• Về đầu trang
Treng
Treng

Nét tinh hoa hàng nghìn năm lịch sử đằng sau chiếc quạt gấp truyền thống Trung Quốc

Lịch sử

Nếu bạn từng có cơ hội đi du lịch Trung Quốc vào mùa hè, chắc chắn sẽ không còn xa lạ gì với hình ảnh người dân tay phe phẩy chiếc quạt tránh nóng. Những chiếc quạt gấp không chỉ đơn giản là một công cụ để hạ nhiệt mà còn là một phần quan trọng trong văn hoá Trung Quốc.

Một số nhà sử học tin rằng chính người Nhật đã thiết kế quạt gấp. Những chiếc quạt đầu tiên ra đời được lấy cảm hứng từ cánh dơi. Sau đó người Trung Quốc đã tiếp cận với phát minh này và nó nhanh chóng trở thành một phụ kiện trong thể thiếu đối với tầng lớp quý tộc.

1. Lịch sử của chiếc quạt gấp

Lịch sử của chiếc quạt gấp Trung Quốc bắt nguồn từ hơn 3000 năm trước, vào thời nhà Thương (khoảng năm 1600 - 1046 trước Công nguyên). Một trong những chiếc quạt được biết đến sớm nhất có tên gọi là Shanhan. Shanhan không giống như những chiếc quạt cầm tay mà chúng ta thường thấy ngày nay. Chúng được buộc vào các cỗ xe ngựa để ngăn chặn sức nóng của mặt trời và che chở hành khách khỏi mưa gió. Nhìn chung, Shanhan có tác dụng giống như một chiếc ô hiện đại.

Sau này, Shanhan được biến tấu thành một chiếc quạt dài làm từ lụa hoặc lông chim mỏng và dai. Chúng được gọi bằng một cái tên mới là Zhangshan. Loại quạt này chủ yếu được trang trí trong các cung điện của hoàng đế. Mãi đến thời nhà Chu vào khoảng 2000 năm trước, người ta mới bắt đầu sử dụng quạt gấp để hạ nhiệt. Vào thời điểm đó, quạt thường được làm bằng lông vũ và trở nên phổ biến trong giới quý tộc. Những chiếc quạt này rất đắt đỏ và được coi là biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và trí tuệ.

Vào thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), quạt nan tre và quạt hương bồ ra đời. Với giá cả phải chăng, những chiếc quạt này trở nên phổ biến đối với người dân. Đến thời nhà Tống (năm 960 đến năm 1279), những chiếc quạt đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, một loại quạt mới làm từ lụa cũng xuất hiện. Những chiếc quạt lụa này có hình tròn giống như mặt trăng và được phi tần trong cung điện hoàng gia ưa chuộng. Chiếc quạt mặt trăng này sau đó cũng có những biến tấu thành hình dạng khác như hình bầu dục, hay thậm chí hình bông hoa mận, hoa hướng dương.

Phần khung quạt được làm từ tre hoặc xương động vật. Tay cầm thường được chạm trổ hoa văn tinh xảo trong khi phần lụa được thêu hoặc vẽ những bức thư pháp hoặc phong cảnh lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa cỏ, sông núi.

2. Nghề thủ công đằng sau những chiếc quạt gấp

Những chiếc quạt thường được sản xuất nhỏ lẻ dưới hình thức hộ gia đình. Vào triều đại Nam Tống (1127 - 1279), thành phố Hàng Châu chính là trung tâm của ngành sản xuất quạt gấp.

Người ta có thể sử dụng rất nhiều vật liệu để làm nan quạt như tre, gỗ đàn hương, gỗ mun, mai rùa, ngà voi, xà cừ, xương động vật,... Trong đó, tre là vật liệu được sử dụng phổ biến nhất. Các nan quạt được cố định với nhau bằng đinh tán. Phần tà quạt thường được làm từ giấy hoặc vải lụa. Các nghệ nhân sẽ vẽ các bức thư pháp hoặc phong cảnh để trang trí lên phần này.

3. Vẽ tranh trên quạt trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập

Từ thời Tống trở đi, vẽ tranh quạt đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập. Các văn nhân và nghệ sĩ Trung Quốc cổ đại có sở thích tô điểm cho những vật dụng họ yêu thích. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi quạt gấp trở thành vật phẩm truyền thừa của nghệ thuật và thư pháp. Ban đầu, những bức tranh và thư pháp được vẽ trên quạt chỉ dùng để trang trí, tuy nhiên sau đó nó lại được chọn để thể hiện các tác phẩm của giới văn nhân, nghệ sĩ.

4. Quạt gấp ngày nay

Trải qua hơn 3000 năm lịch sử, quạt gấp không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Hiện nay, tại xứ tỉ dân đã có tới hơn 500 loại quạt cầm tay khác nhau, trong đó quạt gỗ đàn hương ở Tô Châu tỉnh Giang Tô, quạt lụa Damask ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, quạt hoạ lửa ở Quảng Đông và quạt nan tre ở Tứ Xuyên được nhiều người biết đến nhất.

Chúng ta có thể nhìn thấy những chiếc quạt nổi tiếng được tạo ra bởi các văn nhân, nghệ sĩ tại phòng trưng bày nghệ thuật hoặc các cuộc đấu giá. Được sử dụng rộng rãi trong hàng nghìn năm, những chiếc quạt Trung Hoa không chỉ mang đến làn gió mát mẻ mà còn chứa đựng tinh hoa của cả một nền văn hoá xưa cũ.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.