• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Những chiến thuật 'liều ăn nhiều' tài tình nhất lịch sử chiến tranh

Lịch sử

1. Oda Nobunaga và chiến thuật đánh lén

bishu okehazama gassen

Quân đội Imagawa (khoảng 30.000 lính) đang trên đường đến chiếm Kyoto và đã tàn sát bất cứ ngôi làng hay tỉnh lẻ nào họ đi ngang qua. Vị lãnh chúa trẻ của tỉnh Owari, Oda Nobunaga, không hề thích chuyện này. Mặc dù những thuộc hạ của Oda van xin ông đầu hàng, nhưng ông đã chuẩn bị chiến đấu.

Vào lúc đó, Oda chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 binh sĩ, cộng thêm 2.000 nông dân. Trong khi quân đội Imagawa đã dựng trại trong một thung lũng bên trong Kyoto và ăn mừng, chuẩn bị đánh chiếm thành Kyoto, Oda đã nhân lúc trời mưa lớn để lén rời khỏi lâu đài của mình cùng với những toán lính, họ đi qua khu rừng và dựng thế vây quanh quân đội Imagawa. Những nông dân được ở lại lâu đài và có nghĩa vụ giả bộ như trong lâu đài vẫn có đầy đủ người.

Trong khi đó, quân của Oda ra khỏi khu rừng, tiếp cận quân Imagawa và giả vờ như họ là quân tiếp viện, vì mưa hạn chế tầm nhìn của quân Imagawa nên họ không thể nào phân biệt được và cứ cho rằng quân Oda là tiếp viện thật. Oda cùng những toán lính của mình đi thẳng đến chỗ lính gác và tấn công trại, nhắm thẳng vào trụ sở chính. Imagawa Yoshimoto nghĩ rằng những người lính của ông ta đang say xỉn và ra khỏi lều để trừng phạt họ. Ngay khi vừa ra mặt, Imagawa bị dồn vào chân tường và giết ngay lập tức. Sau đó, toàn bộ quân đội Imagawa tan rã, họ trở về nhà mà không chiến đấu. Vì thủ lĩnh của họ đã chết, không có lý do gì để đánh chiếm Kyoto nữa. Trận thắng này đã đặt nền móng cho việc Oda Nobunaga trở thành người thống nhất Nhật Bản về sau.

2. Tokugawa Ieyasu và cánh cổng thành mở

300px mikatagahara no tatakai

Khi quân đội Takeda hành quân vào Kyoto bằng cách đi xuyên qua tỉnh nhà Mikawa của Tokugawa, quân đội của Tokugawa Ieyasu (được hỗ trợ bởi quân đội Oda) đã cố gắng chặn quân Takeda mặc dù bị áp đảo về số lượng rất nhiều.

Tất nhiên, với ưu thế mạnh về số binh lính và sự tài giỏi khét tiếng của Takeda, quân của Ieyasu đã bị đánh bại và trong số 10.000 lính tham gia trận chiến đó, chỉ có 5 người trở lại lâu đài Hamamatsu cùng với Ieyasu.

Đây là canh bạc: Takeda đang đuổi theo những gì còn sót lại của Ieyasu và toán lính của ông. Ông đã định sẽ đột nhập vào lâu đài của họ và giết sạch cho đến người cuối cùng nhưng Ieyasu đã làm một điều cực kì điên rồ vào lúc đó: Ông ta ra lệnh mở cửa thành và cho một người thắp sáng những lò than hồng xung quanh lâu đài rồi đánh trống inh ỏi.

Takeda chết lặng và tưởng rằng Ieyasu phải có thêm quân đội bên trong. Bối rối và không biết phải làm gì, Takeda cùng binh lính của mình dựng trại bên ngoài lâu đài. Đêm đó, một trung đoàn nhỏ của quân Ieyasu tấn công trại Takeda, làm cho họ hoang mang và đã phải rút lui.

Tất nhiên, Takeda Shingen cũng có lý do khác để rút lui, cụ thể là nỗi lo sợ rằng đối thủ lớn nhất của ông, Uesugi Kenshin sẽ xâm chiếm vùng đất của ông trong khi ông đi vắng.

3. Gia Cát Lượng cùng với sự táo bạo của mình

1523675597 133 ban ve tai dung hoa nhu than cua gia cat luong de hieu them 2 chu thien y

Theo bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi quân của Gia Cát Lượng bị đánh bại nhiều lần, ông đã quyết định phát tán lượng binh lính còn lại của mình đi nhiều nơi trong khắp cả thành và trốn. Sau đó, theo như dự tính của ông, toà thành bị tấn công bởi số lượng quân lên đến 20.000 người. Lúc này, Gia Cát Lượng không hề hoảng hốt hay cho gọi bất kì viện binh nào, ông cởi bỏ bộ giáp của mình, leo lên mái nhà của tòa thành cao nhất, nơi cả quân đội địch có thể thấy ông, và ngồi xuống. Quân địch khi tiếp cận càng gần tất nhiên đã nhận ra vị tướng lừng danh, khi thấy thái độ điềm tĩnh của ông, họ ngay lập tức nghĩ rằng mình đã mắc bẫy và nhanh chóng rút lui. Gia Cát Lượng đã tự tin vào bản thân mình đến mức ông lừa cả một đội quân hùng mạnh mà không hề có bất kì kế hoạch dự phòng nào cả.

4. Quyết định của Birger Eriksen

blucher ii

Trước bình minh ngày 9 tháng 4 năm 1940, một đoàn tàu xuất hiện bên vịnh Oslofjord, thuộc khu Pháo đài Oscarsborg, gần Drøbak, Na Uy. Không ai trong pháo đài biết đoàn tàu đến từ đâu, họ cũng không có lệnh rõ ràng phải làm gì ngay cả khi họ có thể xác định nguồn gốc của tàu. Khi xem xét tình hình, gần như mọi người ở pháo đài đều nhận thấy rằng có điều gì đó rất khác lạ ở đoàn tàu này. Chỉ huy của pháo đài, Đại tá Birger Eriksen đã không hề ngần ngại, nói rằng:

Ta sẽ được vinh danh hoặc bị trục xuất vì hành động này. Khai hỏa!

Đoàn tàu này thực chất là các tàu chiến Đức đến chiếm đóng Na Uy. Hỏa lực của tòa pháo đài tấn công và đánh chìm tàu ​​chỉ huy, một tàu tuần dương hạng nặng gọi là Blücher, đã hạ ít nhất 600 thủy thủ Đức và trì hoãn cuộc tấn công đủ lâu để cho phép nhà vua và chính phủ trốn thoát khỏi Oslo.

5. Alexander Đại Đế và chiến thuật dẹp tan quân Ba Tư

battle of gaugamela 331 bc

Khi lên ngôi vua Macedonia, Alexander Đại đế đã hứa rằng sẽ giúp người Hy Lạp trả thù người Ba Tư, dân tộc đã tàn phá quê hương của họ. Riêng đối với cá nhân ông, Alexander nuôi tham vọng rằng mình sẽ là người cai trị đế chế lớn đó.

Bắt đầu từ năm 334 trước Công nguyên, sự nghiệp chinh phục của Alexander đã đưa ông đến sâu hơn vào lãnh thổ Ba Tư. Vua Darius đệ tam chuẩn bị gặp Alexander trên lãnh thổ do chính Darius lựa chọn, nơi ông có thể chấm dứt đế chế của Alexander. Nơi mà Darius đã chọn là đồng bằng Gaugamela, ngày nay là Irbil, Iraq. Với một lực lượng khổng lồ khoảng 90.000–250.000 người, Darius tự tin rằng mình sẽ chiến thắng vẻ vang trước 50.000 lính của Alexander. Bị áp đảo bởi lực lượng của kẻ thù, tướng Parmenion đã đề xuất với Alexander một cuộc tấn công vào ban đêm. Alexander bác bỏ ý tưởng đó, nói rằng:

Ta sẽ không hạ mình bằng cách đánh trộm kẻ thù. Alexander ta phải đánh bại kẻ thù của mình một cách công khai và trung thực.

Kế hoạch mà Alexander đã nghĩ ra là dùng hết binh lính của mình tấn công ngay vào trung tâm của địch. Ông tin rằng nếu ông có thể phá vỡ trung tâm, phần còn lại của quân đội Darius sẽ tan rã. Alexander đã đặt rất nhiều niềm tin vào một ngọn giáo đặc biệt dài 4m gọi là sarissa.

Khi trận chiến bắt đầu vào buổi sáng, cánh phải của Alexander vào đội ngũ để vây quanh kẻ thù. Darius cũng đã đáp trả bằng cách cử quân ra để chiến đấu với đội hình của Alexander, việc này đã gây ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong phòng ngự ở khu vực trung tâm. Alexander đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội này và cho toàn bộ lượng quân còn lại của mình tấn công vào trung tâm đội quân của Darius. Darius hoảng hốt và bỏ trốn. Chiến thắng này của quân Hy Lạp chấm dứt Đế quốc Ba Tư, và văn hóa Hy Lạp từ đó được lan rộng khắp nơi trên thế giới. Ảnh hưởng của chính trị Hy Lạp, nghệ thuật, kiến ​​trúc, khoa học và văn học vẫn có thể được cảm nhận ngày nay.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.