• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Vương triều hàng trăm năm của Châu Âu sụp đổ do kết hôn cận huyết

Lịch sử

Theo một nghiên cứu của trường đại học Santiago de Compostela, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng dị tật hàm Habsburg - được đặt theo tên của gia tộc nổi tiếng lừng lẫy khắp châu Âu - là kết quả của 200 năm giao phối cận huyết.

Gia tộc Habsburg là một dòng tộc nổi tiếng từng cai trị khắp cả châu Âu trong gần 200 năm. Bắt đầu nổi lên ở Áo, sau đó, thông qua các cuộc hôn nhân với các hoàng gia khác, họ tiếp tục trị vì Bohemia, Hungary và Tây Ban Nha.

Người sáng lập vương triều Habsburg vào năm 1516, Philip Đệ I khi ông kết hôn với con gái của Ferdinand và Elizabeth - những người cai trị Tây Ban Nha đã rất lo ngại về chuyện quyền lực bị rơi vào tay những dòng họ khác. Do vậy, ông này đã quy định rằng các thành viên hoàng gia chỉ được kết hôn với người trong họ. Trong số 16 đời vua của vương triều này, 9 vị đã kết hôn với phụ nữ trong dòng tộc - trong đó có hai đám cưới giữa bác và cháu, một hôn lễ giữa anh em họ. Tuy nhiên, chính suy nghĩ sai lầm này đã khiến cho thế hệ sau trong gia đình trở nên ốm yếu và dẫn tới sự diệt vong không thể tránh khỏi.

Người đứng đầu dự án, nhà di truyền học Roman Vilas cho biết: "Triều đại Habsburg là một trong những triều đại có ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Nhưng họ cũng nổi tiếng vì kết hôn cận huyện và đây là lí do dẫn tới sự sụp đổ của dòng họ này."

Mariana của Áo (1634-1696) cũng có chiếc hàm vẩu tương tự

Để có được kết quả này, ông Vilas và các đồng nghiệp của mình đã phải tuyển 10 bác sĩ phẫu thuật để họ phân tích các dị tật trên khuôn mặt của 15 thành viên trong gia tộc Habsburg dựa trên 66 bức chân dung, cũng như là đối chiếu với số cuộc kết hôn cận huyết trong lịch sử nhà này.

Vua Charles II của Tây Ban Nha, người thừa kế cuối cùng của gia tộc, biểu hiện tình trạng vẩu hàm dưới rõ rệt nhất

Các bác sĩ phẫu thuật đều được yêu cầu tìm kiếm 11 đặc điểm của 'Hàm Habsburg' - hay còn được gọi là vẩu hàm dưới. Họ cũng đã tìm kiếm bảy đặc điểm xác định dị tật "khuyết hàm trên" - khiến cho xương hàm trên hoặc xương hình thành hàm trên – không phát triển đầy đủ.

Từ đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra tình trạng vẩu hàm dưới rõ rệt nhất ở Philip IV, vua của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong khoảng từ 1621 đến 1640. Trong đó, dị tật khuyết hàm trên được thể hiện rõ nhất ở năm thành viên trong gia đình gồm Maximilian I, con gái ông là Margaret của Áo, cháu trai ông Charles I của Tây Ban Nha, cháu ngoại của Charles là Philip IV và Charles II của Tây Ban Nha.

Ngược lại, thành viên ít bị ảnh hưởng nhất trong gia đình là Mary của Burgundy - người đã kết hôn với một thành viên của triều đại Habsburg vào năm 1477.

Mary của Burgundy

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối tương quan giữa khuyết tật vẩu hàm dưới và khuyết hàm trên, nói rằng chúng có chung một cơ sở di truyền và hàm Habsburg là tính trạng trội nhất. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã phải nghiên cứu thêm cây phả hệ của gia tộc này với hơn 6.000 cá thể tạo thành khoảng 20 thế hệ.  Nếu hai người có quan hệ huyết thống kết hôn với nhau, con của họ sẽ có xác suất sở hữu hai gene giống hệt tại một nhiễm sắc thể (một gene lấy từ bố và gene kia thừa hưởng từ mẹ) rất cao.

Hoàng đế Ferdinand II (1578-1637), chồng của Maria Anna của Bavaria và Eleonore Gonzaga

Nhóm nghiên cứu nhận thấy xác suất sở hữu hai gene giống hệt nhau trên một nhiễm sắc thể của dòng họ Habsburg tăng rất nhanh qua từng thế hệ, từ 0,025 đối với Philip Đệ nhất tới 0,254 với Charles Đệ nhị. Xác suất của Charles Đệ nhị thường xuất hiện ở những cuộc hôn nhân loạn luân (cha mẹ với con cái hoặc anh ruột với em gái).

Philip IV - một trong những thành viên cũng sở hữu tật hàm Habsburg

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng giải thích thêm rằng họ không loại trừ khả năng sự phổ biến của dị tật hàm Habsburg trong gia đình này chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Vilas nói: "Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi dựa trên các nhân vật lịch sử, nhưng kết hôn cận huyết vẫn phổ biến ở một số khu vực khác nhau và giữa một số nhóm tôn giáo và dân tộc. Chính vì thế, ta cần phải điều tra thêm các tác động. Triều đại Habsburg là một đối tượng rất hay để nghiên cứu, bởi họ có tỷ lệ kết hôn cận huyết rất cao."

Được biết, sau khi Charles II của Tây Ban Nha, người thừa kế cuối cùng của gia tộc, qua đời mà không có con, triều đại này đã bị sụp đổ và thay thế họ là dòng tộc Bourbon ở Tây Ban Nha. Dòng nữ của gia đình này cũng biến mất khi Maria Theresa von Ostereich qua đời vào năm 1780. Tuy nhiên, vẫn còn một số thành viên của dòng họ này tồn tại tới ngày nay. Trong số đó bao gồm thái tử nước Áo Otto von Habsburg (qua đời vào năm 2011), chính trị gia người Áo Karl von Habsburg và nhà điêu khắc Gabriela von Habsburg.

Theo: Daily Mail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.