• Về đầu trang
Trứng chim
Trứng chim

Vladimir Putin là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới còn sở hữu người thử độc thức ăn cho mình

Lịch sử

Nhờ có người Nga, việc đầu độc vẫn "tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ số" này.

Theo lệnh của Lenin, các đặc vụ bí mật Nga đã xây dựng một phòng thí nghiệm chất độc tại Moscow vào năm 1921. Phòng thí nghiệm này được cho rằng “vẫn còn tồn tại” theo như những gì được viết trong cuốn sách khủng khiếp của Eleanor Herman.

Năm 2006, Alexander Litvinenko bị giết hại bởi các hạt phóng xạ của polonium -210, một chất độc có khả năng gây tử vong cao gấp hàng triệu lần so với xyanua. Trước đó, ông là nguyên Trung tá của Tổng cục an ninh Liên Bang Nga (FSB). Tháng 11 năm 1998, Litvinenko và một số sĩ quan FSB khác công khai cáo buộc cấp trên ra lệnh ám sát nhà tài phiệt Nga và nguyên phó bí thư hội đồng an ninh Nga Boris Berezovsky.

Và chỉ trong tháng 3 năm nay, Sergei Skripal và con gái là Yulia Skripal, những người đang sống lặng lẽ ở Wiltshire, đã bị ám hại bằng chất độc thần kinh Novichok. Chất độc này được phát hiện với nồng độ cao nhất là ở cửa nhà ông. Sergei Skripal là một cựu sĩ quan tình báo Nga kiêm điệp viên hai mang.

Theo cuốn The Royal Art Of Poison (tạm dịch Nghệ thuật chất độc Hoàng gia), Vladimir Putin “là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có người thử đồ ăn cho mình như những vị vua thời xưa”, giống như thời kì bùng nổ của chất độc: Trung cổ và Phục Hưng.

putin1

Tổng thống Nga -Vladimir Putin.

Gia tộc Medici hùng mạnh thống trị một đế quốc chính trị ở Florence nửa đầu thế kỉ 15, cũng đã sở hữu riêng cho mình những "căn phòng ma thuật", nơi được sử dụng để pha chế các loại đan dược chết người từ asen, thủy ngân, chì và các loại thảo mộc khác nhau. Nhưng điều đáng sợ ở đây là các loại thuốc độc này lại được ngụy trang với tên gọi "nước thánh" và được đựng trong các lọ thủy tinh. Để hỗ trợ cho việc chế tạo, họ thử nghiệm các loại độc này lên người những tù nhân bị kết án, như những con chuột bạch.

Cộng hòa Venice chính là nhà tài trợ cho các vụ đầu độc chính trị. Ở Pháp, hàng loạt tin đồn nối tiếp nhau về những mưu mô, những người anh rể ghen tuông và những kẻ thù ham muốn ngai vàng, về cả việc nữ hoàng cùng các tình nhân luôn luôn ngã quỵ với cơn đau như thể “hàng ngàn con dao nóng rực cứa vào và đốt cháy” bên trong họ. Cung điện Versailles thì tràn ngập tiếng thét của những người quằn quại đau đớn trên tấm ga trải giường ướt đẫm mồ hôi.

Đó cũng chính là nỗi sợ hãi lớn nhất của Vua Louis XIV. Ông đã thuê 324 người hầu chỉ để giám sát các bữa ăn của mình. Những người này, còn được gọi là “Officers of the Goblet”, sẽ dùng lưỡi và ngón tay của mình chạm vào xung quanh ly, dĩa, dao kéo. Ngoài ra, họ cũng phải kiểm tra cả khăn trải bàn bằng cách chà xát vào nó lên da mình.

Nếu môi của những người thử độc này không bị ngứa hay sưng, họ sẽ “kết luận rằng những đồ vật này không có độc”. Nhưng nếu ruột của những thành viên hoàng gia “có phản ứng” thì những người hầu này sẽ bị tra tấn như những kẻ phản bội.

Vậy nếu Nhà vua ra lệnh muốn ăn cà ri được nấu từ tối hôm trước, chuyện gì sẽ xảy ra?

Ở Anh, các biện pháp bảo vệ không chỉ gói gọn trong việc kiểm tra thức ăn. Những người hầu cận Vua Henry VIII còn phải kiểm tra cả đệm, ga trải giường, quần áo và đặc biệt là đồ lót. Việc này nhằm đề phòng những trường hợp vải vóc được tẩm “các chất gây hại” một cách có chủ ý.

henry

Vua Henry VIII.

Nhiệm vụ kiểm tra nhà xí của Vua được phân cho những người hầu nghèo khổ (nhà vệ sinh của Cung điện Hampton Court còn được biết đến rộng rãi với tên gọi Great House of Easement – tạm dịch "Thiên đường khuây khoả"). Phong tục này vẫn được duy trì trong thời của Nữ hoàng Elizabeth I. Bên cạnh đó, nước hoa và mỹ phẩm mà bà sử dụng sẽ được thử nghiệm trên các thị nữ.

elizabeth i

Nữ hoàng Elizabeth I.

Chất độc đã có lần được tìm thấy trên quả táo của bà. Trong các cuộc chiến về tôn giáo, nguy cơ nhang khói tại nhà thờ bị tẩm độc cũng là một trong những mối quan ngại của hoàng tộc lúc bấy giờ.

Chính vào lúc này, tác giả Eleanor Herman đã đưa ra một lời gợi ý thú vị trong cuốn sách của mình. Trong khi những câu chuyện đầy nham hiểm về găng tay bị đầu độc cùng với những mưu đồ phức tạp về việc giết người trở nên ngày càng phổ biến vì thị hiếu của người đọc, thì liệu mọi chuyện có thể đơn giản hơn? Ví như những nhân vật VIP này chỉ bị tăng xông và câu chuyện lại được vặn theo một cách đầy kịch tính? Hoặc có thể đây chẳng phải là một hành động ám sát mà chỉ là chuỗi triệu chứng từ đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, mê sảng, mất nước, hôn mê dẫn đến tử vong hoàn toàn tự nhiên, theo cách mà một con người vẫn tồn tại?

Thật vậy, khi những vấn đề này được đưa vào nghiên cứu, từ năm 1431 đến năm 1767 chỉ có 34 vụ được chứng minh là các vụ đầu độc ở Venice. Trong số đó, 11 vụ thất bại, 12 vụ không tìm thấy kết quả và rõ ràng, 9 vụ thành công, trừ khi nạn nhân chết vì một lí do tự nhiên nào khác.

Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là, vào thời hoàng kim của những lời đồn về việc đầu độc, không hề có tủ lạnh, công nghệ tiệt trùng hay việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Mãi cho đến những năm 1940, thuốc kháng sinh mới xuất hiện, vì vậy có thể nói ngộ độc thực phẩm là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến cái chết lúc bấy giờ. Và phải đến những năm 1880 thì bồn cầu mới trở nên phổ biến. Với sự nghèo nàn của các hệ thống vệ sinh, những nơi chứa nước thải sẽ bị rò rỉ. Chất thải sẽ nhiễm vào nguồn nước và là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của dịch tả. Những nghĩa địa, những xác chết thối rữa với khí metan, sunfur thấm vào đất và nguồn nước cũng là một nguyên nhân nữa dẫn đến sự tử vong thời đó.

Khi Nữ hoàng Elizabeth I nằm trong áo quan của mình, chờ đợi Vua James I từ Scotland, quan tài của bà đã bị nổ tung,“phun ra mùi khí hôi thối". Quả là một quá trình ướp xác qua loa.

Con người thời đó không tắm rửa. Họ tin rằng những bụi bẩn sẽ giúp họ ngăn chặn bệnh tật xâm nhập vào cơ thể. Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha chỉ tắm hai lần trong đời.

Đồ lót và thường phục mặc đi mặc lại hàng tháng liền.

Cứ một vài tuần, Triều đại Tudor lại chuyển từ cung điện này sang cung điện khác để các cung điện bỏ trống được tẩy rửa nước tiểu và phân.

Vì vậy, khi các nhà khoa học và nhà nghiên cứu bệnh học ngày nay đang cần mẫn “bẻ khóa các quan tài bị mốc” và thực hiện các xét nghiệm y tế về “xương thối và các xác ướp ghê rợn”, Herman lại cho chúng ta biết những vụ đầu độc từng được xác nhận một cách chắc chắn trước đây có thể chỉ là sốt rét, lao, loét dạ dày, bệnh than hay thương hàn. Ở một thời đại thích ăn hàu sông và tắm sông Thames thì đây là những bệnh phổ biến. Mọi người ở thời đại này đều có giun sán.

Phụ nữ thường chết sau khi sinh con không lâu, như trường hợp người vợ thứ ba của vua Henry VIII, Jane Seymour. Bà qua đời là do nhiễm trùng huyết từ các dụng cụ y tế bị ô nhiễm, chứ không phải vì một âm mưu hạ độc nào đó.

Nếu có những nhân vật phản diện được tìm thấy, họ hẳn là những người hành nghề y. Chính các phương pháp điều trị bệnh của họ còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh đó: súc ruột bằng acid sulfuric, chà xát thủy ngân vào vết thương hở, và không thể không kể đến những phương pháp dư thừa vô nghĩa khiến người bệnh mất máu.

eleanor herman author photo

Tác giả cuốn The Royal Art Of Poison, bà Eleanor Herman.

Herman có thể sẽ tiếp tục công việc viết lách của mình với phần tiếp theo. Đó sẽ là về sự truy tìm độc tố, từ các chiến trường trong Thế chiến thứ nhất cho đến sự tái hiện thời hiện đại. Lúc này mục tiêu đã trở thành phát minh ra các chất độc mới, những chất độc không hề để lại bất cứ dấu vết nào.

Điều này thật sự đáng sợ, nhưng việc súc ruột bằng acid sulfuric còn kinh hãi hơn.

Theo: Dailymail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.