• Về đầu trang
Cánh Cụt
Cánh Cụt

Giữ khoảng cách nhé, chim cánh cụt có thể 'phóng uế' xa tới 1,2m!

Thiên nhiên

Trong thời kì cách ly do đại dịch corona, mọi người đều cố gắng giữ khoảng cách với nhau. Tuy nhiên, với lũ chim cánh cụt, rõ ràng 1 mét là không đủ.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản đã khám phá ra rằng loài chim sống dưới nước này có thể "phóng uế" xa tới 1,2 mét lận.

Áp lực quá cao từ trực tràng của loài chim này - phân của chúng bắn với vận tốc 2m/s - giúp cho chim cánh cụt và tổ của chúng không bị hư hại khi đi đại tiện. Tuy nhiên, đối với các du khách và chủ vườn thú, cần phải hết sức cẩn thận khi tiếp cận chúng từ đằng sau nếu không bị "dính chưởng".

Đối với lũ chim cánh cụt, giữ khoảng cách 1 mét rõ ràng là không đủ.

Cụ thể, trong nghiên cứu này, 2 nhà vật lý học Hiroyuki Tajima từ ĐH Kochi và Fumiya Fujisawa từ Thủy cung Katsurahama đã tính toán xem chim cánh cụt Humboldt có thể "phóng uế" được bao xa - cũng như áp lực cần thiết từ trực tràng để chúng đạt được kỳ tích như vậy.

"Khi đứng trên mặt phẳng, một con cánh cụt Humboldt có thể "phóng uế" xa đến 0,4 mét. Chẳng hề là một khoảng cách ngắn đâu, nó tương đương với chiều cao của chúng đấy. Thêm vào nữa, lũ cánh cụt thường đứng trên những mỏm đá cao 2 mét rồi đi đại tiện, vậy nên khoảng cách này trên thực tế còn xa hơn nhiều. " - Các nhà khoa học cho biết.

"Chúng tôi khuyến khích những người nuôi cánh cụt ở Thuỷ cung Katsurahama nên giữ khoảng cách tối thiểu là 1,34 mét từ chúng", nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo của họ.

Ngoài ra, họ cũng tính được ra áp lực bên trong đường tiêu hoá của một chú cánh cụt Humboldt là 28 kilopascal. Nếu các bạn chưa hình dung được thì đối với con người, áp lực này tương đương với việc "phóng uế" xa tới 3 mét.

Lũ cánh cụt thường đứng từ trên cao và đi đại tiện xuống.

"Nghiên cứu này là một đóng góp quan trọng và thúc đẩy khoa học tiến lên", chuyên gia về vật liệu tự nhiên của Đại học Sheffield, Chris Holland nói với tờ The Times - đồng thời cảnh báo rằng cách tính toán này có thể có sai số.

"Chúng ta vẫn biết quá ít về phân động vật. Trong nghiên cứu này, họ coi nó là một chất lỏng hoạt động dựa trên định luật Newton. Trong khi trên thực tế, mọi chuyện có thể phức tạp hơn nhiều." - Holland cho biết.

Tuy nhiên, đây không phải điều nguy hiểm duy nhất chúng ta biết về phân của loài chim không biết bay này. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã phát hiện ra phân chim cánh cụt có chứa một lượng lớn khí cười. Nếu tiếp xúc với khí này nhiều giờ, con người có thể gặp các triệu chứng như uể oải, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt.

Theo: Daily Mail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.