• Về đầu trang
Hieu Duong
Hieu Duong

Top 3 ngôi nhà đỉnh cao nhất trong cuộc thi Thiết kế nơi ở trên sao Hỏa của NASA có gì đặc biệt?

Nhiếp ảnh

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vừa công bố danh sách 3 thiết kế được đánh giá cao nhất trong cuộc thi Thiết kế nơi cư trú trên sao Hỏa bằng công nghệ in 3D do cơ quan này tổ chức.

Mục đích của cuộc thi lần này phục vụ cho kế hoạch sử dụng người máy để in 3D các không gian cần thiết cho các phi hành gia trên sao Hỏa, Mặt trăng hay các hành tinh khác.

Cuộc thi trị giá hàng triệu USD này yêu cầu các đội tham gia phải đưa ra các mô hình chi tiết mang tính thực thi cao với đặc điểm bề mặt của các hành tinh và tạo ra không gian cư trú ổn định hơn cho các nhà du hành (nơi có thể thay thế tàu bay hay mặt đất).

Cuoc-thi-thiet-ke-NASA-in-3D

Cuộc thi chia làm 3 vòng. Mỗi vòng có những tiêu chí đánh giá khác nhau nhưng điểm chung vẫn là chú trọng sử dụng công nghệ in 3D và tự động hóa.

Ở vòng đầu tiên, thử thách được đặt ra tương đối đơn giản khi các sản phẩm được đánh giá chủ yếu về mặt kiến trúc. Vòng này đã kết thúc vào năm 2015. Ở vòng tiếp theo, các đội thi phải chú trọng vào vấn đề vật liệu và tính khả thi của sản phẩm thiết kế.

cuoc-thi-thiet-ke-nha-sao-hoa-nasa

Sau khi vòng hai kết thúc, vòng cuối cùng vẫn đang diễn ra và dự tính sẽ kết thúc vào tháng 5 năm nay. Thách thức cuối cùng cho 3 đội xuất sắc nhất là thi công các thiết kế của họ theo quy mô thật. NASA yêu cầu họ phải thực hiện tất cả các chi tiết bằng cách in tự động.

Vòng thi này chia thành nhiều chặng và top 3 đội được đánh giá cao nhất ở chặng kề cuối này đã chia nhau món tiền thưởng 100.000 USD (hơn 2 tỷ VND).

Đội thi SEArch+/Apis Cor đến từ New York đã cán đích đầu tiên với mô hình được thiết kế theo cấu trúc xoắn.

Kết cấu của mô hình này trông khá giống với tháp giáo đường Hồi giáo hay gần gũi hơn là bề ngoài của chiếc loa Harman Kardon Invoke (hình minh họa so sánh bên dưới).

Cuoc-thi-thiet-ke-NASA-in-3D

Những chiếc lỗ nhỏ trên mái nhà và các bức tường cho phép ánh sáng có thể chiếu sáng không gian bên trong căn nhà. Dưới đây là video phân tích cấu trúc mô hình của đội SEArch+/Apis Cor.

Đội thứ hai trong top 3 chính là Zopherus đến từ bang Arkansas, Hoa Kỳ.

Sản phẩm của họ chú trọng đến sự linh động của robot in vòng đệm. Chu trình làm việc cụ thể của robot in như sau: xác định thực địa thích hợp để thi công, xây dựng ngôi nhà thứ nhất, cơ động đến vị trí thích hợp khác và in ngôi nhà tiếp theo. Tính tự động hóa cao được thể hiện rất rõ trong thiết kế của đội Zopherus.

Đội Mar Incubator đến từ tiểu bang Connecticut, Hoa Kì là đại diện cuối cùng của top 3.

Thiết kế của đội Mar Incubator có cấu trúc gồm nhiều mặt là những "bức tường" ngũ giác hoặc lục giác. Cấu trúc này cho phép mở rộng diện tích không gian bên trong nhưng vẫn đảm bảo sự kiên cố. Các khối "phòng" được liên kết với nhau bằng những ống dẫn ngắn với các chức năng khác nhau.

Trước khi được thi công, các thiết kế đã phải trải qua cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về khả năng chứa nguồn nước hay chống chịu với các tác động bên ngoài. Cả các biến đổi lớn về thời tiết như các hiện tượng về nhiệt như đóng băng hay tan chảy cũng được đưa vào bài kiểm tra.

Trong quá trình thử nghiệm, các mô hình phải trải qua các thử thách một cách tự động, hoàn toàn không có sự can thiệp của con người.

cuoc-thi-thiet-ke-nha-sao-hoa-nasa

Chặng cuối của vòng thứ ba sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5 năm 2019 tại thành phố Peoria thuộc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ. NASA đã treo giải thưởng trị giá 800.000 USD cho người chiến thắng cuối cùng.

Theo: Slash Gear
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.