• Về đầu trang
Rachel
Rachel

Từ chuyện 'thịt gà hay thịt chó' đến 'tôn trọng sự thật' trong nhiếp ảnh hiện trường

Nhiếp ảnh

Những ngày này, đâu đó cư dân mạng đang có phần dậy sóng vì bức ảnh đạt giải đặc biệt của cuộc thi Canon PhotoMarathon 2018; bởi lấp ló góc bức ảnh là một biển quảng cáo vừa quen thuộc, vừa... có gì đó sai sai?

Bức ảnh gây tranh cãi có chủ đề Vất vả ngược xuôi của tác giả Trần Hữu Long. Nguồn ảnh: Canon Vietnam.

Loanh quanh chuyện "thịt gà" hay "thịt chó"...

Bức ảnh đạt giải đặc biệt này được đánh giá cao bởi hội đồng thẩm định; trong đó nhiếp ảnh gia Hải Thanh đồng thời là một trong ba giám khảo cuộc thi nhận xét rằng:

"Trong một cuộc thi, ảnh tốt rất nhiều nhưng để chọn được ảnh chiến thắng đều phải dựa vào các yếu tố như bố cục, nguyên tắc, nội dung. Bức ảnh tình cờ tạo được một nhịp điệu đồ thị hình sin của những người lao động, thể hiện sự vất vả nhưng hăng say và trong sáng".

Tuy nhiên sau khi kết quả được công bố, có một vấn đề khiến dư luận đặc biệt chú ý đó là ở bức ảnh gốc trong lễ trao giải, hậu cảnh của bức ảnh là một biển hiệu thịt chó. Thế nhưng trong bức ảnh được Canon đăng tải truyền thông, tấm biển hiệu có chữ “thịt chó” đã được thay bằng chữ... “thịt gà”.

Cảnh chụp lễ trao giải, nơi bức ảnh vẫn còn "nguyên trạng" dòng chữ "thịt chó"... Nguồn ảnh: Baomoi.

Trên fanpage của Canon Vietnam, ngay dưới bài đăng công bố các tác phẩm đạt giải của Canon Photomarathon 2018, các cư dân mạng đã để lại bình luận chia sẻ quan điểm về chi tiết "kì cục" này. Trong đó, nhiều người cho rằng, BTC cuộc thi đã sửa đổi chi tiết "thịt chó" trong tấm ảnh dự thi thành "thịt gà" để tránh những tranh cãi tiêu cực, và nếu quả thực việc chỉnh sửa này là đúng thì đã đi ngược lại với tiêu chí lựa chọn ảnh không qua chỉnh sửa của cuộc thi.

Theo Ban tổ chức, sở dĩ có sự chỉnh sửa này bởi vấn đề thịt chó hiện đang gây tranh cãi. Do đó, Canon Vietnam đã liên lạc với thí sinh và được cho phép thay đổi phần không ảnh hưởng giá trị và tinh thần chính của bức ảnh để có thể làm nhẹ bớt vấn đề của xã hội. Còn về nhiếp ảnh đơn thuần thì bức ảnh đó là xứng đáng nhất, đại diện Canon cho biết.

Mặc dù không làm thay đổi tới giá trị tinh thần và tính thông điệp của bức ảnh, sự can thiệp của Ban tổ chức đã gây ra những tranh cãi lớn trên các diễn đàn về nhiếp ảnh trên mạng. Lý do mà bên phản đối đưa ra là bởi với tính chất của một cuộc thi sáng tác ảnh nhanh, chú trọng vào khoảnh khắc, bố cục hình ảnh, kỹ thuật chụp… việc chỉnh sửa tấm hình gốc là không phù hợp.

...Lại bàn về nhiếp ảnh hiện trường

the falling man

The Falling Man, một trong những bức ảnh nổi tiếng thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh hiện trường. Nguồn ảnh: Richard Drew.

Bên cạnh nhiếp ảnh nghệ thuật, còn có một lĩnh vực nữa là nhiếp ảnh hiện trường; có nghĩa là người chụp phải luôn túc trực ở hiện trường để chụp lại những hình ảnh lột trần sự thật. Khi truyền thông phát triển, sức mạnh của báo chí lên ngôi, tin tức được đưa đến người đọc một cách nhanh và chính xác nhất, thì chỉ riêng ngôn từ là không thể thể hiện hết được hiện trường và đó chính là lúc nhiếp ảnh cần có mặt. Người xưa từng nói mà, "Trăm nghe không bằng một thấy".

Vậy nên rõ ràng vấn đề khiến cho bức ảnh của tác giả Trần Hữu Long bị đưa ra mổ xẻ, chưa bàn đến tính thẩm mĩ chuyên môn, chính là việc nó đã bị ban tổ chức chỉnh sửa vì "lí do văn hóa" - theo nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh mô tả là "rất thô bạo", làm mất đi yếu tố chân thực của một tác phẩm tham gia cuộc thi về nhiếp ảnh hiện trường.

Sự "lên thớt" này đối với bức ảnh của Trần Hữu Long mới chỉ là những phản ứng còn khá nhẹ nhàng của cư dân mạng. Vào năm 2015, sự kiện bức ảnh của cũng một nhiếp ảnh gia chiến trường người Việt Nam tên Đoàn Công Tính - từng tạo ấn tượng mạnh tại festival nhiếp ảnh báo chí Visa pour I’Image Perpignan, bị phát hiện là sản phẩm qua chỉnh sửa Photoshop - đã gây chú ‎ý và thậm chí là sự phản đối gay gắt không ít từ cộng đồng những người yêu ảnh. Đoàn Công Tính cho biết rằng do phim gốc không đạt chất lượng nên phải nhờ kỹ thuật Photoshop để tạo thêm phông nền là thác nước cho bức ảnh về bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của mình.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính trước và sau chỉnh sửa. Nguồn ảnh: Đoàn Công Tính.

Trên trường quốc tế cũng không thiếu những vụ dậy sóng xoay quanh chuyện chỉnh sửa những bức ảnh mang tính chất nhiếp ảnh hiện trường, dù đó chỉ là những chi tiết nhỏ không ảnh hưởng đến thông điệp chính của tác phẩm. Năm 2012, nhiếp ảnh gia Harry Fisch đoạt giải tại cuộc thi ảnh National Geographic, giành chiến thắng trước 22000 tác phẩm được gửi đến từ 150 quốc gia. Tuy nhiên chỉ 72 giờ sau, Fisch đã bị tước giải, khi anh gửi file gốc tới cho ban tổ chức.

Việc dùng Photoshop xóa chiếc túi nilon ở rìa bức ảnh đã khiến Harry Fisch bị tước giải của National Geographic. Nguồn ảnh: Harry Fisch.

Rất tiếc, can thiệp vào nội dung bức ảnh, dù là nhỏ nhất, cũng bị cấm tuyệt đối trong các cuộc thi của National Geographic. Các nhà phê bình còn nói rằng kể cả không xóa bỏ chiếc túi nilon, Fisch vẫn có thể nhận được cúp vàng vì chất lượng và thông điệp của bức ảnh. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc.

Năm 2012, phóng viên ảnh Tracy Woodward của tờ Washington Post được trao giải ảnh Hiệp hội các phóng viên ảnh báo chí Nhà Trắng, cho tác phẩm chụp 2 võ sĩ đấm bốc. Tuy nhiên chính tờ Washington Post đã thông báo xin rút giải tới cho Hiệp hội, do phát hiện bức ảnh đã bị Woodward dùng Photoshop chỉnh sửa và xóa đi vị trọng tài góp mặt trong trận đấu.

Bức ảnh dùng Photoshop xóa áo trắng trọng tài của Tracy Woodward. Nguồn ảnh: Tracy Woodward.

Năm 2014, nhiếp ảnh gia tự do Narciso Contreras đã bị hãng tin AP sa thải, do anh tiết lộ đã chỉnh sửa bằng Photoshop một bức ảnh đoạt giải Pulitzer. Bức ảnh của Contreras, chụp một tay súng tại Syria, đã vô tình thu vào trong khuôn hình một chiếc máy ảnh ở góc trái bên dưới ảnh. Contreras đã chỉnh sửa để loại bỏ chiếc máy ảnh và vì điều này, anh cũng mất luôn công việc ở AP.

Bức ảnh khiến Contreras mất giải thưởng Pulitzer và cũng mất luôn công việc ở tòa soạn AP chỉ vì vài đường Photoshop. Nguồn ảnh: Narciso Contreras.

Quy tắc của nhiếp ảnh hiện trường, như ban lãnh đạo của AP từng nói: phải "luôn nói về sự thật". Nội dung của bức ảnh không được phép qua chỉnh sửa bằng Photoshop hoặc bất kỳ hình thức hay phần mềm hậu kì nào khác. Không một yếu tố nào được thêm vào hoặc bớt đi khỏi bức ảnh, bao gồm cả gương mặt hoặc danh tính của các cá nhân. Hậu kì duy nhất mà nhiếp ảnh hiện trường cho phép đó là sử dụng các công cụ để xóa các hạt bụi bám vào cảm biến của máy ảnh số, hoặc viết xước trên phim âm bản.

Em bé Napalm, một bức ảnh thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh hiện trường nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam đạt giải Pulitzer của tác giả Nick Út - cũng một phóng viên của tòa soạn AP. Bức ảnh không hề được chỉnh sửa, cắt xén hay thậm chí là làm mờ khuôn mặt của nhân vật chính - cô Phạm Thị Kim Phúc, dù sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi về tính "nhạy cảm" của bức ảnh. Nguồn ảnh: Nick Út.

Trong nhiếp ảnh hiện trường, vài chỉnh sửa nhỏ cũng chấp nhận được như cắt cúp, làm tăng sáng tối một số khu vực nhất định, chuyển ảnh từ màu thành đen trắng, điều chỉnh màu tối thiểu để bức ảnh trông rõ ràng hơn, giúp thể hiện bản chất tự nhiên của tác phẩm. Việc thay đổi độ tương phản, màu sắc và độ bão hòa màu, nhằm thay đổi khung cảnh bức ảnh gốc thì không được cho phép.

Tổng kết

Lại quay về câu chuyện "thịt chó - thịt gà", mặc dù tác giả bức ảnh không phải là tác giả của sự chỉnh sửa đó, cũng như Ban tổ chức đã đưa ra lời giải thích cho sự việc này; nhưng điều không thể phủ nhận ở đây là trong khi tiêu chí của cuộc thi được đề rõ ràng về việc lựa chọn những tấm hình không qua chỉnh sửa để trao giải nhưng cuối cùng bức ảnh đạt giải đặc biệt lại mắc chính lỗi đó, bởi chính Ban tổ chức. Điều này không chỉ làm giảm giá trị cuộc thi mà còn vi phạm quy tắc của nhiếp ảnh hiện trường. Giải đã trao tay, lời cũng đã công bố, tuy nhiên bức ảnh trong cuộc thi của Canon Vietnam thì chắc chắn vẫn sẽ chưa ngưng được đem ra bàn luận trên các diễn đàn về nhiếp ảnh trong nước vì những bất cập của nó.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.