• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Phương Tây phồn hoa ngày xưa (Kỳ 1): Khi không khí trong lành là một khái niệm quá xa xỉ

Lịch sử

Nhiều bộ phim Hollywood như The Portrait of a Lady, The Age of Innocence đã hoa mỹ, hào nhoáng hóa thời Victoria bằng cách miêu tả một xã hội trang nhã, thanh lịch với những phép tắc xử sự đầy mẫu mực. Và sự thật là hồi đấy cuộc sống không hề đẹp đẽ như trong những bộ phim Hollywood, thậm chí có phần hơi “kém sang” nữa là đằng khác.

Therese Oneill – một tác giả, nhà văn có hiểu biết về sử học – đã từng mơ được trở thành một quý tộc thời Victoria, diện bộ váy phồng và lả lướt trong phòng khiêu vũ. Nhưng rồi bà tự hỏi, làm sao các quý bà và quý cô có thể đi vệ sinh khi mặc váy phồng? Và rồi ở thời Victoria thì đã có giấy vệ sinh chưa nhỉ? Bà bắt đầu tìm hiểu và cho ra đời quyển Unmentionable: The Victorian Lady’s Guide to Sex, Marriage, and Manners.

unmentionable book cover

Bìa quyển sách “Unmentionable: The Victorian Lady’s Guide to Sex, Marriage, and Manners” của tác giả Therese Oneill

Oneill viết rằng, đó là thời kì mà đến người phụ nữ cao quý nhất, sang trọng nhất cũng mặc quần lót không có đáy để dễ dàng… ngồi xổm trên bô khi đi vệ sinh mà không cần vén hết lớp này đến lớp nọ nào váy đầm và trang phục. Và để lau chùi sau khi “xong việc”, các bà các cô sẽ dùng giấy báo cũ, lá cây hoặc… lõi ngô.

victorian bloomer

Chiếc quần lót xẻ ở đáy giống với loại quần lót thời Victoria được rao bán trên trang Esty. Nguồn ảnh: Esty

Trong quyển sách của mình, tác giả Oneill như một hướng dẫn viên đầy năng nổ: “Bạn sẽ quay về thế kỷ 19 dưới lốt một vị tiểu thư con nhà quý tộc giàu có dòng dõi châu Âu nào đó, và sống ở Mỹ hoặc phía Tây Âu.” Bà có lí do để đặt độc giả của mình vào tầng lớp thượng lưu, vì khác với những người kém may mắn hơn, phụ nữ có địa vị xã hội sẽ đủ thời gian để suy nghĩ về nhiều vấn đề khác thay vì chật vật sống qua ngày. Những vấn đề như làm đẹp, giữ vệ sinh, các mối quan hệ,… sẽ chi phối một phụ nữ dư giả, cả trước và sau khi cô kết hôn. Cô sẽ đến gặp bác sĩ thường xuyên, đọc những tạp chí cho phái nữ, nghiên cứu các quảng cáo và trở nên thuần thục những phép tắc xã giao,… mọi thứ có thể giúp cô trở nên hoàn hảo trước người khác giới.

a lady reading a book

Tranh vẽ “A Lady Reading A Book” của họa sĩ người Đức Ernst Liebermann (1869-1960). Nguồn ảnh: readingandart.blogspot.com

Đó là những nhiệm vụ khó khăn. Oneill đặc biệt chỉ ra rằng thời Victoria rõ ràng là một thời kì bẩn thỉu (theo đúng nghĩa đen) trong lịch sử phương Tây, khi việc vệ sinh công cộng không bắt kịp sự tiến bộ của máy móc được mang tới bởi cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Có một chi tiết mà những tác phẩm Hollywood về thời kì này cứ nhởn nhơ mà bỏ qua: sự bốc mùi.

“Không có khái niệm về ‘không khí trong lành’ ở các thành phố lớn đâu. Bất kỳ nhà hay xưởng nào cũng cần năng lượng để hoạt động, thế nên người ta phải đốt gỗ hoặc than… kết quả là khói bụi và bồ hóng từ cả trăm, cả nghìn ngọn lửa cứ thế mà làm đen đặc bầu trời.” – Oneill viết.

shipgate street chester

Tranh sơn dầu vẽ lại khung cảnh đường Shipgate ở Chester, Vương quốc Anh của nữ họa sĩ Louise Ingram Rayner (1832-1924)

Những thành phố nồng nặc lưu huỳnh và nhờ vào đó, một vấn đề nặng mùi khác được che đậy bớt: những con đường và sông ngòi ngập ngụa thứ hỗn hợp nhầy nhụa từ nước mưa cùng rác thải của cả người và vật. “Ví dụ điển hình là sông Thames trước năm 1860, hằng ngày đều phải lãnh trọn hàng nghìn tấn rác thải từ những vòi nước và dòng chảy xả thẳng vào lòng sông. Tưởng tượng về mùi hương trong một ngày nóng nực nào.” Từ sự bốc mùi cho đến bệnh tật, nguồn nước là nơi ẩn náu của mọi mầm bệnh, từ thương hàn cho đến bệnh tả.

london river

Tranh “London River” của họa sĩ người Anh Charles Napier Hemy (1841-1917). Nguồn ảnh: poulwebb.blogspot.com

Sống trong môi trường đó, việc làm vệ sinh cho đúng cách là thật sự cần thiết. Nhưng phụ nữ làm vệ sinh thế nào là một vấn đề gây sự tranh cãi kịch liệt, chủ yếu là từ những ông bác sĩ. Những ông này ám ảnh về các vấn đề đạo đức (người phụ nữ ngoan đạo trần truồng mà kỳ cọ cơ thể) thay vì nghĩ đến quy luật tự nhiên: đi tắm.

the swing

“The Swing”, tranh vẽ năm 1876 của họ sĩ Julian Rossi Ashton (1851-1942). Nguồn ảnh: www.ngv.vic.gov.au

Vậy chuyện tắm táp của phụ nữ thời ấy liệu có lạ lùng hay thần bí không? Và cuộc sống của họ sau khi cưới trở nên phức tạp thế nào? Hãy đón đọc kỳ tiếp theo để cùng Lost Bird khám phá nhé.

Theo: nypost
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.