• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Emmett Till: Cái chết oan nghiệt của cậu bé da đen và khởi nguồn của Phong trào Dân quyền

Lịch sử

Vào năm 1955, cậu bé da đen 14 tuổi Emmett Till bị một người phụ nữ lớn tuổi buộc tội huýt sáo ve vãn bà trong một cửa hàng ở Mississippi. Vì hành động này, chồng và anh trai của người phụ nữ đó tìm đến cậu bé và đánh đập, hành hạ cậu rồi sau đó kết liễu bằng một phát súng vào đầu cậu bé 14 tuổi. Đã có rất nhiều người chứng kiến hành động man rợ này, nhưng đối với một thời kì chưa có sự công bằng cho những người da đen, khi vụ án được mang ra tòa, mọi cáo buộc đều bị bác bỏ, và 2 kẻ hành hung cậu bé 14 tuổi được tự do.

Mặc dù cuộc đời của Emmett Till kết thúc quá sớm, nhưng câu chuyện của cậu thì chỉ mới bắt đầu. Chẳng mấy chốc, cả đất nước đều biết đến Till, họ không chỉ biết tên mà còn thấy cả những phần cơ thể còn lại của cậu bé thông qua trang nhất của rất nhiều tờ báo. Những hình ảnh này thật sự ghê rợn đến mức đã có hàng ngàn người quyết tâm cống hiến cho Phong trào Dân quyền và bắt tay thực hiện một sứ mệnh thay đổi tương lai của Hoa Kỳ mãi mãi.

Emmett Louis Till sinh ra vào ngày 25/7/1941 ở Chicago, Illinois. Cậu bé là đứa con duy nhất của Louis và Mamie Till nhưng bố cậu đã qua đời ở chiến trường của Thế chiến thứ hai. Người mẹ đơn thân của cậu bé làm việc 12 tiếng một ngày ở Lực lượng không quân để cố gắng chu cấp đủ cho bản thân và con trai mình.

Khi Till lên 5, cậu bé mắc bệnh bại liệt nhưng đã may mắn sống sót, nhưng bị thương tổn vĩnh viễn là chứng nói lắp.

Thời còn nhỏ, Till là một cậu bé vui vẻ, yêu đời và tận tụy. Có lần, cậu bé nói với mẹ, “Mẹ chỉ cần ra ngoài kiếm tiền, còn việc nhà cứ để con lo”, Till đã biết nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa từ rất sớm.

Tuổi thơ của Emmett Till cũng khá bình thường, cậu được đặt biệt danh là Bobo và lớn lên trong một khu vực thuộc tầng lớp trung lưu. Ở trường, Till là một cậu bé khôi hài, hóm hỉnh, thích làm mọi người cười. Nhưng rồi mọi thứ đã vĩnh viễn thay đổi vào mùa hè năm 1955.

Từ cuối những năm 1800 đến những năm 1960, Chế độ Phân Chủng cai trị hoàn toàn miền Nam, khiến cho sự phân biệt chủng tộc hoàn toàn là hợp pháp và bình thường.

Những đạo luật mang tính phân biệt chủng tộc được áp đặt kể từ thời Tái thiết (Reconstruction) sau cuộc Nội chiến nhưng đã được mở rộng và lan tràn khi bước sang thế kỷ mới. Những luật này cấm người Mỹ gốc Phi sống trong các khu phố của người da trắng và bắt buộc họ phải lắp vòi uống nước, phòng tắm, thang máy, cửa sổ tính tiền,…riêng biệt và không được dùng chung với người da trắng.

Tấm bảng ở trên ghi "Phòng thay đồ dành riêng cho người da màu"

Vì những đạo luật hà khắc này, nhiều gia đình người Mỹ gốc Phi phải chuyển đến những bang và thành phố khác để sống để thoát khỏi cuộc sống phân biệt cay nghiệt, và gia đình của Emmett Till cũng là một trong số đó, nhưng trong một chuyến đi chơi về miền Nam vào năm 1955, cậu bé nhanh chóng nhận ra cuộc sống là thế nào đối với những người đồng hương của cậu.

Vào tháng Tám năm 1955, một người chú lên thăm gia đình Till và nói rằng sẽ dẫn cậu bé cùng với một người em nữa về Mississippi để thăm họ hàng, và Till nhanh chóng nhận ra đời sống hàng ngày ở đây khác Chicago nhiều đến mức nào.

Theo tạp chí TIME, trước khi Emmett đi, mẹ cậu bé đã dặn rằng:

Con phải biết hạ mình, cứ quỳ xuống đi nếu con không thể làm gì khác.

Vào ngày thứ ba của chuyến đi, Till và một nhóm bạn bước vào một cửa hàng tên Bryant’s Grocery and Meat Market.

Những chi tiết bên trong cửa hàng thì khá lờ mờ, nhưng lời khai chính thức là tại cửa hàng đó, cậu bé hoặc là đã huýt sáo ve vãn, tán tỉnh, hoặc cầm tay Carolyn Bryant, thu ngân cửa hàng và là vợ của chủ cửa hàng, Roy Bryant.

Carolyn Bryant

Khi người phụ nữ kể câu chuyện này cho chồng mình nghe, gã đã tức điên lên.

Roy Bryant gọi người anh em cùng cha khác mẹ, J.W. Milam và cả hai cùng xông thẳng đến căn nhà mà Till đang ở.

Sáng sớm ngày 28/8/1955. 2 người đàn ông đập cửa và đòi gặp Emmett Till. Họ lôi cậu ra khỏi giường và ném cậu vào xe tải rồi chạy đi.

Đến một lúc nào đó, cô của Emmett đã đòi cho 2 người đàn ông tiền để họ tha cho cậu bé, nhưng họ không bằng lòng. Mọi chuyện sau đó thì ai cũng biết, 2 người đàn ông trưởng thành đánh đập dã man một cậu bé chưa dậy thì xong, sau đó bắn phát đạn cuối cùng vào thẳng đầu cậu. Và để giấu xác cậu bé, chúng dùng dây kẽm gai buộc một chiếc bánh xe 34kg của một máy tách vải vào đầu cậu để dìm xác cậu xuống sông Tallahatchie.

Nhưng tất cả mọi thứ đã được chứng kiến bởi Willie Reed. Theo một vài báo cáo, cậu bé 18 tuổi còn nghe thấy tiếng hét của Emmett Till. Và ngày hôm sau, một người đàn ông da trắng cầm súng đến trước cửa nhà cậu hỏi rằng

Thằng nhóc, hôm qua mày có thấy gì không?

Lo sợ cho mạng sống của mình, Reed từ chối ngay, người đàn ông còn hỏi cậu bé có nghe thấy gì không nữa, nhưng Reed vẫn từ chối.

Chú của Emmett, Moses Wright, đã chờ cậu bé về nhà rất lâu. Và khi lo lắng lên đến đỉnh điểm, ông bắt đầu đi tìm cậu bé. 3 ngày sau, xác của Emmett Till được lôi lên từ sông Tallahatchie. Thân xác cậu bị hành hạ đến mức Wright chỉ có thể nhận ra cậu bé từ chiếc nhẫn mà cả gia đình đều có.

Emmett Till khi được tìm thấy

Mamie Till yêu cầu xác của Emmett được gửi về Chicago trong tình trạng như lúc được tìm thấy. Quá shock vì những gì xảy ra với con mình, bà quyết định tổ chức một tang lễ quan tài mở để cả thế giới có thể thấy họ đã làm gì với con trai bà. Mamie cũng mời Jet, một tờ tạp chí dành cho người Mỹ gốc Phi đến để chụp hình. Khi những tấm hình được đăng tải, cả đất nước đã để ý.

Mamie Elizabeth Till-Mobley tại đám tang con trai mình

Không đầy 2 tuần sau, Roy Bryant và J.W. Milam hầu tòa vì những tội ác của mình. Tại đó, nhiều nhân chứng đã đứng lên, dũng càm nói về những hành động của 2 gã ác nhân, trong đó có cả chú của Emmett, Moses Wright và Willie Reed, cậu bé 18 tuổi từng lo sợ cho mạng sống của mình.

Trong khi đó, Carolyn Bryant, người thu ngân bắt đầu mọi chuyện, cũng đứng lên và phát biểu rất dữ dội về cách mà một cậu bé 14 tuổi đã dùng lời nói để đe dọa cô và hành hung cô thế nào. Vào thời điểm mà chế độ phân chủng lên ngôi, đây là tất cả những gì mà bồi thẩm đoàn cần nghe. Họ mất không đến 1 tiếng để đưa ra phán quyết cuối cùng: Bryant và Milam được xá tội, kể cả bắt cóc giết người. Một bồi thẩm đoàn còn nói rằng đáng lẽ sẽ tốn ít thời gian hơn như vậy nếu như họ không có giờ nghỉ uống soda.

Roy Bryant và J.W. Milam tại phiên tòa xét xử án mạng Emmett Till
Moses Wright, chú của Emmett Till, dũng cảm đứng lên chỉ thẳng mặt 2 tên hung thủ khi được quan tòa hỏi ai là người đã sát hại cháu ông

Nhưng vào 1 năm sau, tháng Một năm 1956, Bryant và Milam thú tội, đã bắt cóc và giết Emmett Till trong một bài báo của tờ tạp chí Look. 2 gã sát nhân được nhận 4,000 USD vì đã kể câu chuyện của họ. Bryant và Milam thậm chí còn không có một chút ăn năn hối cải nào vì những hành động của mình:

Lúc đấy bọn tôi làm gì được nữa? Thằng nhóc hết nói nổi rồi. Cả đời này tôi chưa bao giờ bắt nạt ai cả. Tôi thích người da đen, thật sự là vậy, nhưng đấy là nếu tụi nó biết chỗ đứng của tụi nó. Nhưng có vài người cần phải được dạy dỗ lại. Miễn là tôi còn đứng được thì bọn da đen phải tự biết nên đứng ở đâu và cúi đầu ở đâu. Tôi đứng đấy nghe thằng nhóc gào mồm lên chửi và đã chịu hết nổi, tôi chỉ nói với nó là “Thằng nhóc, tao quá mệt vì tụi mày cứ tìm đến khu tao sống rồi, tao sẽ lấy mày làm ví dụ để mấy thằng mọi khác biết tao và anh em có thể làm gì.

Vì phiên tòa đã chấm dứt và hung thủ đã được tha bổng, nên lời thú tội nhẫn tâm của chúng cũng không hề có hậu quả gì.

Bryant và Wilam ăn mừng cùng vợ vì được tha bổng

Khi cả đất nước thấy những tấm hình đăng tải trong tờ tạp chí Jet, họ đã không thể nào chịu đựng được nữa. Chỉ vài tháng sau vụ án mạng Emmett Till, Rosa Parks từ chối nhường chỗ trên bus và bắt đầu phong trào tẩy chay xe bus Montgomery, điều mà nhiều người tin rằng đã chính thức bắt đầu phong trào dân quyền. Parks kể lại rằng vụ án Emmett Till là động lực lớn để cô dũng cảm được đến như vậy.

Robin D. G. Kelly, Trưởng khoa Lịch Sử của Đại học New York nói với đài PBS:

Emmett Till, theo một cách nào đó, đã cho những người da đen ở một nơi như Montgomery, không chỉ sự can đảm, mà cậu bé còn để lại trong họ một cảm giác căm hận, và chính nhờ sự tức giận đó, cùng với quyết định của tòa án, miễn tội cho những kẻ giết người, đã khiến cho rất nhiều người dấn thân cũng như tận tâm hết mình cho phong trào dân quyền.

Nhiều thập kỉ sau, câu chuyện về Emmett Till vẫn nổi trên các mặt báo. Vào năm 2007, Carolyn Bryant thú nhận rằng đã bịa ra phần lớn câu chuyện cô dùng để buộc tội Emmett Till. Cụ thể hơn là những phần liên quan đến “dùng lời nói và hành động ve vãn để tán tỉnh.”

Bia tưởng niệm Emmett Till ở sông Tallahatchie sau khi bị bắn phá

Vào năm 2018, một tấm bia tưởng niệm dành cho Till gần sông Tallahatchie đã bị phá hoại đến lần thứ ba kể từ khi được hoàn thành. Lần đầu tiên, cả đài tưởng niệm bị đánh cắp và đã không được tìm thấy. Và sau khi được thay thế, đã có người dùng súng bắn cả tá phát đạn vào bia tưởng niệm. Sau khi được sửa chữa, những vết đạn tiếp tục xuất hiện.

Động cơ, cho dù có liên quan đến chủng tộc hay không, hay thủ phạm chỉ muốn phá phách, thì đây vẫn là điều không thể chấp được. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại.

Hồi tháng Bảy năm nay, một nhóm sinh viên cầm súng đứng trước tấm bia tưởng niệm Emmett Till, một lần nữa đã bị bắn phá. Vụ việc này gây nên rất nhiều phẫn nộ. Hội nam sinh Kappa Alpha Order khi biết vụ việc đã ngay lập tức hủy tư cách thành viên của các sinh viên tham gia, nói rằng tấm hình rất "Không đúng đắn, nhạy cảm, và không thể chấp nhận được."

Vụ án Emmett Till hiện đã được mở lại để điều tra một số "bằng chứng mới", chúng ta chỉ có thể mong rằng công lý cuối cùng cũng sẽ được thực thi.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.