• Về đầu trang
Trứng chim
Trứng chim

Hồng từng là màu sắc biểu trưng cho sự nam tính và mạnh mẽ?

Lịch sử

Những năm gần đây đã chứng kiến một số thay đổi lớn trong nhận thức của chúng ta về giới tính, khi mà các khái niệm xưa cũ về bản sắc giới tính cùng “các quy chuẩn” ngày càng nhận được nhiều sự phản đối và nghi ngờ trên khắp thế giới.

Những thuật ngữ mới như “gender-neutral” (trung tính) hay “non-binary” (người không rõ về giới tính của mình) đã trở nên quen thuộc và được biết đến rộng rãi.

Tuy nhiên, con đường xóa bỏ rào cản, định kiến về giới tính mà chúng ta phải đi còn rất dài đặc biệt là khi ngoài kia vẫn còn rất nhiều khái niệm mặc định về đặc trưng của một giới tính: nam thì phải như thế này, nữ thì phải ra thế kia… thậm chí là về cả màu sắc.

Nhiều năm gần đây, xã hội chúng ta đang sống là một nơi mà màu hồng được xem là tượng trưng của sự nữ tính và màu xanh chính là màu sắc dành riêng cho phái mạnh.

Ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự phân đôi cứng nhắc này ở khắp mọi nơi, từ thiệp chúc mừng cho đến quần áo của trẻ con.

1

Đâu là em bé gái và đâu là em bé trai?

Khi một em bé ra đời, những người làm cha mẹ sẽ được tặng vô số những món quà màu xanh hoặc màu hồng phụ thuộc vào giới tính của đứa bé. Trước đó, hẳn ít ai biết rằng có một thời gian khi xanh là một màu nữ tính còn hồng trở thành màu sắc được nam giới ưa chuộng.

Để giải thích cho việc này, chúng ta hãy cùng quay về thời điểm khi mà màu sắc không hề liên quan gì đến giới tính. Theo Jo B. Paoletti, giáo sư tại Đại học Maryland, đồng thời là tác giả của cuốn Pink and Blue: Telling the Boys from the Girls in America, trước đây xanh và hồng không hề có sự phân chia nào liên quan đến nam và nữ.

2

Bức tranh một cô gái trẻ trong trang phục màu hồng vào những năm 1890 của họa sĩ Raimundo de Madrazo y Garreta

Xã hội vào thời điểm đó thậm chí còn có phần tiến bộ hơn hiện nay khi trang phục trung tính được xem là chuẩn mực. Tất cả trẻ em, dù là nam hay nữ, đều mặc đồ màu trắng.

Cả bé trai và bé gái đều mặc váy và màu trắng được ưa chuộng vì nó có thể dễ dàng làm sạch bằng thuốc tẩy. Trẻ con không thực sự mặc những trang phục nhiều sắc màu cũng như các trang phục dành riêng cho giới tính như áo sơ mi hoặc chân váy cho đến khi chúng 6 hoặc 7 tuổi.

3

Một em bé trai trong trang phục màu hồng năm 1840

Theo tờ The List và sách của Paoletti, khái niệm liên kết màu sắc với giới tính bắt đầu vào khoảng giữa thế kỉ 19.

Lúc này, các tông màu sáng và màu pastel trở nên phổ biến hơn và thường xuất hiện trên trang phục của các em bé. Phải cho đến nhiều thập kỉ sau đó thì những màu sắc như xanh và hồng mới bắt đầu được liên kết với giới tính, nhưng không phải theo cách mà chúng ta vẫn nghĩ. Thực ra trước đây các bé trai thường mặc màu hồng còn xanh là màu sắc dành cho các bé gái.

4

The Blue Boy của họa sĩ Thomas Gainsborough, 1779

Một ví dụ điển hình cho việc này có thể thấy rõ qua một ấn phẩm thương mại cũ từ năm 1918. Trong Smithsonian, một ấn phẩm phụ của tạp chí Earnshaw chuyên về trẻ sơ sinh, có viết: “Quy tắc chung được mọi người ngầm thừa nhận chính là màu hồng thì dành cho các bé trai còn màu xanh dành cho các bé gái.”

Các lý thuyết giải thích về điều này có nhiều thay đổi qua năm tháng, nhưng nhìn chung có thể hiểu rằng màu xanh có liên hệ đến Đức Trinh Nữ Maria trong khi màu hồng lại là một tông của màu đỏ, một màu được xem là mạnh mẽ và nam tính.

5

Khoảng những năm 1280, Duccio vẽ Chúa trong trang phục màu hồng

Những ý tưởng này đã được củng cố bởi nhà văn và chuyên gia sắc màu Gavin Evans trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider.

Evans tiết lộ rằng vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, các bà mẹ thường được khuyên rằng nên cho con trai họ mặc trang phục có màu như hồng để đứa trẻ có thể trưởng thành nam tính hơn. Trong khi đó, các bé gái nên được mặc những bộ đồ với màu sắc nữ tính như xanh.

6

Bức tranh Paul-Henri Thiry, Baron d’Holbach by Louis Carmontelle

Kỳ lạ là sau chiến tranh thế giới thứ hai, chuyện này hoàn toàn bị đảo ngược và các nhãn hàng, thương hiệu thời trang bắt đầu sản xuất những trang phục màu hồng hướng đến các nữ khách hàng. Cùng lúc đó, sắc xanh bỗng trở thành một màu sắc tượng trưng cho sự nam tính và mạnh mẽ.

Theo thời gian, khoảng cách về những màu sắc này chỉ càng tăng lên và sự phân chia xanh hồng dần lan sang cả đồ chơi, phụ kiện, giường cũi, xe đẩy,…

Ngày nay, khi con người ta hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này, đồng thời cũng đã có rất nhiều việc được thực hiện nhằm mục đích phá vỡ những định kiến, quy chuẩn xưa cũ về các đặc điểm của giới tính, sự phân chia xanh hồng có lẽ sẽ sớm đến ngày kết thúc.

Theo: The Vintage News
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.