• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

‘Levee’- 'Nghìn lẻ một bước' trong nghi thức thay đồ buổi sáng của vua chúa Pháp ngày xưa

Lịch sử

“Levee” trong tiếng Pháp chỉ có nghĩa cơ bản là “getting up” hoặc “rising”, nghĩa là thức dậy vào buổi sáng. Không rõ Levee có nguồn gốc sâu xa từ vị vua chúa nào, nhưng việc nó trở thành một nghi thức cầu kỳ có lẽ xuất phát từ lá thư của Hoàng hậu Catherine de’ Medici (1519-1589) gửi cho con trai mình là Vua Charles IX nước Pháp.

1530 35 catherine de medici 1519 89 queen of france 1547 59 attributed to francois clouet

Hoàng hậu Pháp Catherine de’ Medici, chân dung vẽ khoảng năm 1555 bởi họa sĩ Pháp François Clouet. Nguồn ảnh: It’s About Time

Trong bức thư viết năm 1563, vị hoàng hậu quyền lực, người dành cả cuộc đời để bảo vệ ngai vàng cho các con mình, đã mô tả lại cách mà chồng bà là Vua Henry II của Pháp cho phép các người hầu và quý tộc có mặt khi ông mặc quần áo.

Bà cho rằng “đặc quyền” đó đã giúp cho những người thân cận bên vua có thêm thiện cảm đối với ông. Sau cùng, Hoàng hậu yêu cầu con trai mình tiếp tục, thậm chí phải “nâng tầm” việc thay quần áo trước mặt quần thần thành một nghi thức.

a rakes progress

Bức tranh thứ hai trong chuỗi tám bức họa có tên "A Rake's Progress" của họa sĩ William Hogarth, kể lại câu chuyện về Tom Rakewell từ khi anh ta giàu có và sa đọa nhờ hưởng thừa kế từ cha mình cho đến khi phải vào nhà thương điên. Ở ảnh này, Tom đang thực hiện nghi thức Levee buổi sáng, xung quanh anh là những người giàu có khác. Nguồn ảnh: History Stack Exchange

Nhưng phải đến khi Điện Versailles trở thành nơi ở của vua chúa Pháp thì cuộc sống và sinh hoạt bên trong tòa lâu đài xa hoa và tráng lệ bậc nhất này mới được ghi chép lại thật cụ thể. Các vị vua và hoàng hậu có nhiều cách để phân biệt đẳng cấp cao quý của mình so với những tầng lớp khác, thế nên nghi thức mặc quần áo vào buổi sáng đã dần trở nên cầu kỳ và phức tạp, đến nỗi dưới thời trị vì của Vua Louis XIV (1638-1715), nó thậm chí được chia làm ba phần.

01 absolute louis xiv levee

Tranh vẽ miêu tả các quý tộc trong nghi thức Levee của Vua Louis XIV. Nguồn ảnh: thisisversaillesmadame.blogspot.com

Theo mô tả của Louis de Rouvroy – Công tước Saint-Simon (1675-1755), nhà vua được đánh thức lúc tám giờ sáng bởi người đứng đầu dàn nam hầu phòng của ngài, cũng là người duy nhất được ngủ cùng căn phòng với vua. Các bác sĩ hoàng gia cùng vị nhũ mẫu đã nuôi ngài từ nhỏ được phép vào phòng, và Louis de Rouvroy còn kể thêm chi tiết về… chiếc bô của nhà vua được mang đi sau đó.

Đến 8 giờ 30 phút, rèm giường ngủ được kéo lên và phần thứ nhất của nghi thức được gọi là “Grande entrée” bắt đầu. Khi nhà vua vẫn ngồi y trên giường, mặc nguyên áo ngủ nhưng đã đội tóc giả, các quý tộc và quan lại tầng lớp cao nhất có mặt và dâng Nước Thánh cùng y phục cho ngài.

Sau đó, các vị này lui ra để cầu nguyện cho vua. “Première entrée” mới là bước mà nhà vua mặc trang phục, và một loạt quý tộc tầng lớp thấp hơn được vào phòng, chia làm vài người mỗi lần. Đến khi nhà vua mang tất và giày thì tất cả mọi người đều có mặt – thậm chí là các nữ quý tộc, con hợp pháp và con ngoại hôn của nhà vua cùng vợ hoặc chồng của họ.

Phần cuối của nghi thức được gọi là “Grand lever”, khi vua đến Sảnh Gương – nơi các thành viên hoàng gia còn lại đang đợi ngài. Lúc này thì một ngày mới trong cung điện có thể coi như đã bắt đầu.

1200px chateau versailles galerie des glaces

Sảnh Gương (Grande Galerie hoặc Galerie des Glaces trong tiếng Pháp), thuộc Cung điện Versailles. Nguồn ảnh: Wikipedia

Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) – kết hôn với Thái tử Pháp Louis (về sau là Vua Louis XVI) khi mới 14 tuổi, phải mất một thời gian để có thể quen dần với nghi thức Levee trong Điện Versailles, nhất là khi bà đã trải qua một tuổi thơ khá thoải mái và phóng khoáng trong Cung điện Hofburg nước Áo. Có chuyện kể rằng đến cả khi tắm rửa, bà cũng “được” cả một đội ngũ nữ quan và nữ quý tộc kè kè xung quanh, đến nỗi vị hoàng hậu trẻ - không chịu nổi ngượng ngùng – đã phải mặc một chiếc áo mỏng mỗi lúc tắm.

marie antoinette with a rose louise elisabeth vigee le brun

Chân dung Hoàng hậu Marie Antoinette có tên “Marie Antoinette with a Rose”, vẽ năm 1783 bởi nữ họa sĩ người Pháp Élisabeth Vigée Le Brun. Nguồn ảnh: Sartle

Nghi thức Levee của Hoàng hậu Marie Antoinette được thực hiện song song với chồng bà, Vua Louis XVI của Pháp (1754-1793), vào lúc tám giờ sáng mỗi ngày. Sau bữa sáng, một quyển sách đầy những màu vải trong tủ quần áo của hoàng hậu được đưa đến để bà lựa chọn. Ưng ý màu nào, bà sẽ đính ghim lên ô vải đó và sau đấy, váy vóc cùng các phụ kiện đựng trong những chiếc giỏ bọc vải lụa taffeta màu xanh lá cây đậm được người hầu mang đến phòng của hoàng hậu.

Lúc này, các nữ quý tộc, thư ký riêng của hoàng hậu và đôi lúc là vài bác sĩ hoàng gia và các nữ hầu đều đã có mặt. Sau khi chiếc áo choàng ngủ được cởi bỏ, lần lượt từng mảnh trang phục được chuyền tay nhau, từ những người có địa vị thấp đến cao nhất ở đó, và phụ hoàng hậu mặc vào.

Nghi thức này đôi lúc gây ra những tình huống éo le và dở khóc dở cười, ví dụ như một vài người hầu và nữ quý tộc khác bước vào phòng khi hoàng hậu vẫn đang trần như nhộng, hoặc y phục đang chuyền tay mà một nữ quan có vị trí cao khác bước vào phòng thì hoàng hậu – cho dù trên người đã có vải vóc gì che thân hay chưa - cũng phải đứng yên đó mà chờ nữ quan nọ tháo găng, nhận lấy mảnh trang phục rồi trao cho mình.

marie antoinette toilette

Tranh vẽ Hoàng hậu Marie Antoinette đang làm tóc, vẽ bởi họa sĩ người Đức Heinrich Lossow. Nguồn ảnh: www.beautifulwithbrains.com

Theo quy tắc trong Hoàng gia Pháp, Hoàng hậu Marie Antoinette phải thay ba bộ váy mỗi ngày, và chỉ được mặc mỗi bộ váy một lần. Tức là cứ hễ thay ra xong là váy của bà lại được trao cho các nữ hầu hoặc người thân cận. Và chưa kể, cứ về đêm, nghi thức thay quần áo kia lại được thực hiện thêm lần nữa với thứ tự ngược lại, chuẩn bị sẵn sàng để hoàng hậu đi ngủ.

Nghi thức Levee được miêu tả lại trong bộ phim Marie Antoinette của đạo diễn Sophia Coppola, ra rạp năm 2006

Khi mà vua chúa đặt ra đủ thứ trịch thượng chỉ để phân biệt đẳng cấp cao quý của mình, thì những ai được phép tham gia vào các nghi thức đó – ví dụ như chứng kiến và giúp đỡ vua, hoàng hậu mặc trang phục – cũng coi như đã củng cố địa vị của mình trong hoàng gia. Ở cái thời trọng lễ nghi và phép tắc, càng có thể chen chân vào những nhiệm vụ đầy riêng tư – ví dụ như hầu vua…đi vệ sinh chẳng hạn – thì càng được vua coi trọng và thậm chí được ngài “thủ thỉ tâm tình”, từ đó đường tiền tài và địa vị càng rộng mở.

Thật ra trong lịch sử cũng không thiếu những vị vua tìm cách “lách luật”, ví dụ như Vua Philip V của Tây Ban Nha (1683-1746) và hoàng hậu của ông thường xuyên ngủ cả buổi sáng để khỏi phải Levee chi cho mệt mỏi quần thần.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.