặc Sơn Dương. Trong chiêm tinh học, Ma Kết được xếp vào số các cung Đất, cung hướng nội và là một trong 4 cung chính, được sao Thổ chiếu mệnh.

Chòm sao Ma Kết được mô tả với hình dạng của một con thú có nửa thân trước là dê và nửa thân sau là đuôi cá. Chính vì vậy nó còn được gọi là "Seagoat", tức dê biển.

Hình tượng dê biển trong thần thoại Babylon cổ đại

Dê biển là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau biểu tượng con bò của cung Kim Ngưu. Vào thời điểm 1000 năm trước Công Nguyên, người Babylon đã ghi nhận chòm Ma Kết với hình dạng dê biển trong bản đồ sao của họ.

Dê biển được xem là tượng trưng cho nam thần Ea (hoặc Enki) trong thần thoại Babylon. Ông có nửa dưới là cá còn phần đầu là dê. Vị thần này sống ở đại dương nhưng mỗi ngày đều ngoi lên để canh giữ đất liền.

Ea - vị thần của nước ngọt trong thần thoại Babylon vốn có hình dạng nửa dê, nửa cá.

Là một trong những vị thần sáng tạo nên thế giới, Ea được xem là kẻ cai trị đại dương cũng như toàn bộ nước ngọt và nước ngầm, mang sức mạnh tái sinh và bồi tụ cho sự sống, giúp vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì thế, theo văn hóa Lưỡng Hà, chúng ta có thể xác định biểu tượng dê biển của cung Ma Kết tượng trưng cho sự phong phú, dồi dào.

Cái chết của thần Pan tạo nên chòm Ma Kết

Đối với thần thoại Hy Lạp thì khi nhắc đến dê biển người ta có thể nghĩ đến một vài điển tích. Một trong số đó nói đến bán thần Pan - con của thần Hermes và một nữ thần rừng tên là Dryope. Tuy nhiên Pan lại sở hữu hình dáng quái dị: nửa trên là người còn nửa dưới là dê. Ngoại hình kỳ dị của Pan đã khiến Dryope hoảng hốt bỏ chạy khi vừa sinh ông ra. Thế nhưng, vì quá thương con nên Hermes đã đưa Pan lên đỉnh Olympus sinh sống và từ đó ông đã trở thành vị thần đồng quê của các mục đồng và người chăn gia súc.

Tượng thần Pan trong khuôn viên đại học Columbia, thành phố New York, Hoa Kỳ.

Một ngày nọ, trong lúc Pan và các bạn đang cùng nhau uống rượu, vui đùa thì con quái vật Typhon xuất hiện, nhóm bạn kinh hãi, mỗi người liền biến thành một con vật khác nhau để chạy trốn. Pan nhảy xuống biển, định hóa thành cá nhưng vì quá hoảng sợ nên chỉ kịp biến ra một cái đuôi rồi bị Typhon giẫm chết. Sau đó Typhon bị Zeus đánh bại, còn xác của Pan được đưa lên trời biến thành chòm Ma Kết.

Nói chung, những điển tích về dê biển khá lộn xộn và không đồng nhất.

Amalthea - chú dê đã dùng sữa nuôi lớn thần Zeus

Đây là một trong những điển tích hay và hợp lý nhất về dê biển, gắn liền với câu chuyện về thần Zeus và cách mà ông trở thành vua của các vị thần. Câu chuyện bắt đầu khi titan Cronos giành lại được quyền cai quản thế gian sau khi đánh bại và giam cha mình - Uranus xuống vực thẳm Tartarus. Tuy nhiên, Cronos không chỉ lưu đày Uranus, mà cũng nhốt các anh em titan khác của mình gồm người khổng lồ một mắt và người khổng lồ trăm tay xuống địa ngục. Điều này khiến Gaia nổi giận, bà nguyền rủa rằng một ngày nào đó Cronos cũng bị con trai truất ngôi như những gì ông đã làm với cha mình vậy.

Lo sợ rằng một ngày nào đó lời nguyền của Gaia sẽ trở thành sự thật, Cronos quyết định nuốt tất cả những đứa con của ông và Rhea vào bụng. Hầu hết anh em của Zeus, bao gồm Poseidon, Hera và Hades đều bị nuốt sạch, điều này khiến Rhea vô cùng đau lòng.

Tranh vẽ các tiên nữ đảo Crete cho Zeus bú sữa dê Amalthea.

Đến khi mang thai Zeus, Rhea được Gaia trợ giúp trốn ra đảo Crete để sinh nở rồi mang một hòn đá bọc trong tã về cho Cronus nuốt. Sau đó Rhea trao cậu bé Zeus sơ sinh cho các tiên nữ trên đảo Crete nuôi dưỡng, con dê Amalthea thì cho Zeus bú sữa. Mỗi khi cậu bé khóc, Amalthea mang Zeus vào một hang động, ngoài cửa hang các vũ công Kuretes nhảy múa và đập cây giáo vào khiên đồng, tạo âm thanh lớn át đi tiếng khóc của trẻ sơ sinh, nhờ vậy mà Cronos không thể phát hiện ra Zeus.

Zeus dùng lưỡi tầm sét đánh bại cha mình - Cronus.

Khi lớn, Zeus cùng các anh chị em đã hợp sức để lật đổ Cronos, sau đó nhốt titan này xuống vực Tartarus. Để tri ân dê Almathea, Zeus đã biến nó thành chòm sao Ma Kết. Ngoài ra, da của Almathea được Zeus dùng để chế tác Aegis - cái khiên thần thánh không thể bị phá hủy, về sau trở thành vật sở hữu của Athena.

Cái tên Capricorn xuất phát từ tiền tố "Capris" - nghĩa là tốt đẹp, dịu dàng, trong khi hậu tố "Corn" bắt nguồn từ "Cornucopia" có nghĩa là dồi dào, phong phú. Điều này cho thấy dê biển là dấu hiệu của sự hào sảng và đặc tính sinh sôi nảy nở, duy trì sự sống, cũng tương đồng với ý nghĩa ban đầu về thần Ea trong thần thoại Babylon, quả là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên.

Chính vì vậy, Ma Kết có thể tự hào khi bản thân là một biểu tượng của sự phồn vinh. Ngoài ra, các đức tính khác thường được nhắc đến cùng Ma Kết cũng bao gồm can đảm, vững chắc, cân bằng, nam tính hoặc mạnh mẽ.

Đọc thêm: Series "Biểu tượng 12 cung Hoàng Đạo" trên Lost Bird

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.