• Về đầu trang
NNQ
NNQ

Mặt Trăng lần đầu tiên vô tình va chạm với một mảnh rác không gian

Khám phá

Một bộ phận tên lửa đã bay ngoài không gian trong nhiều năm sẽ va chạm với Mặt Trăng vào ngày 4 tháng 3. Đây sẽ là lần đầu tiên một mảnh rác vũ trụ vô tình đâm vào bề mặt Mặt Trăng.

Mảnh tên lửa dự kiến ​​sẽ va vào Mặt Trăng với tốc độ khoảng 5.500 dặm một giờ (~8.851 km/h). Sự kiện sẽ không thể quan sát được từ Trái Đất vì tác động dự kiến ​​sẽ xảy ra ở phía xa của Mặt Trăng.

"Nếu có thể quan sát được - điều đáng buồn là sẽ không xảy ra, bạn sẽ thấy một tia chớp lớn, bụi và các mảnh tên lửa phân hủy, đá cuội và đá văng ra ngoài. Một số trong chúng kéo dài hàng trăm km", nhà nghiên cứu độc lập về động lực học quỹ đạo kiêm nhà phát triển phần mềm thiên văn Bill Gray cho biết. Ông cũng là người đầu tiên phát hiện quỹ đạo của mảnh tên lửa kể trên.

Cách duy nhất để biết chính xác vị trí tên lửa va chạm vào là thông qua hình ảnh. Theo NASA, tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng của họ sẽ không ở vị trí thích hợp để quan sát vụ va chạm.

Tuy nhiên, nhóm điều hành tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng đang đánh giá xem liệu họ có thể quan sát các thay đổi với môi trường Mặt Trăng liên quan tới vụ va chạm. Từ đó, nhóm sẽ xác định miệng hố hình thành từ đó.

"Sự kiện độc đáo này mang đến một cơ hội nghiên cứu thú vị. Sau vụ va chạm, nhóm tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng có thể sử dụng máy ảnh để xác định vị trí va chạm bằng cách so sánh ảnh cũ và ảnh được chụp sau va chạm. Việc tìm kiếm hố va chạm sẽ rất khó khăn và có thể mất vài tuần đến vài tháng", NASA viết trong một email.

Theo ông Grey, tàu quỹ đạo Chandrayaan-2 của Ấn Độ cũng có thể xác định vị trí của hố va chạm - dự kiến có đường kính lên tới 65 feet (20 mét).

Đài quan sát khí hậu không gian sâu Hoa Kỳ (DSCOVR)

Mặt Trăng hiện có khá nhiều hố sâu, xảy ra do va chạm với các vật thể tự nhiên như tiểu hành tinh hoặc cả các tàu vũ trụ bị cố tình đâm vào.

David Rothery, giáo sư khoa học địa chất hành tinh tại Đại học Mở ở Vương quốc Anh cho biết có khả năng xảy ra ô nhiễm sinh học trên Mặt Trăng vì các bộ phận của tên lửa chưa được vô trùng khi phóng.

"Hầu hết các vi khuẩn sẽ chất nhưng có lẽ không phải tất cả. Chúng có thể sẽ không sinh sản nhưng đó là một rủi ro rất nhỏ", giáo sư nói.

Nguồn gốc của phần tên lửa hiện chưa được xác định. Ban đầu Gray cho rằng đây là bệ đỡ tên lửa SpaceX Falcon phóng lên Đài quan sát khí hậu không gian sâu Hoa Kỳ (DSCOVR) vào năm 2015. Tuy nhiên, sau đó ông Gray tuyên bố có khả năng đây là từ một sứ mệnh Mặt Trăng của Trung Quốc năm 2014 - NASA đồng ý với đánh giá này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận kết luận trên, khẳng định rằng tên lửa được đề cập đã bốc cháy khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.

Hiện không có cơ quan nào theo dõi các mảnh vỡ vũ trụ cách xa Trái Đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thách thức lớn hơn là các mảnh vỡ không gian trong quỹ đạo thấp của Trái Đất, nơi các mảnh vỡ có nguy cơ cao va chạm với các vệ tinh đang hoạt động hoặc thậm chí đe dọa tính mạng phi hành đoàn trên các tàu vũ trụ.

Có ít nhất 26.000 mảnh rác không gian quay quanh Trái Đất có kích thước bằng một quả bóng hoặc lớn hơn và có thể phá hủy một vệ tinh khi va chạm; hơn 500.000 vật thể có kích thước bằng một viên bi - đủ lớn để gây ra thiệt hại cho tàu vũ trụ hoặc vệ tinh; và hơn 100 triệu mảnh có kích thước bằng hạt muối, những mảnh vụn nhỏ nhưng có thể làm thủng một bộ đồ vũ trụ, theo một báo cáo của NASA được công bố vào năm ngoái.

Theo: CNN
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.