• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Loài đỉa có thể giúp ngăn chặn những dịch bệnh tương tự Covid-19?

Thiên nhiên

Bằng công nghệ sinh học tân tiến, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Douglas Yu tại Đại học Đông Anglia ở Anh Quốc đã thành công trong việc chiết DNA từ phần máu được tiêu hóa trong dạ dày loài đỉa, từ đó xác định được những động vật mà đỉa đã hút máu và cho ra mô hình phân bổ động vật hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ailao Shan, tỉnh Yunnan.

Phương pháp phân tích DNA này cũng có thể được dùng để phân tích nước thải làm bằng chứng cho việc tiêu thụ hoặc buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Phải mất đến gần 5 năm và hơn 30.000 con đỉa thì nhóm nghiên cứu mới phát triển được công nghệ này, và giờ dây họ mong muốn áp dụng vào việc phòng chống nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Giáo sư Douglas Yu dẫn đầu nhóm nghiên cứu phát triển phương pháp chiết DNA từ máu đã được loài đỉa tiêu hóa.

Động vật hoang dã mang rất nhiều mầm mống dịch bệnh dễ lây lan sang động vật khác và cả con người. Như dịch Sars được cho là bắt nguồn từ loài dơi, sau đó lây sang loài mèo civet và sang con người. HIV cũng được cho là lây từ loài tinh tinh sang con người vào khoảng đầu và giữa thế kỷ 20.

Loài dơi được cho là nguồn gây nên dịch Sars năm 2003, và cũng có thể là nguồn dịch Covid-19 năm nay.

Tuy vẫn chưa rõ nguồn gốc thực sự của dịch Covid-19, các nhà khoa học nghi ngờ rằng virus gây bệnh bắt nguồn từ những loài động vật hoang dã như dơi, lây sang tê tê và từ đó sang con người. Tê tê là loài bị buôn lậu nhiều nhất thế giới và có lẽ là một phần trong chuỗi truyền bệnh.

Việc săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ khiến những virus dễ dàng tiếp cận được vào con người. Chính vì vậy mà hành động này cần được ngăn chặn, và nghiên cứu của giáo sư Yu sẽ giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Loài tê tê có khả năng nằm trong chuỗi truyền nhiễm dịch bệnh Covid-19. Đây là loài bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới.

Giáo sư Yu là một chuyên gia sinh thái học và là người tiên phong cho việc vận dụng eDNA (environmental DNA) vào nghiên cứu sinh thái. eDNA là những mẩu DNA xuất hiện khắp nơi trong môi trường và thường được giải phóng khi tế bào chết đi.

Bằng cách phân tích eDNA, các nhà khoa học không cần nhìn mà vẫn phát hiện được sự hiện diện của những loài hoang dã trong mẫu đất, nước, hoặc thậm chí trong máu đã được đỉa tiêu hóa. Vì vậy, phương pháp này đã trở thành công cụ pháp y đắc lực.

Loài đỉa, với cơn thèm máu vô tận, có thể xác định những loài động vật trong rừng rậm tốt hơn cả con người. Chúng không chê một loại máu nào, và xuất hiện khắp nơi trong những cánh rừng tại Yunnan.

Dạ dày loài đỉa chứa DNA từ những loài mà chúng uống máu. Từ thông tin này, mô hình phân bố động vật được tạo dựng nhằm kiểm tra số lượng động vật trong quần thể.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu bởi giáo sư Yu, đã được triển khai tại Yunnan từ năm 2015 nhằm khảo sát những sinh vật sống tại đây qua dạ dày loài đỉa. Từ đó, họ tìm cách phát triển một phương pháp đáng tin cậy nhằm phát hiện động vật hoang dã qua DNA thu thập trong dạ dày đỉa.

Trình tự DNA được thu thập sẽ được đưa vào một phần mềm so sánh dữ liệu nhằm so sánh đối chiếu với những trình tự DNA có sẵn trong cơ sở dữ liệu, tương tự với những hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã được áp dụng khá phổ biến.

Phương pháp đối chiếu DNA cũng tương tự với phương pháp áp dụng trong hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Phương pháp sử dụng đỉa này đã rất hữu dụng trong việc xác định những loài động vật ẩn nấp trong khu Ailao Shan. Họ đã phát hiện được DNA của những loài như gấu đen, gấu sambar, khỉ macaque, mèo báo, sơn dương, cũng như vô vàn loài chim, ếch, và cóc, trong dạ dày của đỉa. Ngoài những loài thường bị săn bắn, còn có cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Từ dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã tạo được mô hình phân bố quần thể động vật hoang dã tại vùng Ailao Shan. Kết quả đa phần là trùng khớp với đặc tính của các loài động vật.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ailao Shan thuộc tỉnh Yunnan, nơi thực hiện nghiên cứu chiết DNA động vật từ loài đỉa.

Theo ông Yu, "các loài được phát hiện ở đúng môi trường sống của chúng". Dữ liệu cũng trùng khớp với những báo cáo phát hiện động vật từ trước tại Ailao Shan. Phương pháp dùng đỉa này có thể được tin tưởng.

Kết quả nghiên cứu đã đến rất kịp thời. Ông Yu chia sẻ: "Chúng tôi hoàn toàn không lường trước việc sẽ bùng phát dịch bệnh do virus corona này. Chính phủ Trung Quốc cũng xem xét cấm vĩnh viễn những chợ bán động vật hoang dã tại Trung Quốc và giới hạn những đường dây buôn động vật hoang dã."

Những công nhân làm việc tại bệnh viện Youan, Bắc Kinh. Đây là một trong nhiều bệnh viện tại thủ đô này đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Ông chia sẻ thêm, rủi ro từ buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ đến từ Trung Quốc.

"Việc săn bắt động vật hoang dã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ một bộ phận nhỏ người Trung Quốc tiêu thụ động vật hoang dã, nhưng vì đây là Trung Quốc, bộ phận nhỏ này được quy ra thành một con số rất lớn. Bộ phận người tiêu dùng này góp phần làm giàu cho những thợ săn, nhà vận chuyển, buôn bán, là những người dễ tiếp xúc với nhiều loại virus lạ, trong đó có thể có loại virus gây nên dịch bệnh Covid-19."

Những sản phẩm từ động vật hoang dã có thể mang mầm mống gây dịch bệnh.

"Một quan niệm y học truyền thống của Trung Hoa là động vật hoang dã mang một tính chân thực, hoang dại, và vì vậy thịt của chúng rất bổ dưỡng và làm chúng ta khỏe mạnh hơn. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, có vẻ như điều ngược lại mới là đúng."

"Tốt hơn hết là hãy để những động vật hoang dã được yên. Đừng mua những sản phẩm làm từ động vật hoang dã, vì đó là tiếp tay cho những hoạt động săn bắt và vận chuyển chúng, và còn có thể dẫn đến có người bị nhiễm virus lạ và gây nên dịch bệnh tương tự trong tương lai. Chúng ta phải hiểu rằng việc mua những sản phẩm như bài thuốc, thịt, xương, cốt, sừng, vẩy, da từ động vật hoang dã sẽ đẩy cả sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta vào nguy hiểm."

Theo: South China Morning Post
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.