• Về đầu trang
ABC
ABC

30 loài động vật vừa lạ vừa quý có thể bạn chưa từng nghe đến (P1)

Thiên nhiên

Thế giới tự nhiên luôn chứa nhiều bí ẩn, còn biết bao loài động vật mà con người vẫn chưa biết đến. Từ dưới đáy biển sâu đến cánh rừng xa xôi, giới khoa học đã vất vả khám phá ra những con vật quý hiếm giúp chúng ta mở mang tầm hiểu biết về tự nhiên.

Sau đây, Lost Bird xin giới thiệu 30 loài động vật rất lạ ấy:

1. Hươu nhỏ Pudú

Lớp: Thú. Bộ: Cetartiodactyl. Họ: Cervidae

Pudú là một chi gồm hai loài hươu nhỏ: Pudú puda - sinh sống ở các khu rừng rậm tây nam Nam Mỹ và Pudú mephistophiles xuất hiện trong những cánh rừng tây bắc Nam Mỹ.

Đây là loài hươu bé nhất thế giới, cao chưa tới 30 cm.

southern pudu female

Pudú puda

northern pudu 1

Pudú mephistophiles

Hươu Pudú cư ngụ dưới những táng cây thấp hay bụi cây rậm rạp và ăn các loại thực vật. Không may, môi trường sống của chúng đang bị nhiều người vô ý thức khai hoang để lập đồn điền. Hươu Pudú còn bị đe dọa, bắt nạt bởi các chú chó nhà.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

2. Tắc kè Brookesia

Lớp: Bò sát. Bộ: Bò sát có vảy. Họ: Tắc kè. Danh pháp: Brookesia micra.

Trong họ hàng các loài tắc kè thì Brookesia là chú tắc kè nhỏ nhất với chiều dài cơ thể chỉ khoảng 3 cm. Chúng được tìm thấy cách đây 6 năm trên một hòn đảo nhỏ ở Madagascar.

Tắc kè Brookesia ẩn nấp dưới những lớp lá khô rơi rụng trong rừng, chiếc đuôi tí hon nhưng có vai trò quan trọng giúp chúng giữ thăng bằng.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

2

3. Mèo Pallas (mèo manul)

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Mèo. Danh pháp: Otocolobus manul.

Đây có lẽ là một trong những loài mèo mang gương mặt "khó ở" nhất trên thế giới. Chúng sinh sống tại các đồng cỏ trên thảo nguyên Mông Cổ, Trung Quốc và thường phải lẩn trốn kẻ thù như chó sói, cáo.

3

Thức ăn của mèo Pallas chủ yếu là các động vật có vú nhỏ bé, có khi là côn trùng, chim, bò sát. Chúng thường ẩn náu trong các hang do mình đào bới hay nằm giữa các kẻ hở của tảng đá.

Dù vẻ ngoài béo ú với bộ lông rậm rạp nhưng mèo Pallas vẫn là tay leo trèo khá cừ. Tiếc rằng số lượng mèo manul đang suy giảm do môi trường sống bị đe dọa.

4. Vẹt Kakapo

Lớp: Chim. Bộ: Vẹt. Họ: Strigopidae. Danh pháp: Strigops habroptila.

Kakapo là loài vẹt ăn cỏ cây, hoa lá, hoạt động về đêm được tìm thấy ở New Zealand. Mang tiếng thuộc họ nhà chim nhưng chú vẹt này lại không biết bay. Mỗi năm chúng tìm bạn tình vào mùa hoa quả chín.

4

Năm 1999, theo thống kê chỉ có khoảng 50 cá thể vẹt Kakapo. Hiện tại nhờ sự can thiệp của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, động vật mà số lượng loài vẹt này tăng lên 150 con. Ngoài ra giới khoa học còn sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp duy trì nòi giống cho chúng.

Tình trạng bảo tồn: cực kỳ nguy cấp.

5. Chó sói đất Nam Phi - Aardwolf

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Linh cẩu. Danh pháp: Proteles cristata.

"Aardwolf" nghĩa là "chó sói đất" trong tiếng Afrikaans (một trong các ngôn ngữ chính của Nam Phi). Các bụi cỏ trên bình nguyên chính là nhà của chúng. Aardwolf mang vẻ ngoài như lai giữa linh cẩu và sói.

5

Nguồn thức ăn chủ yếu của chó sói đất Nam Phi là loài mối. Nếu đêm nào may mắn chúng có thể lấp đầy bao tử với chiến lợi phẩm tầm 200.000 con mối.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, loài này ít được quan tâm.

6. Khỉ mũi hếch vàng

Lớp: Thú. Bộ: Linh trưởng. Họ: Cercopithecidae. Danh pháp: Rhinopithecus roxellana.

Đây chắc hẳn là loài khỉ có ngoại hình bắt mắt, sặc sỡ nhất. Không hổ danh là con cháu Tôn Ngộ Không, khỉ mũi hếch vàng chính là đại ca cai quản khu vực rừng núi tuyết Trung Quốc.

Chúng có khả năng "nói tiếng bụng" khi giao tiếp với đồng loại, tức phát ra âm thanh nhưng miệng lại "kín như bưng".

6

Loài khỉ này dành phần lớn thời gian leo trèo trên cây, săn tìm địa y và các thứ mình ăn được. Đã là đại ca thì không tránh khỏi việc có kẻ thù, khỉ mũi hếch vàng có vẻ yếu thế hơn khi đối đầu với các động vật ăn thịt như báo, đại bàng.

Từ năm 1990, Trung Quốc ban hành luật cấm săn bắt khỉ mũi hếch vàng trước vấn nạn loài động vật này có nguy cơ tuyệt chủng.

Tình trạng bảo tồn: đang bị đe dọa (nguy cơ thấp).

7. Sóc khổng lồ Ấn Độ

Lớp: Thú. Bộ: Gặm nhấm. Họ: Sóc. Danh pháp: Ratufa indica.

Loài sóc có bộ lông sặc sỡ này dành hầu hết thời gian sống trên các cây cao trong rừng nhiệt đới Ấn Độ, chỉ khi đến mùa sinh sản chúng mới rời cây đi tìm bạn tình. Chúng ăn trái cây, bông hoa, côn trùng.

7

Ngoài bộ lông như bảng màu vẽ, sóc khổng lồ Ấn Độ còn sở hữu một đặc điểm rất ấn tượng. Đó là chiếc đuôi vừa dài vừa to khiến những người họ hàng như sóc Bắc Mỹ phải xấu hổ, phần cơ thể này giúp chúng giữ thăng bằng khi leo trèo trên cây.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

8. Chồn marten Nilgiri

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Chồn. Danh pháp: Martes gwatkinsii.

Loài chồn này có bộ lông đặc biệt với phần ngực màu vàng nổi bật, chúng sống trên cây thường xanh vùng rừng núi Nilgiri (Nam Ấn Độ). Thức ăn của chồn marten Nilgiri đa dạng từ các loài chim nhỏ đến côn trùng.

Đôi lúc chúng tham ăn, đi cướp bóc tổ ong nhằm ăn ấu trùng ong hay có khi lại "xơi" luôn cả loài sóc khổng lồ Ấn Độ.

8

Cái đuôi của chồn marten Nilgiri nhìn có vẻ bình thường nhưng mang vai trò quan trọng giúp chúng giữ thăng bằng khi leo trèo, nhảy nhót trên cây.

Loài chồn háu ăn này còn là "công nhân" chủ chốt được người dân địa phương nuôi giữ để sản xuất ra trà, cà phê chồn.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

9. Tê tê

Lớp: Thú. Bộ: Pholidota. Họ: Manidae.

Theo phân loại, có 8 loài tê tê: 4 ở châu Á và 4 ở châu Phi. Chúng cư ngụ trên các đồng cỏ và trong rừng nhiệt đới. Vài loài tê tê có khả năng leo cây để săn tìm kiến làm thức ăn, trong khi số khác biết cách đào hang dưới đất làm chỗ ẩn náu.

9

Tê tê có lớp vảy đặc biệt, mỗi khi cảm thấy nguy hiểm nó sẽ cuộn tròn mình lại nhưng không may "chiêu" này chỉ có thể đối phó với thú ăn thịt, không bảo vệ được chúng trước sự tàn nhẫn của những kẻ buôn bán động vật trái phép truy bắt tê tê để lấy thịt và lấy vảy làm thuốc.

Tình trạng bảo tồn: tùy loài tê tê mà tình trạng bảo tồn ở mức sắp nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp.

10. Thằn lằn nốt ruồi Mexico

Lớp: Bò sát. Bộ: Bò sát có vảy. Họ: Bipedidae. Danh pháp: Bipes biporus.

Thoạt nhìn trông thằn lằn nốt ruồi Mexico như con lai giữa rắn và giun đất, tuy nhiên lại được xếp vào loài bò sát, điểm đặc biệt là chúng có 2 chi nhỏ gần đầu. Sinh vật này được tìm thấy tại bán đảo khô cằn Baja California (Mexico).

10

Chúng hầu như chỉ ẩn mình dưới lòng đất và điều hòa thân nhiệt bằng cách bò trườn lên xuống đất. Thức ăn của chúng là côn trùng.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, loài này ít được quan tâm.

11. Gà móng Hoatzin

Lớp: Chim. Bộ: Opisthocomiformes. Họ: Opisthocomidae. Danh pháp: Opisthocomus hoazin.

"Hoatzin" được phát âm gần giống với từ "what-seen" hay "what-son". Đây là loài chim duy nhất có hình thức tiêu hóa thức ăn như loài bò.

11

Hoatzin sống ở đầm lầy sông Amazon phía Bắc Nam Mỹ, chủ yếu ở Brazil. Khả năng bay của chúng không được tốt lắm.

Từng có giả thuyết cho rằng tổ tiên của Hoatzin có nguồn gốc châu Phi, đã vượt Thái Bình Dương sang Nam Mỹ, "phương tiện" di chuyển là bè, thân cây trôi nổi.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

12. Mực ma ca rồng

Lớp: Cephalopoda. Bộ: Vampyromorphida. Họ: Vampyroteuthidae. Danh pháp: Vampyroteuthis infernalis.

Sinh vật huyền bí này không phải mực hay bạch tuộc, cũng chẳng liên quan gì đến ma cà rồng. Nhà khoa học đặt cái tên "mực ma cà rồng" với ngụ ý "loài mực ma cà rồng đến từ địa ngục" vì chúng sống sâu dưới biển tăm tối cách mặt nước khoảng 915 m.

12

Loài động vật này dài khoảng 25 cm, ăn những đám tuyết biển (vô số mảnh vụn hữu cơ rơi xuống đáy biển từ tầng nước bên trên). Dù sống nơi bóng tối, ánh sáng mặt trời không thể soi rọi nhưng mực ma cà rồng có khả năng phát quang sinh học làm chúng nổi bật dưới đáy biển sâu.

Tình trạng bảo tồn: chưa được báo cáo.

13. Dơi trắng

Lớp: Thú. Bộ: Chiroptera. Họ: Phyllostomidae. Danh pháp: Ectophylla alba.

Nhũng cục bông đáng yêu dài chưa tới 5 cm này chính là loài dơi trắng Honduran, được tìm thấy chủ yếu ở Honduras, đôi khi ở Costa Rica, Nicaragua, Panama.

13

Chúng sống thành đàn, nằm sát bên nhau trên những chiếc lá - ngôi nhà trên cây này che chở cho lũ dơi bé nhỏ tránh khỏi nanh vuốt của thú ăn thịt. Khi thân cây đột nhiên rung lắc, dơi trắng Honduran lập tức cảnh giác xem xét có kẻ thù nào đang tiếp cận không.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

14. Chim Andean

Lớp: Chim. Bộ: Sẻ. Họ: Cotingidae. Danh pháp: Rupicola peruvianus.

Nhà của gà đá Andean là khu rừng phía tây Nam Mỹ. Chúng ăn trái cây, côn trùng. Con trống tán tỉnh con mái bằng cách vỗ cánh, gật gật đầu cùng các cử chỉ "thả thính" khác nhằm thu hút sự chú ý của đối phương.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

14

15. Gà lôi tía

Lớp: Chim. Bộ: Gà Họ: Trĩ. Danh pháp:Tragopan temminckii.

Loài gà lôi này sống trong rừng rậm miền nam Trung Quốc. Con trống rất biết tận dụng lợi thế ngoại hình bắt mắt để thu hút bạn tình: ưỡn ngực ra làm nổi bật phần cơ thể sặc sỡ trước ngực và giương hai chiếc "anten" màu xanh trên đầu. Sau đó nó sẽ nhảy múa nhiệt tình, lắc lư đầu, vỗ cánh...

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

webp net resizeimage 93

Theo: science101
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.